Mẹ&Con – Chăm sóc trẻ sinh non không hề là một công việc dễ dàng, ngay cả đối với những nhân viên y tế được đào tạo bài bản. Việc chăm sóc trẻ sinh non đúng cách trong vòng 2 năm đầu đời thực sự rất quan trọng và cần thiết, vì chúng quyết định phần lớn tới sức khỏe thể chất cũng như trí tuệ sau này.

39 tuần được coi là mốc thời gian đủ ngày đủ tháng để trẻ sơ sinh chào đời. Nếu sinh ra trước thời hạn này, khoảng từ tuần 28 – 37 tức đứa trẻ đã bị sinh non (hay còn gọi là sinh thiếu tháng). Trẻ sinh non thiệt thòi hơn rất nhiều so với trẻ sinh thường. Ngay từ khi mới chào đời, chúng phải đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm, thậm chí khả năng tử vong cao. Chính vì vậy, chăm sóc trẻ sinh non là vấn đề hết sức quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng cũng như sức khỏe của trẻ.

Thông thường, trẻ sinh non được chia làm 3 nhóm:

1. Sinh cực non: Trẻ sinh trước tuần thai thứ 26
2. Sinh non: Trẻ sinh trong khoảng tuần thai thứ 32-35
3. Non muộn: Trẻ sinh trong khoảng tuần thai thứ 35-37

Cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà 6
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, cứ khoảng 10 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị sinh non. (Ảnh minh họa)

Đối với riêng trẻ sinh non, có 3 chức năng chính cần đặc biệt quan tâm. Đó là chức năng điều hòa thân nhiệt, chức năng hô hấp và chức năng hệ thần kinh.

• Chức năng điều hòa thân nhiệt:
Ngay cả vào mùa hè, thời tiết nóng nực trẻ sinh non vẫn rất dễ bị hạ thân nhiệt. Lý do bởi lớp mỡ dưới da của đối tượng trẻ này quá mỏng, vừa kém sinh nhiệt lại vừa dễ mất nhiệt. Chức năng điều hòa thân nhiệt hoạt động yếu kém khiến trẻ dễ bị lạnh và phù cứng.

• Chức năng hô hấp:
Khi sinh không đủ ngày đủ tháng, hệ hô hấp của trẻ sinh non cũng chưa kịp phát triển toàn diện khiến lồng ngực dễ bị biến dạng, phổi kém giãn nở, cơ hoành yếu và các phế nang chưa hoàn thiện. Việc cấu tạo trung tâm hô hấp chưa hoàn thiện sẽ cản trở quá trình trao đổi khí, suy hô hấp.

• Chức năng hệ thần kinh:
Progesteron và oksytocyna là 2 loại hóc môn tác động và bảo vệ các tế bào thần kinh. Tuy nhiên, nồng độ kích thích tố này chỉ đạt hiệu quả cao nhất ở giai đoạn sắp sinh – tức với trẻ sinh thiếu tháng, chúng sẽ bị thiếu hụt trầm trọng hóc môn progesteron và oksytocyna. Thiếu progesteron và oksytocyna khiến não bộ dễ bị tổn thương và mắc bệnh tự kỷ.

I. Chăm sóc trẻ sinh non

Chăm sóc trẻ sinh non yêu cầu tính cẩn thận và kỹ lưỡng cao vì chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến tình trạng sức khỏe của trẻ trở nên xấu đi. Vì vậy, phụ huynh cần ghi nhớ những nguyên tắc “bất di bất dịch’ sau:

1. Vô trùng

Trẻ sinh non rất dễ bị nhiễm trùng. Ở bệnh viện, khi chăm sóc trẻ sinh non các nhân viên y tế đều phải mặc quần áo tiệt trùng, đeo găng tay, bịt khẩu trang đúng quy định. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, phụ huynh nên trang bị bình xịt sát khuẩn và rửa tay thường xuyên bằng nước diệt khuẩn, nhất là mỗi lần ẵm bé.

– Các dụng cụ như bình sữa, núm vú (nếu bé bú sữa công thức) phải luôn được trần qua nước sôi.
– Quần áo, chăn mền phải được thay giặt thường xuyên, phơi khô. Không để lẫn với quần áo dơ, hôi thối, ẩm ướt.
– Đồ chơi của trẻ cũng cần làm sạch, bởi trẻ nhỏ có thói quen đưa bất cứ món đồ nào “trong tầm ngắm” vào miệng.
– Không cho người lạ hay thậm chí người trong gia đình đang mắc các bệnh như cảm cúm tới gần, ôm hôn, cưng nựng trẻ. Như Mẹ&Con đã đề cập trong số báo trước, chỉ một nụ hôn của người lạ cũng có thể khiến trẻ tử vong do nhiễm vi rút herpes.

