Sẽ có những lúc bạn muốn nói “không” với con nhưng lại cảm thấy bực bội bởi con không nghe lời và liên tục đòi hỏi. Hãy thử áp dụng cách từ chối siêu thuyết phục sau đây trong khi dạy con bạn nhé!
Vì sao cần học cách nói “không” với con?
Là bố mẹ, chúng ta lúc nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất với con của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào con cũng đúng. Nhiều lúc con sẽ có những kỳ vọng hay hành động sai, chẳng hạn như xin bố mẹ được xem tivi sau 10 giờ tối dù hôm sau phải đến trường sớm. Và đây là lúc bố mẹ cần học cách từ chối con để định hướng con có lối sống đúng và phù hợp.
Nếu bạn chỉ từ chối con mà không đưa ra một lý do thuyết phục, con sẽ cảm thấy không muốn nghe theo lời bố mẹ nói và cố gắng để phản kháng lại những ý kiến mà bố mẹ đưa ra. Do đó, cần phải học cách từ chối sao cho đúng để con ngoan và biết cách nghe lời bố mẹ bạn nhé!
Khi bố mẹ học cách từ chối
Thiết lập uy quyền
Chúng ta thường nghe rằng, những đứa trẻ cũng có quyền tự do của chúng và bố mẹ cần phải tôn trọng. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ. Đi kèm với quyền lợi chính là nghĩa vụ và để con có thể thực hiện theo, bạn nên thiết lập quyền lực của mình từ sớm
Thiết lập uy quyền không có nghĩa là bạn yêu cầu con phải hoàn toàn nghe theo mọi đề nghị của mình. Tuy nhiên, bạn nên thẳng thắng để trao đổi với trẻ về các giới hạn của con để con hiểu được rằng không phải mọi thứ con muốn đều có thể thực hiện được.
Việc thiết lập uy quyền từ sớm sẽ giúp bạn dễ dàng nói “không” với con hơn trong các tình huống sau này. Nếu bạn cứ liên tục nhượng bộ, sau này nếu bạn từ chối thì sẽ bắt đầu tìm cách để chống lại.
Trao đổi cùng con
Nếu bạn muốn học cách từ chối con, trước tiên cần phải học cách để trao đổi cùng con. Hãy dành thời gian để trò chuyện với con, lắng nghe lý do tại sao con lại muốn làm theo ý mình, hiểu được con đang nghĩ gì, muốn gì. Như vậy, bạn mới có thể xác định được vấn đề con đang gặp phải là gì và tìm cách nói “không” sao cho khéo léo và thuyết phục.
Xem thêm:
- Chỉ trích và chê bai con cái – “chiêu bài” dễ gây phản tác dụng khi dạy con
- Vì sao chúng ta dễ thất bại trong việc nuôi dạy con cái?
Đưa ra lý do
Nhiều bố mẹ vì không biết cách từ chối con nên đã nói không với con mà không đưa ra thêm bất kỳ lý do gì. Đây là một điều vô cùng sai lầm bởi nếu trẻ chỉ thấy sự nghiêm khắc của bố mẹ mà không hiểu được nguyên nhân tại sao bố mẹ lại yêu cầu trẻ làm như vậy thì trẻ sẽ dễ sinh tâm lý muốn phản kháng, chống lại bố mẹ hoặc trì hoãn làm theo lời bố mẹ.
Tốt nhất khi từ chối con bất cứ điều gì, hãy đưa ra cho con lý do để thuyết phục con. Như vậy trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận khi thấy bố mẹ nói “không” và nghe theo lời của bố mẹ.
Đưa ra cho con những lựa chọn
Bạn có biết, một cách từ chối được nhiều phụ huynh áp dụng chính là đưa ra cho con những lựa chọn thay thế. Khi trẻ muốn được mua món đồ A nhưng bạn cảm thấy không nên, bạn có thể gợi ý cho trẻ về món đồ B hoặc C có giá trị tương đương hoặc thậm chí phù hợp hơn.
Khi đưa ra lựa chọn cho trẻ, đừng quên kết hợp với những cách từ chối phía trên, chẳng hạn như giải thích với con lý do vì sao bố mẹ lại khuyến khích con mua món đồ B mà không phải món đồ A. Như vậy thì trẻ vừa nghe lời bố mẹ vừa có thêm những bài học cho riêng mình trong việc chọn lựa.
Xem thêm:
- Dạy con trí tuệ cảm xúc bằng 8 “tuyệt chiêu” này, ba mẹ nhé!
- Dạy con ứng xử văn minh trên mạng xã hội, làm sao cho đúng?
Không la hét và ép buộc con
Sai lầm của rất nhiều ông bố, bà mẹ Việt đã biến cuộc tranh luận thành cuộc chiến chính là la hét, thậm chí đánh đập con và buộc con phải nghe theo ý của mình. Đây không phải là một cách từ chối phù hợp và khéo léo đâu nhé!
Giúp con hiểu được các quy tắc
Trẻ có thể tức giận, phẫn nộ và có thái độ, hành vi không tốt khi bố mẹ từ chối làm theo đề nghị, mong muốn của trẻ. Và đây cũng chính là lúc bạn cần làm rõ với con, giúp con hiểu được các quy tắc ứng xử trong cuộc sống rằng việc con bày tỏ thái độ tức giận không phải là một việc làm tốt và nên làm.
Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu con cần gì
Mỗi gia đình sẽ có một cách dạy con khác nhau tùy theo hoàn cảnh gia đình cũng như tính cách của từng đứa trẻ. Bạn có thể có cách từ chối của mình và chẳng thể nói cách dạy con của bạn là đúng hay sai. Tuy nhiên, dù cho bạn có lựa chọn dạy con như thế nào đi chăng nữa thì đừng quên đặt mình vào vị trí của con bạn nhé!
Chỉ khi bạn đặt mình là con, bạn mới hiểu được trẻ cần gì, tâm tư nguyện vọng của con để có thể tìm ra được những phương pháp dạy con phù hợp nhất với trẻ.
Để con có thể chấp nhận khi bố mẹ nói “không” không phải là một điều dễ dàng. Hãy học cách từ chối phù hợp để hạn chế mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trở nên căng thẳng hơn bạn nhé!