Không phải lúc nào trẻ bị ho có đờm cũng cần dùng thuốc. Hầu hết trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh hô hấp nhẹ đều có thể tự khỏi. Mẹ không cần quá lo lắng mà hãy dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách chăm sóc khi bé bị ho cùng Mẹ và Con đã nhé.
Ho có đờm là gì?
Ho có đờm là phản xạ tốt của hệ miễn dịch. Đờm là chất tiết của đường hô hấp gồm bạch cầu mủ, hồng cầu, chất nhầy… Ho có đờm giúp loại bỏ vi khuẩn, virus, bụi bẩn ra khỏi đường thở. Tùy vào tác nhân gây bệnh cũng như mức độ viêm, nhiễm trùng mà màu sắc đờm sẽ khác nhau.
Tình trạng ho thường sẽ giảm dần và tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày. Tuy vậy, nếu để tình trạng ho có đàm kéo dài không chữa trị dứt điểm thì bệnh có thể gây khó thở, ảnh hưởng đến phế nang, phế quản, ứ đọng khí bên trong.
Ho có đờm là dấu hiệu bệnh gì?
Đây là biểu hiện chung khi có viêm, nhiễm trùng trong đường thở của bé. Nguyên nhân thường gặp như sau:
- Viêm phế quản: nhiễm trùng niêm mạc đường thở, niêm mạc trở nên rất nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh như khói bụi, vi khuẩn, virus…
- Viêm tiểu phế quản: đây là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 24 tháng, phổi bị nhiễm khuẩn do virus dẫn tới ho, khó thở, thở khò khè và chảy nước mũi.
- Viêm xoang: nguyên nhân chủ yếu gây viêm xoang ở trẻ là do nhiễm khuẩn. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ bị ngạt mũi, chảy dịch sau mũi, ra nhiều đờm.
- Hen suyễn: bệnh hô hấp mạn tính này rất thường gặp ở trẻ em, bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí với các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở.
Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh thì mẹ cần đưa bé đến khám ở cơ sở y tế uy tín. Hãy lưu ý các triệu chứng đi kèm với ho có đờm để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất có thể.
Cách trị dứt điểm triệu chứng ho kèm theo đờm
Cách chăm sóc trẻ bị ho nhanh khỏi bệnh
Nếu trẻ còn bú mẹ thì nhìn chung mẹ chỉ cần chú ý chọn chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Trường hợp bé đã ăn dặm hoặc trẻ đã ăn cơm bình thường thì cần lưu ý:
- Chọn đồ ăn mềm, nhiều nước và dễ tiêu hóa như súp, cháo loãng.
- Bổ sung vitamin C cho bé để tăng đề kháng.
- Cho bé ăn đủ kẽm để nhanh phục hồi đường thở sau cơn ho.
- Uống nước ấm để xoa dịu cổ họng và giảm cơn ho.
- Hạn chế các loại thực phẩm gây ho như chocolate, bạc hà, thức ăn dầu mỡ béo, cay, các chất kích thích và thức uống có ga.
- Chia nhỏ bữa ăn, nên cho bé ăn ít nhất 2 giờ trước khi ngủ.
- Bé hơn 1 tuổi thì mẹ có thể pha chanh mật ong ấm để hỗ trợ giảm triệu chứng ho. Mẹ lưu ý trẻ dưới 1 tuổi không được dùng mật ong vì có thể gây ngộ độc thức ăn.
Bên cạnh ăn uống, hãy để con có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Có thể cho bé tắm hơi hoặc xông bằng nước nóng để làm thông thoáng, giãn đường hô hấp.
Đặc biệt, tiêm phòng cho trẻ sơ sinh 0 – 24 tháng là cách phòng bệnh hiệu quả, tiết kiệm để tránh ho do bệnh lý cho trẻ.
Trẻ ho có đờm cần uống thuốc không?
Khi trẻ ho có đờm, cha mẹ nên lắng nghe ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Tình trạng kháng kháng sinh ở nước ta đang ở mức báo động. Cha mẹ tuyệt đối tránh tự ý cho trẻ dùng kháng sinh nếu không muốn phải hối tiếc về sau.
Chưa kể một vài loại thuốc ho, cảm lạnh không kê đơn có thể gây hại cho sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tuổi. Bé từ 4-6 tuổi vẫn nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Với trẻ từ 6 tuổi, mẹ có thể mua thuốc trị ho không kê đơn cho bé nhưng cần uống đúng liều lượng được kê, không tự ý thêm/giảm thuốc của con.
Cha mẹ cũng không nên cho trẻ dùng nhiều thuốc từ các nguồn khác nhau trong cùng một thời điểm. Bởi rất có thể bạn sẽ vô tình cho trẻ dùng quá liều hoặc có tương tác thuốc không mong muốn giữa các hoạt chất khác nhau. Hãy thông báo với bác sĩ về các thuốc, thực phẩm chức năng bé đang dùng để đảm bảo con được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Nhìn chung, ho có đờm là triệu chứng rất phổ biến ở trẻ em. Hy vọng bài viết đã giúp cha mẹ hình dung được mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như xem cần làm gì khi bé bị ho. Nếu cảm thấy tình trạng bệnh không thuyên giảm, đừng chần chờ mà hãy đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra bạn nhé.