2. Giữ ấm

Như đã nói ở trên, chức năng điều hòa thân nhiệt của trẻ sinh non rất yếu nên chúng rất dễ bị nhiễm lạnh, ngay cả khi nhiệt độ thời tiết bình thường. Do đó, trong việc chăm sóc trẻ sinh non thì giữ ấm là việc phụ huynh tuyệt đối không thể lơ là.

– Luôn mang bao tay bao chân, đội mũ cho trẻ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để biết nên mặc bao nhiêu áo, vừa giữ ấm cho con nhưng cũng không làm chúng bí bách, khó chịu. Hạ nhiệt quá mức có thể dễ dẫn đến tình trạng xuất huyết não, xuất huyết phổi rất nguy hiểm.
– Vào mùa hè, nếu sử dụng điều hòa nhiệt độ phòng trung bình mà các bác sĩ khuyên gia đình có trẻ sinh non nên duy trì ở mức 27- 28 độ. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần điều chỉnh hướng gió quạt điều hòa ra xa, không được để gió tốc thằng vào mặt con.
– Mùa đông, nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ sinh non dao động ở mức 23-25 độ. Nếu không có điều hòa nóng, sử dụng máy sưởi dầu cũng là một gợi ý hay dành cho các bậc phụ huynh. Máy sưởi dầu “ghi điểm” ở chỗ không làm khô như điều hòa và đốt không khí như đèn halogen.
– Độ ẩm không khí quá cao (trên 80%) hoặc quá thấp (dưới 45%) đều gây hại cho sức khỏe của trẻ sinh non. Luôn duy trì độ ẩm không khí ở mức 50 – 65% cha mẹ nhé.

3. Vệ sinh

Thật sai lầm khi cho rằng trẻ sinh non nên hạn chế tắm rửa. Ngược lại, chúng rất cần được tắm rửa hàng ngày bởi lớp biểu bì ngoài da của trẻ nhanh bị chết, làm bẩn da bé. Nếu không được vệ sinh thường xuyên chúng sẽ tích tụ gây nhiễm khuẩn.

– Nước tắm cho trẻ phải là nước ấm. Quá trình tắm diễn ra không nên quá 5 phút. Phòng tắm sạch sẽ, kín gió. Sau khi tắm xong lau khô người, có thể thoa một lớp dầu chuyên dụng để giữ nhiệt cho trẻ.
– Tắm nắng cũng được khuyến khích cho trẻ sinh non. Thời gian tắm nắng cho đối tượng này là 1 – 2 lần/ tuần. Da trẻ sinh non rất yếu, nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hơn 2 lần/ thuần sẽ dễ bị khô hơn.
– Theo Quỹ ung thư da quốc tế, có đến 85% tia UVA vẫn hoạt động cả trong những ngày trời mát mẻ, có bóng râm. Việc sử dụng kính mắt và kem chống nắng chuyên dụng cho trẻ rất đáng lưu tâm.

4. Dinh dưỡng

Câu thần chú “Sữa mẹ là sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” luôn đúng. Đối với trẻ sinh non, đối tượng này lại càng được khuyến khích bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.

Chăm sóc trẻ sinh non, mỗi ngày trẻ bú từ 8 – 12 lần tùy theo khả năng, mỗi cữ bú cách nhau 60 – 90 phút. Không được để trẻ đói quá 4 tiếng đồng hồ (trừ ban đêm) vì như vậy sẽ khiến cơ thể chúng mất nước.
– Nếu trẻ phải bú bình, loại bình sữa cổ nghiêng 30 độ sẽ là sự lựa chọn thích hợp nhất. Lý do bởi loại bình này giúp sữa luôn đầy trong núm vú, trẻ sinh non sẽ bú dễ dàng hơn dù lực hút của chúng không được mạnh như trẻ sinh đủ ngày.
– Vì mải ngủ, trẻ có thể quên ăn sữa. Mẹ nhớ đánh thức trẻ dậy cho con ăn, sau đó dỗ con ngủ tiếp chứ không nên cho trẻ bú ngay cả khi chúng còn đang lim dim ngủ.
– Sau khi bú, nôn trớ là chuyện bình thường xảy ra với trẻ nhỏ. Để hạn chế tình trạng này xảy ra, sau khi cho con bú mẹ không nên đặt trẻ xuống giường luôn. Ẵm trẻ đúng tư thế khoảng 30 phút mới được đặt trẻ nằm xuống.
– Khi trẻ nôn, lật chúng nằm nghiêng để sữa dễ trào ra. Không được ngăn trẻ nôn, tránh trường hợp chúng bị sặc sữa. Nước muối sinh lý là dung dịch phù hợp nhất, giúp mẹ vệ sinh miệng, mũi sau khi con nôn trớ. Nước muối rất thân thiện với hệ hô hấp, tránh viêm nhiễm.

Cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà 7
Cứ mỗi 30 giây, trung bình toàn cầu có 1 trẻ sinh non tử vong. (Ảnh minh họa)

II. Phương pháp da tiếp da

Phương pháp Kangaroo (KMC – Kangaroo Mother Care, con được mẹ ấp, được da tiếp da với mẹ) hay còn gọi là tiếp kề da là phương pháp tốt nhất trong việc chăm sóc trẻ sinh non. Với phương pháp này, cơ thể trẻ có thể sớm ổn định nhịp tim và lưu lượng oxy, đẩy nhanh quá trình phát triển não bộ. Thực hành da tiếp da với trẻ nhiều lần trong ngày thậm chí còn giúp trẻ biết bú mẹ sớm hơn.

Phương pháp da kề da rất dễ tiến hành, được áp dụng trên toàn thế giới và rất nhiều trẻ sinh non đã được cứu sống bằng phương pháp này. Cha mẹ có thể thực hiện càng nhiều càng tốt, không loại trừ ngay cả khi trẻ đang dùng máy trợ thở hay đang điều trị vàng da, truyền tĩnh mạch, lọc máu…

Cách thực hiện: Người ẵm trẻ (cha, mẹ, ông, bà, anh chị em hay người thân…) ở trần, ôm sát trẻ vào ngực để da trẻ tiếp xúc hoàn toàn với da mình, chỉ cần quàng một chiếc chăn mỏng để trùm qua trẻ và người ẵm trẻ. Thân nhiệt của người ẵm sẽ bảo vệ thân nhiệt của trẻ ở nhiệt độ lý tưởng nhất. Trẻ dễ chịu hơn, ngủ ngon hơn và tránh được một số bệnh tật.

III: Mát xa cho trẻ sinh non

Mát xa không chỉ quan trọng với trẻ thông thường. Với trẻ sinh non thì đây thực sự là việc làm cần thiết giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng trao đổi chất và ăn ngon ngủ tốt, cứng cáp hơn. Đặc biệt, mát xa còn là lời giải giúp trẻ phát triển toàn diện cả 5 giác quan và gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng. Dưới đây là một số gợi ý cách mát xa trong việc chăm sóc trẻ sinh non.

Gợi ý cách mát xa cho trẻ sinh non:

Phần trước cơ thể: Cho trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Nếu nằm ngửa, hãy kê khăn hoặc gối mềm nâng đỡ hai vai, hông, đầu gối và bàn chân. Lấy một vài giọt dầu thảo mộc, xoa đều vào lòng bàn tay.

– Mặt: Đặt ngón tay cái lên giữa trán, vuốt nhẹ sang hai bên thái dương sau đó chuyển xuống xoa nhẹ hai bên má rồi từ má xuống dưới cằm. Không quên vuốt nhẹ qua lông mày, từ lông mày xuống dưới mắt.
– Ngực: Xoa vòng tròn nhẹ nhàng quanh phần ngực trẻ, dần dần vuốt xuôi theo hai bên cánh tay.
Bụng: Mát xa theo chiều kim đồng hồ khắp vùng bụng và rốn. Thỉnh thoảng có thể xoa ngược lên phần ngực.
– Tay, chân: Mát xa xen lẫn bóp nhẹ từ vai xuống bàn tay. Nắn nhẹ từng bàn tay rồi tới từng ngón tay. Với phần chân, mẹ cũng thực hiện tương tự.

Phần sau cơ thể: Cho trẻ nằm sấp trên nệm hoặc khăn mềm.

– Xoa đều khắp lưng, từ đốt xương cổ xuống và từ bả vai sang hai bên cánh tay rồi xuống mông, đùi, bắp chân. Có thể gập nhẹ đầu gối trẻ để mát xa được toàn bộ phần chân dễ dàng hơn.
– Nhấn nhá vùng quanh xương mắt cá chân, gót chân, bàn chân và từng ngón chân của trẻ. Với vùng bàn tay, mẹ cũng thực hiện tương tự.
Lưu ý: Nếu trẻ có những biểu hiện “phản đối” như khó chịu, khóc lóc, không chịu hợp tác mẹ cũng không nên gượng ép. Hãy mát xa khi trẻ thực sự cảm thấy thoải mái.

Bài viết liên quan