Thịt vịt thường có mùi đặc trưng hơn thịt gà, tuy có khuyết điểm như vậy nhưng nếu ai ăn được thịt vịt sẽ không thể cưỡng lại hương vị đặc biệt. Nổi bật với độ dai vừa phải, phần thịt săn chắc, béo nhẹ, thơm ngon hơn thịt gà rất nhiều.
Nếu bạn là “fan” của thịt vịt, hay đơn giản là đang tìm một món ăn đặc biệt cho gia đình hãy tham khảo ngay cách làm vịt khìa nước dừa sau đây từ Mẹ và Con nhé!
Xem thêm: Cách làm món vịt kho gừng
Cách làm vịt khìa nước dừa
Nguyên liệu
- 1 con vịt
- 10 – 15gr hành tím (khoảng 3 – 4 củ vừa)
- 10 – 15gr tỏi (khoảng 1 củ tỏi)
- 1 trái dừa (nếu trái nhỏ các bạn nên chọn 2 trái)
- Gia vị: bột ngũ vị hương, bột tỏi, bột gừng, dầu màu điều, đường, muối, bột ngọt…
- Rau sống ăn kèm: rau diếp cá, rau xà lách, dưa leo, cà chua…
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế vịt
- Vịt sau khi làm sạch lông và móc bụng, các bạn dùng muối chà xát toàn thân của vịt. Sau đó rửa vịt lại nhiều lần bằng nước sạch đến khi sạch hoàn toàn
- Sau đó các bạn pha hỗn hợp bao gồm: rượu trắng pha cùng gừng (đã cắt lát vừa rồi đập dập). Tiếp đến các bạn dùng hỗn hợp này vừa chà, vừa dùng lực ấn mạnh lên thịt vịt để làm sạch mùi hôi và chất dơ trên thịt vịt. Cuối cùng các bạn rửa lại thêm nhiều lần bằng nước sạch
- Các bạn dùng dao sắc, sau đó cắt đôi thịt vịt làm 2 để ướp thịt vịt. Với cách này, thịt vịt sẽ nhanh ngấm và dễ khìa hơn
Mách bạn:
- Bên cạnh dùng hỗn hợp rượu và gừng tươi các bạn có thể dùng các hỗn hợp như: muối, chanh, giấm ăn để làm sạch toàn thân của thịt vịt. Đây cũng là những cách khử mùi hôi của thịt vịt vô cùng hiệu quả
- Sau khi chia vịt thành 2 phần, các bạn dùng đầu dao nhọn để khứa nhẹ xung quanh để ướp thịt vịt sẽ nhanh ngấm đều hơn
Bước 2: Ướp thịt vịt
- Các bạn chuẩn bị một cái tô to. Sau đó, bạn pha công thức ướp thịt theo tỷ lệ: 2 muỗng cà phê hạt nêm, ⅓ muỗng cà phê muối ăn, 2 muỗng cà phê đường (có thể chọn đường nâu để màu thịt khìa lên đẹp hơn), ⅓ muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê bột gừng, 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng cà phê hành tím băm, 2 muỗng canh dầu màu điều cùng ⅓ muỗng cà phê bột ngũ vị hương
- Sau đó các bạn dùng găng tay và tiến hành chà hỗn hợp gia vị (đã được khuấy đều) đều trên thịt vịt. Ướp thịt vịt khoảng 30 – 60 phút
Mách bạn:
- Đặc trưng của bột ngũ vị hương rất nồng, vì vậy các bạn không nên ướp nhiều bột ngũ hương sẽ ảnh hưởng đến mùi thơm tự nhiên của thịt vịt
- Bạn có thể dùng đường vàng, đường mía, đường đen… để thay thế đường nâu sẽ giúp màu thịt vịt đẹp mắt hơn
- Nếu có thời gian các bạn nên bọc thịt vịt trong màng bọc thực phẩm, sau đó để ngăn mát và ướp qua đêm để thịt thấm gia vị hơn
Bước 3: Làm vịt khìa nước dừa
- Bạn đặt chảo lên bếp, sau đó cho vào chảo 1.5 muỗng cà phê dầu màu điều. Đến khi dầu màu điều nóng các bạn cho hành tím đã băm vào phi đến khi hành tím có mùi thơm thì bắt đầu cho thịt vịt vào ướp. Phần gia vị ướp vịt còn dư các bạn cho vào thịt vịt. Dùng nước dừa tươi tráng hết phần gia vị trong thau ướp
