Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng những lần đại tiện cách nhau đến 3 hoặc 4 ngày. Tuy nhiên, số ngày đi đại tiện cũng chưa thể dám chắc rằng bé thực sự bị táo bón. Táo bón còn thể hiện ở việc trẻ sơ sinh đi đại tiện khó khăn, rặn nhiều, xì hơi có mùi khó ngửi; phân keo như đất sét, dây, dính, bết; bụng hơi phình…
Mặc dù táo bón không phải là tình trạng sức khỏe gây nguy hiểm đến tính mạng bé, nhưng táo bón kéo dài có thể làm cho một số độc tố trong phân xâm nhập trở lại và gây hại cho trẻ, chẳng hạn như khiến bé luôn bứt rứt, khó chịu, hay quấy khóc, ăn ít hơn, bé tăng cân chậm, ngủ không ngon, hay bị giật mình, nặng hơn là dẫn đến phình đại tràng thứ phát, bệnh trĩ. Vì vậy, tìm hiểu cách trị táo bón ở trẻ sơ sinh ngay khi bé chớm có dấu hiệu bị táo bón là việc làm rất cần thiết.
Trẻ sơ sinh bị táo bón. (Ảnh minh họa)
Tùy theo từng trường hợp mà mẹ có cách khắc phục táo bón ở trẻ khác nhau. Cụ thể như sau:
Trẻ đang bú mẹ hoàn toàn:
Bé bú sữa mẹ thường ít gặp tình trạng táo bón hơn so với bé sử dụng sữa công thức. Nếu bé bú mẹ hoàn toàn mà bị táo bón có thể là do mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, dùng thuốc giảm cân… Thông qua sữa mẹ, những thành phần này sẽ làm cho cơ thể bé bị nóng dẫn đến mất nước, phân khô gây táo bón.
Bé bú mẹ bị táo bón còn có thể là do bé đang bị ốm, bị sốt, toát nhiều mồ hôi khiến cơ thể mất nước; hoặc do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, giảm ho chứa codein, uống bổ sung canxi.
Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc nhuận tràng, bơm thụt hoặc ngoáy hậu môn làm cho bé thụ động trong việc đại tiện, nhu động giảm, phân chậm di chuyển cũng dẫn đến hiện tượng táo bón nhiều hơn.
Cách khắc phục:
Với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn thì để bé chấm dứt tình trạng này, đầu tiên người mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống của mình. Mẹ nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước; đồng thời tạm ngưng dùng đồ cay nóng, viên bổ sung canxi, sắt…
Mẹ có thể tác động bên ngoài bằng cách xoa bụng bé theo khung đại tràng từ phải sang trái, ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa để kích thích nhu động ruột; hoặc cho bé nằm xuống giường, rồi cầm hai chân bé di chuyển như kiểu đạp xe.
Trẻ dùng sữa công thức:
Như đã nêu trên, bé bú sữa ngoài sẽ dễ gặp phải tình trạng táo bón hơn bé bú mẹ, vì sữa ngoài nóng và khó tiêu hoặc do nhiều mẹ pha chưa đúng cách.
Cách khắc phục:
Mẹ hãy thử đổi sang loại sữa mới cho bé, chọn loại có chứa chất xơ Fructooligosaccharid (FOS) và đầy đủ dưỡng chất giống sữa mẹ.
Khi pha sữa, mẹ nên pha theo đúng hướng dẫn trên bao bì, tránh pha quá đặc hay quá loãng hoặc pha với nước trái cây hay nước cơm…
Đặc biệt, cách trị táo bón ở trẻ sơ sinh uống sữa ngoài hiệu quả không thể thiếu việc tập cho trẻ đại tiện đúng giờ bằng cách xi và xoa bụng mỗi ngày.
Trẻ ăn dặm:
Đây là giải đoạn trẻ sơ sinh bị táo bón “ghé thăm” nhiều nhất. Nguyên nhân thường là vì hệ tiêu hóa của bé chưa kịp thích ứng với sự thay đổi thức ăn quá nhanh, quá đặc, đồ ăn dặm quá giàu chất đạm, thiếu chất xơ từ rau. Ngoài ra, bé uống ít nước, bổ sung thêm canxi cũng dẫn đến táo bón trong giai đoạn này.
Cách khắc phục:
Mẹ nên cho bé chuyển sang ăn dặm từ từ để làm quen với thức ăn dặm, ăn từ loãng đến đặc dần. Thực đơn ăn dặm của bé cần ưu tiên các loại rau quả có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi, tránh cho bé ăn các loại hoa quả có vị chát như ổi, hồng xiêm hoặc ăn nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước có gas…
Trong giai đoạn này, ngoài nước lọc, mẹ có thể bổ sung thêm cho bé các loại nước ép trái cây tốt cho đường ruột như lê, mận, táo… Một điều mẹ không nên quên nữa trong cách trị táo bón ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn ăn dặm là phải tập cho bé đi đại tiện hàng ngày, phải xi và xoa bụng để trẻ quen với việc đại tiện.