Mũi luôn trong tình trạng bị tắc nghẽn khi mang thai
Nhiều bà mẹ khi mang thai luôn cảm thấy mũi bị tắc nghẽn và có dịch chảy ra. Điều này xảy ra hầu như với 30% phụ nữ đang mang thai mà không bắt nguồn từ dị ứng hay nhiễm vi-rút giống cảm lạnh thông thường. Tình trạng này còn được gọi với cái tên: viêm mũi thai kỳ.
Khi mang thai, một số người sẽ cảm thấy mũi luôn trong tình trạng bị tắc nghẽn. (Ảnh minh họa)
Viêm mũi thai kỳ có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng thứ hai khi bạn mang thai và có xu hướng diễn biến xấu đi trong thai kỳ. Đặc biệt, tình trạng tắc nghẽn mũi thường dễ dàng lên tới đỉnh điểm ngay sau khi bạn vừa sinh con và sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng hai tuần sau sinh.
Sỡ dĩ khi mang thai bạn gặp phải tình trạng này là do hàm lượng estrogen tăng cao trong thai kỳ. Điều này dẫn đến màng nhầy trong mũi bị sưng lên và làm nước nhầy ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, lượng máu trong cơ thể bạn gia tăng trong khi mang thai còn khiến các mạch máu nhỏ trong niêm mạc mũi bị sưng và gây tắc nghẽn các mô xung quanh. Ngoài ra, một vài kích thích tố khác trong thời gian mang thai cũng góp phần gây ra tình trạng viêm mũi thai kỳ.
Phân biệt giữa tắc nghẽn mũi khi mang thai với các dấu hiệu bệnh khác
Nếu bạn không có các triệu chứng khác ngoài tắc nghẽn mũi và chảy nước dịch thì bạn chỉ bị viêm mũi của thai kỳ.
Nếu nghẹt mũi của bạn còn kèm theo sốt, ho, hắt hơi, đau họng, đau nhức nhẹ hoặc đau đớn, sưng hạch thì rất có thể bạn đã bị cảm lạnh hay mắc một vấn đề nhiễm trùng khác.
Viêm mũi thai kỳ chỉ có triệu chứng tắc nghẽn mũi và chảy nước dịch. (Ảnh minh họa)
Thông thường, nhiễm trùng xoang sẽ phổ biến hơn trong thai kỳ. Nếu bạn có những triệu chứng của viêm xoang như sốt, nhức đầu, chất nhờn mũi có màu xanh lá cây hoặc màu vàng, cảm giác khuôn mặt sưng phù, đau nhức, mũi suy giảm khả năng ngửi thì hãy đến thăm khám bác sĩ ngay.
Trường hợp bạn nghẹt mũi, chất nhầy chảy nước kèm theo hắt hơi, ngứa mắt, mũi, họng, tai, điều này có thể cho thấy bạn đang bị dị ứng. Dị ứng khi mang thai là điều không thể đoán trước được. Khi bạn mang thai, bạn có thể cảm thấy dị ứng với bất kỳ đồ vật nào bạn tiếp xúc, thậm chí dị ứng cả với những đồ vật mà trước đây bạn chưa từng bị. Chúng có thể cải thiện hoặc tồi tệ hơn theo thời gian.
Cách điều trị chứng viêm mũi thai kỳ tại nhà
Uống nhiều nước và kê gối cao khi đi ngủ vào ban đêm là hai điều đơn giản đầu tiên bạn cần thực hiện. Ngoài ra, một số biện pháp sau cũng rất hữu ích cho bạn để điều trị chứng bệnh này:
Xông hơi: hơi nước có thể làm giảm tạm thời tắc nghẽn mũi một cách nhẹ nhàng. Bạn có thể xông hơi với nước ấm như thông thường hoặc dùng một chiếc khăn sạch nhúng nước nóng, sau đó vắt khô nước và giữ nó lên khuôn mặt rồi hít hơi nóng tỏa ra từ khăn đến khi nguội. Tiếp tục nhúng vào nước nóng và lặp lại các thao tác thêm vài lần.
Nhỏ hoặc xịt nước muối có thể giúp mẹ bầu giảm bớt tình trạng nghẹt mũi. (Ảnh minh họa)
Nước muối: nhỏ hoặc xịt mũi bằng nước muối có bán sẵn tại các nhà thuốc. Mỗi ngày, bạn có thể nhỏ hoặc xịt một chút nước muối vào từng lỗ mũi, sau 5-10 phút bạn sẽ xì mũi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn nên tránh lạm dụng nước muối trên 2-3 lần/ngày, vì có thể làm tình trạng viêm mũi nặng thêm.
Máy tạo độ ẩm không khí: Sử dụng máy tạo độ ẩm cho không khí phòng ngủ của bạn vào ban đêm. Khi sử dụng phương pháp này bạn cũng cần lưu ý là sử dụng nước sạch và thay nước hàng ngày để tránh trở thành nơi trú ngụ, sinh sản của vi khuẩn gây hại.
Tập thể dục: Tập thể dục nhẹ nhàng trong thai kỳ cũng giúp bạn đẩy lùi phần nào tình trạng nghẹt mũi. Tuy nhiên, bạn nên tránh tập thể dục ở những nơi có không khí bị ô nhiễm, để tránh kích ứng đường mũi và khiến tình trạng mũi bị tắc nghẽn thêm trầm trọng.
Tránh các chất kích thích như khói thuốc lá, rượu, sơn và hơi hóa chất, cũng như bất cứ điều gì có thể gây nên các triệu chứng tắc nghẽn mũi của bạn.
Nếu tắc nghẽn tiếp tục làm bạn khó chịu dù đã thực hiện các cách trên thì hãy đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp hơn.