Cách trữ sữa mẹ trong tủ lạnh không còn là một phương pháp xa lạ đối với nhiều “mẹ bỉm sữa”. Vậy phải vắt và bảo quản sữa mẹ ra sao cho khoa học và hợp lí để không bị hư mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho bé?
Hướng dẫn cách vắt sữa mẹ bằng tay đúng cách
Chuẩn bị trước khi vắt sữa:
Chuẩn bị vật chứa như cốc, ly, lọ hoặc bình đựng có miệng rộng.
Rửa các dụng cụ thật sạch bằng xà phòng và nước sạch sau đó tiệt trùng bằng nước sôi.
Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng rồi chọn kiểu đứng hoặc ngồi một cách thoải mái như khi cho con bú, đặt bình sữa sát kề vú.
Thực hiện:
Đặt khăn ấm lên đầu vú có tác dụng làm sữa về nhanh hơn hoặc massage nhẹ nhàng đầu vú.
Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C. Đỡ vú bằng các ngón tay khác.
Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. Ấn vào rồi thả ra, ấn vào rồi thả ra.
Ấn xung quanh quầng vú tương tự từ nhiều phía. Thực hiện như vậy với mỗi bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt cả 2 bên. Ngoài ra, có thể sử dụng dụng cụ bơm hút sữa để vắt dễ dàng hơn.
Cách xếp sữa vào tủ lạnh
Xếp thành hàng ngang, bình ngoài cùng bên trái là bình cũ nhất, bình ngoài cùng bên phải là mới nhất. Ghi chú từng ngày vắt để dùng lần lượt từ cũ tới mới.
Cất sữa vào tủ lạnh nên ghi chú theo từng ngày để dùng lần lượt từ cũ, đến mới (Ảnh minh họa).
Số lượng sữa vắt trong một lần
Với bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên vắt sữa với số lượng khoảng 100-150ml/lần là đủ. Với bé lớn hơn, số lượng sữa vắt phụ thuộc vào nhu cầu của bé.
Trong trường hợp mẹ sinh non và phải ăn bằng ống thông. Nếu mẹ vẫn muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì ngay từ ngày thứ hai sau khi sinh mẹ nên vắt sữa đều đặn 3 – 4 tiếng một lần.
Thời gian bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Sữa mẹ vắt ra có thể bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Cụ thể: Sữa bảo quản trong tủ đông có thể để trong 6 tháng. Sữa để ngăn đá tủ lạnh 1 cửa có thể để được 2 tuần. Ngăn đá tủ lạnh 2 cửa để được 4 tháng. Sữa để ngăn mát tủ lạnh được 48 giờ. Sữa để ngoài nhiệt độ phòng trên 26ºC để tối đa 1 giờ và sữa để trong phòng máy lạnh, nhiệt độ dưới 26ºC chỉ để được tối đa 6 giờ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia khi nghiên cứu về các cách trữ sữa mẹ trong tủ lạnh, lượng sữa và chất lượng sữa ở mỗi người mẹ là khác nhau nên thời gian bảo quản cũng sẽ khác nhau tùy lúc vắt sữa. Do đó, việc xác định thời gian bảo quản cũng phải linh hoạt.
Với các trường hợp đột ngột cúp điện quá lâu, mẹ có thể mua hoặc mượn thùng giữ lạnh rồi chuyển sữa đông đá vào trong thùng giữ lạnh, mua đá cây cho vào thùng để giữ cho sữa đông không bị tan chảy. Khi có điện lại chuyển sữa trở vào ngăn đá.
Cách rã đông sữa mẹ sau khi được bảo quản trong tủ lạnh
Sữa lấy từ nơi bảo quản ra, cho vào ngăn mát để tan dần đến khi tan hết thì cho ra ngoài một lúc sau đó hâm nóng ở nhiệt độ khoảng 40ºC là có thể dùng được. Khi mẹ làm lạnh sữa, chất béo trong sữa sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt. Khi làm ấm sữa trở lại, mẹ nên lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo này.
Có thể ngâm sữa qua nước ấm để rút ngắn thời gian rã đông (Ảnh minh họa).
Rã đông bằng cách trên có thể gây tốn nhiều thời gian nhưng mục đích là cho sữa tan dần, tuyệt đối không làm sữa tan nhanh bằng bất kỳ hình thức nào vì mọi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột đều dễ làm sữa bị mất các hàm lượng dinh dưỡng.
Sữa sau khi đã rã đông chỉ được sử dụng trong vòng 24 giờ và nếu bé bú không hết thì cũng phải được bỏ đi, không dùng lại.
Lưu ý khí áp dụng cách trữ sữa mẹ trong tủ lạnh
Lúc vắt sữa mẹ, tránh chà xát hoặc trượt ngón tay trên da. Các ngón tay vắt bằng cách lăn trên da. Tránh ấn vào núm vú. Ấn hoặc kéo núm vú không thể vắt được sữa.
Khi sử dụng túi đựng sữa, nên chọn loại có khả năng dính vào hai bên mép túi, làm giảm khối lượng sữa. Chỉ đổ sữa vào lưng túi sữa, không đổ đầy vì khi sữa đông lại thể tích sẽ tăng lên dễ làm vỡ túi.
Khi vắt sữa, mỗi túi nên đổ vừa đủ 1 lần trẻ bú. Lúc lấy ra rã đông cũng thuận tiện hơn và tránh lãng phí.
Không hoà chung sữa mới vắt và sữa đã trữ đông cho bé bú
Khi rã đông sữa, không nên sử dụng lò vi sóng vì lò vi sóng có thể làm hủy hoại các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ, tạo ra các “hạt nóng” có thể gây bỏng cho con.