- Tiếp đến các bạn chờ 1 mặt thịt săn lại thì bạn trở sang mặt bên kia của thịt vịt. Đợi đến khi hai mặt thịt vịt săn lại thì cho nước dừa vào (xâm xấp mặt thịt vịt) rồi bật lửa lớn
- Khi nước sôi, bạn bật lửa nhỏ để nước dừa rút từ từ vào thịt vịt. Nước gần cạn, bạn có thể nêm nếm lại 1 lần nữa cho phù hợp với khẩu vị gia đình mình nhé
Mách bạn:
- Nếu các bạn thích ăn cay, bạn có thể nêm thêm ớt khô hay để vài lát ớt tươi vào khìa chung
- Bạn đảo đều tay trong quá trình nấu thịt vịt để không bị khét và gia vị sẽ ngấm đều hơn
- Bạn nên chọn dừa xiêm tươi, trái to và già để món ăn thơm ngon và đậm vị
- Nên chọn một cái chảo thật to để quá trình khìa dễ dàng hơn
Bước 4: Thành phẩm
- Với cách làm vịt khìa nước dừa trên đây, các bạn sẽ có được thành phẩm là miếng vịt khìa dai ngon, mềm thơm, màu vàng đẹp mắt. Hơn nữa, thịt vịt khìa có màu vàng đẹp mắt cùng vị ngọt thanh của nước dừa
- Các bạn có thể chặt thịt vịt thành từng miếng nhỏ, sau đó ăn dùng kèm với cơm và ăn cùng rau sống như: rau xà lách, rau diếp cá, cà chua, dưa leo… sẽ đỡ ngán và ngon miệng hơn
Mách bạn:
- Phần dầu màu điều sẽ giúp bề mặt thịt vịt trở nên vàng hấp dẫn hơn. Nếu không có màu dầu điều các bạn có thể dùng dầu ăn thông thường
- Vì quá trình ướp thịt, có nêm cùng hành tím và tỏi băm nên khi chiên các bạn nên gạt hết những phần băm nhỏ này ra để tránh tình rạng cháy khét khi ăn sẽ có vị đắng và ảnh hưởng đến sức khỏe
- Phần dầu khìa thịt vịt các bạn nên cho vào hũ thủy tinh sạch, để khi hâm nóng lại vịt khìa bạn có thể đem ra dùng
Mẹo bảo quản thịt vịt khìa nước dừa không hư
Đối với cách làm vịt khìa nước dừa trên đây sẽ dùng 1 con vịt. Đây là số lượng khá nhiều nên ăn 1 lần sẽ không hết. Để bảo quản lâu các bạn có thể cho thịt vào hộp sau đó đậy nắp kín. Tiếp đến các bạn cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn các bạn chỉ cần lấy thịt ra rồi khìa sơ lại là có thể dùng.
Thời gian bảo quản thịt vịt khìa sẽ được khoảng 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, để thơm ngon và giữ vị các bạn nên sử dụng trong ngày.
Cách chọn mua vịt ngon
Vịt sống
- Bạn nên chọn những con vịt có bộ lông mượt, đầy đủ lông. Không nên chọn những con vịt có bộ lông xù hay thiếu lông trên cơ thể. Vì vịt này đang trong giai đoạn thay lông hay đang bị bệnh
- Để cách làm vịt khìa nước dừa thơm ngon các bạn nên chọn những con vịt đủ tháng có phần ức tròn đều sẽ chắc thịt hơn. Bạn có thể vạch lớp lông ra xem, nên chọn những con vịt có phần da cổ và bụng dày
- Dùng tay kéo thử 2 cánh vịt lại với nhau, nếu độ dài vừa đủ đan chéo vào nhau là vịt trưởng thành, thịt ngon
Vịt làm sẵn
- Để cách làm vịt khìa nước dừa thơm ngon các bạn nên chọn những con vịt vừa làm
- Chọn vịt có lớp da màu vàng nhạt, đều màu. Không nên chọn vịt có màu sẫm, loang lỗ hay có vết bầm tím ứ máu
- Bạn có thể dùng tay ấn vào thịt vịt. Phần thịt vịt tươi sẽ có độ đàn hồi nhẹ, không nên chọn những con vịt khi ấn vào đã biến dạng. Vì rất có thể vịt đã bị bơm nước
Hy vọng với cách làm vịt khìa nước dừa trên đây của Mẹ và Con, các bạn sẽ có thêm một công thức món ngon cho những ngày mưa này nhé! Chúc các bạn thành công.