Vệ sinh vùng kín cho trẻ: Khó hay dễ?
Phải nói là không chỉ khó mà còn… rất khó. Bởi lẽ, chăm sóc vùng kín không đúng cách, bạn chẳng những có thể vô tình gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con, mà còn ảnh hưởng đến “hạnh phúc tương lai” của bé sau này.
Giữa bé trai và bé gái, việc chăm sóc vùng “tử cấm thành” rất khác nhau, trong đó thông thường bé trai sẽ khiến mẹ đỡ lo lắng hơn, việc vệ sinh dễ dàng hơn.
Thông thường, bé trai gặp rất ít những vấn đề viêm nhiễm vùng kín. Song, bạn vẫn nên cẩn thận đề phòng, đưa bé đến bác sĩ khi phát hiện các biểu hiện mọng đỏ, sưng, tiết dịch vàng ở vùng sinh dục.
Mỗi lần vệ sinh vùng kín cho trẻ, cần chú ý cả những góc “khuất” như phải lau rửa sạch sẽ, nhẹ nhàng khu vực dưới bìu, dưới “cậu nhỏ” của bé vì phân và nước tiểu dễ đọng lại ở đó.
Đóng tã cho bé trai, cần chú ý để vị trí của “hoàng tử bé” nằm xuôi chiều. Ngoài ra, cần chú ý kiểm tra hai “hòn ngọc”. Khi bé còn là bào thai, hai tinh hoàn nằm ở vùng khoang bụng. Chỉ gần tới ngày ra đời, chúng mới tụt xuống bìu. Lúc mới sinh, nhiều bé trai sơ sinh có thể thiếu một, thậm chí cả “hai hòn”.
Bạn cần trao đổi với bác sĩ và theo dõi từ sớm. Thông thường, vài tháng sau, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, “ngọc” về đúng nơi “quy định”. Tuy nhiên, nếu sau trên 6 tháng vẫn “không thấy đâu”, bạn cần có lời khuyên cụ thể của bác sĩ để xử lý.
Công thức cơ bản với việc vệ sinh “tử cấm thành” chỉ là không sử dụng bửa bãi các loại kem, thuốc bôi… để bôi cho bé ở vùng sinh dục. Phấn rôm là thứ duy nhất bạn được dùng nhưng vẫn phải chọn sản phẩm xuất xứ rõ ràng. Còn lại, bất kỳ thứ thuốc bôi hay kem bôi nào khác đều cần có hướng dẫn của bác sĩ.
Cũng đừng ngâm vùng sinh dục của bé trong nước nóng, sẽ khiến bé đau rát vùng này rất khó chịu. Vài tuần lễ đầu tiên sau khi sinh, cơ quan sinh dục của bé có vẻ như hơi sưng, nhưng thật ra không có gì đáng ngại cả. Đó chỉ là do quá nhiều hormone của mẹ đi vào cơ thể của trẻ qua nhau thai hay sữa mẹ. Sau vài ngày hiện tượng này sẽ hết.
Đối với bé gái, vùng nhạy cảm có phần phức tạp hơn nên bạn phải chú ý một số nguyên tắc quan trọng. Chẳng hạn như luôn vệ sinh cho bé theo chiều từ trước ra sau. Không bao giờ lau rửa từ vùng hậu môn rồi mới quay ra vùng sinh dục vì cách làm “ngược chiều” này có thể đưa các loại vi khuẩn từ hậu môn lây lan sang vùng sinh dục bé.
Phải đảm bảo vệ sinh tối đa cho bé, thay tã ngay mỗi khi bé đi ngoài. Việc lau rửa nên thường xuyên, kỹ lưỡng. Song cũng đừng “kỹ quá hóa… hại” như việc dùng cả dung dịch vệ sinh phụ nữ của mẹ để… rửa cho con như có trường hợp đã từng xảy ra. Cũng không nên lấy khăn chà xát mạnh, không lau rửa sâu ở vùng kín của con vì sẽ rất dễ làm tổn thương khu vực nhạy cảm này.
