Tuần đầu sau khi chào đời đánh dấu một sự thay đổi rất lớn trong cuộc đời của bé sơ sinh. Thay vì được chu cấp hoàn toàn từ mẹ, cơ thể bé bắt đầu vận động trong trạng thái dần dần tự lập. Sự hít thở, tiêu hoá, bài tiết và giao tiếp đều đổi khác so với thời kỳ nằm trong bụng mẹ.
Trong tuần tuổi đầu tiên, bé sơ sinh vẫn giữ những động tác khi còn trong bụng mẹ. Bé cuộn tròn mình và ngủ giấc dài, thỉnh thoảng có những động tác đột ngột ngắn rồi tự điều chỉnh.
Vì vậy, tuần đầu tiên, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến cách chăm sóc bé, từ việc cho bé ăn, cân bằng giấc ngủ, tạo môi trường sống đến những điều tưởng như chưa cần làm như nói chuyện với bé thường xuyên…
Tạo môi trường an toàn nhất cho con
Khi còn trong tử cung của mẹ, thân nhiệt của trẻ luôn được ổn định. Nhưng khi chào đời, cơ thể trẻ đã bị mất nhiệt bởi nhiệt độ của môi trường thấp hơn so với tử cung của mẹ. Do vậy, bé của bạn cần được giữ ấm.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi rất quan trọng. (Ảnh minh họa)
Bạn nên lau khô ngay cho bé bằng vải khô sạch từ đầu đến chân và giữ ấm cho trẻ. Bạn cần quấn trẻ trong tã lót, đi tất tay, tất chân và đội mũ cho trẻ. Lúc này, trẻ luôn cần được ủ ấm trong vòng tay người mẹ.
Mẹ và bé nên tắm nắng vào sáng sớm khoảng 15-20 phút mỗi ngày. Tắm nắng không những giúp trẻ có vitamin D để hấp thu tốt canxi trong sữa mà còn giúp nhanh chóng giảm vàng da.
Các dụng cụ dùng cho trẻ như: thìa, cốc, bình sữa… phải rửa thật sạch, luộc nước sôi trước khi dùng để đảm bảo vệ sinh. Tã lót, quần áo, mũ, bao tay chân… của trẻ cần phải được giặt sạch phơi dưới nắng.
Cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ
Trang Huggies cho biết, trẻ những tháng đầu nên cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Bởi sữa mẹ không chỉ cung cấp các dưỡng chất cần thiết mà còn an toàn cho trẻ.
Tuy nhiên, mặc dù cho con bú là hoàn toàn tự nhiên, nhưng nó vẫn đòi hỏi một số kỹ năng, thực hành và sự kiên nhẫn. Cho bé bú sữa mẹ thường xuyên là điều quan trọng để kích thích bầu vú mẹ cung cấp thêm nhiều sữa.
Chú ý đến giấc ngủ của trẻ
Sự tăng trưởng ở bé sơ sinh phần nhiều đạt được thông qua giấc ngủ và bú sữa. Bé ngủ nhiều giấc ngắn cả đêm lẫn ngày là hoàn toàn bình thường; bởi vì, giấc ngủ ở bé sẽ bước vào chu kỳ ổn định hơn bắt đầu từ tháng thứ tư.
Bé một tuần tuổi thường ngủ ngay trong khi đang bú và rất khó đánh thức dậy. Việc bú sữa cũng làm bé mất năng lượng và làm cho bé mệt. Khi con bạn đang ngủ, có nghĩa bé đang tiết kiệm năng lượng và sinh ra các hormone phát triển…
Khi bé mới được 1 tuần tuổi, việc bú sữa cũng làm bé mất năng lượng và làm cho bé mệt. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia cho biết, tư thế ngủ an toàn nhất là nằm ngửa. Tuy nhiên khi bé thức – càng về sau thời gian thức của bé càng nhiều hơn – bạn cần cho bé nằm sấp. Bé cần được nằm sấp mỗi ngày để cổ cứng cáp hơn.
Chăm sóc tốt cuống rốn
Cuống rốn của bé có thể rụng trong tuần, hãy giữ cuống rốn khô, sạch và để nó tự rụng. Nếu có thấy chút máu hoặc chất nhờn dính trên tã hoặc áo từ dây rốn, bạn cần nên cẩn thận hơn khi vệ sinh và giữ thật khô với cây bông gòn. Tốt nhất nên vệ sinh chăm sóc vùng rốn ngay sau khi tắm.
Chăm sóc da cho trẻ
Trẻ sơ sinh thường có hiện tượng vàng da sinh lý. Vàng da (kèm với tiểu vàng) bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh, đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4, sau đó giảm dần.
Lớp chất “gây” bao phủ bên ngoài da trẻ trong ngày đầu mới sinh có vai trò giữ nhiệt và bảo vệ cho da trẻ. Do vậy, không nên tắm làm sạch chất “gây” trên da bé ngay sau sinh. Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất “gây” này lại là môi trường rất thuận lợi cho khả năng nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy mà sau khi ra đời từ 24-48 giờ, hàng ngày trẻ phải được tắm sạch.
Chọn trang phục và loại khăn không gây kích ứng da cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Giao tiếp với bé
Tuần đầu tiên khi bé ra đời, việc nói chuyện với né nhiều khi bị bỏ qua bởi cha mẹ cho rằng điều đó chưa cần thiết, bé vẫn chưa thể nhận biết được thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định quan niệm đó hoàn toàn sai. Bé thường sẽ nhận ra giọng nói của bạn bởi giọng nói này đã quá quen thuộc với bé trong suốt quãng thời gian vừa rồi.
Bạn có thể giao tiếp với bé của bạn bằng giọng nói, thị giác và khứu giác, nụ cười của bạn. Tất cả những thái độ, hành động của bạn sẽ được bé tiếp thu và ghi nhận, và bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy được ngôn ngữ cơ thể của bé.