Trong những ngày đầu tiên sau khi sinh, có thể bé có hiện tượng ra dịch ở vùng kín. Đây cũng là việc bình thường do ảnh hưởng từ các hormone của mẹ trong khi còn mang thai. Bạn không cần lo lắng, trừ khi dịch ra kéo dài hơn một tuần.
Loại trừ những thói quen xấu
Có những việc trong quá trình vệ sinh bạn không chú ý nhưng lại dễ ảnh hưởng đến bé. Thứ nhất, đó là mỗi khi bé đi tiêu, đi tiểu, vệ sinh cho bé, bạn tuyệt đối không nên nhúng phần mông của bé vào thau nước để rửa, vì những vi khuẩn có hại từ phân sẽ nhiễm ngược trở lại vào vùng kín của bé.
Nên chuẩn bị nước với độ ấm vừa phải, không quá lạnh, sau đó múc đước để dội rửa cho bé. Không dùng vòi sen mạnh xịt thẳng vào vùng sinh dục của con. Dội rửa từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Khi đã sạch sẽ rồi thì cho bé nằm trên khăn bông mềm, lau khô bộ phận sinh dục, để bé “thoáng khí” một lát, thoải mái khô ráo rồi mới đóng tã mới.
Một sai lầm thường gặp nữa là bạn đừng lạm dụng tã, cứ ỷ y vào các loại tã “siêu thấm” rồi không chú ý đến con, đợi đến lúc tã quá ướt mới thay. Việc vệ sinh, thay tã sạch nên được thực hiện trung bình 4 tiếng một lần (tất nhiên khi bé đi đại tiện thì cần thay ngay lúc ấy).
Ngoài ra, như đã nhắc ở phía trên, sau khi lau rửa cơ quan sinh dục xong, đừng mặc tã ngay mà cần để cho bé không thoáng một lúc. Nếu cứ lau rửa vừa xong, lấy khăn thấm qua thấy khô, mẹ vội vàng mặc tã cho bé thì sẽ khiến tình trạng ẩm ướt kéo dài ở vùng sinh dục, dễ dẫn đến nhiễm nấm và các bệnh nhiễm trùng khác.
Với bé gái, bình thường chỉ nên rửa bằng nước sạch. Không nên quá kỹ, vệ sinh âm hộ cho con bằng nước muối pha loãng như một số bà mẹ vẫn làm (trừ khi bé đang có những biểu hiện viêm nhiễm và được bác sĩ chỉ định). Việc thường xuyên dùng nước muối pha loãng vệ sinh có thể giết chết các vi khuẩn có lợi đang bảo vệ vùng kín cho bé.
Cuối cùng, nên nhớ cơ quan sinh dục là phần vô cùng quan trọng của cơ thể mà bộ phận này rất dễ bị nhiễm trùng đường tiểu. Ở bé trai là do bị hẹp hoặc dài da quy đầu, còn ở bé gái là do bộ phận sinh dục tương đối lộ và dễ bị ẩm ướt. Do đó, bạn đừng lơ là với việc vệ sinh cho bé ở khu vực “tử cấm thành”. Nguyên tắc “khô” và “sạch” luôn đúng và cần được áp dụng với cả bé trai lẫn bé gái.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu thấy bé tiểu lắt nhắt, hăm đỏ vùng kín, tiết dịch, bị đau khi đụng vào, ra máu bất thường… nhất định cần đưa bé đến bác sĩ ngay chứ không nên tự ý điều trị, dễ làm tình trạng nhiễm trùng càng nặng hơn, thậm chí ảnh hưởng đến hạnh phúc của bé sau này vì những viêm nhiễm đó.
Lưu ý quan trọng
Với bé trai, nếu thấy bé quấy khóc, sốt, “quả ớt” của con có vẻ chật vật với bao quy đầu, bạn đừng cố gắng “can thiệp”, lôi kéo phần bao quy đầu của bé quá mạnh bạo. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có những chăm sóc phù hợp cho bé, tránh viêm nhiễm và tránh bị tác động, tổn thương khu vực nhạy cảm.