Mẹ&Con – Mang thai, ngoài những món thường xuyên ăn, không ít bầu cứ “nhấp nhổm” khi nghe những lời khuyên: nhớ ăn trứng ngỗng để sau này con thông minh (hoặc để “làm phép” cho thai khỏe), nhớ ăn cá chép, nhớ ăn “chí mè phủ”, nhớ uống nước dừa (để da bé trắng). Thực hư những lời khuyên ấy thế nào?

Hiểu đúng về thực phẩm

Cách ăn uống thông minh dành cho bầu
(Ảnh minh họa)

Ăn vừa phải theo đúng nhu cầu của bản thân là nguyên tắc cơ bản cho chuyện ăn uống của bầu. Bạn có thể ăn một quả trứng ngỗng (chia thành nhiều bữa) không sao. Nhưng đừng vì nghe những lời khuyên ăn vào con sẽ thông minh để ép mình ăn cả 5 – 7 quả, thậm chí còn ăn liên tiếp. Ăn uống đầy đủ các nhóm chất, thực đơn phong phú, thay đổi thường xuyên đã là rất tốt cho cơ thể của bạn rồi. Với những món được khuyên là “nên ăn”, có thể cho chúng thêm vào thực đơn với mức độ thỉnh thoảng cũng được. Chỉ cần bạn đừng tự ép mình, nhớ ngưng lại khi đã cảm thấy ngán và đừng ráng ăn quá nhiều bất kỳ một món nào.

Thật ra, ví dụ như chuyện trứng ngỗng, hỏi 10 thai phụ thì đến 8 – 9 thai phụ nghe theo lời khuyên của người đi trước, cho rằng ăn trứng ngỗng tốt và nhất định cố ăn trong giai đoạn 9 tháng thai kỳ. Nhưng xin bật mí với các mẹ bầu rằng, chưa hề có công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định rằng người mẹ khi mang thai ăn trứng ngỗng thì con sẽ thông minh. Xét về thành phần dinh dưỡng, trứng ngỗng chứa một lượng protein, lipid cao hơn so với trứng gà, trứng vịt. Trứng ngỗng có 13,5% protein, 13,2% lipid; trứng gà chứa 12,5% protein, 11,6% lipid; còn trứng vịt chứa 11,8% protein, 3,5% lipid.

Tuy nhiên, trứng ngỗng chứa ít vitamin hơn trứng gà, trứng vịt, nhất là vitamin A (trong trứng gà) rất cần cho phụ nữ có thai. Vì vậy, thai phụ vẫn có thể ăn trứng ngỗng, khoảng 3 tháng một quả. Nhưng không nên “kỳ vọng” quá nhiều vào chuyện con thông minh để ép mình ráng ăn nhiều hơn. Trứng ngỗng to nên có thể chia làm 2 – 3 lần ăn cho đỡ ngán. Còn nếu bầu hỏi bác sĩ rằng có cần thiết ăn trứng ngỗng không thì xin khẳng định, bạn chỉ cần ăn trứng gà theo mức độ 2 quả/tuần là đã đủ tốt rồi, không cần thêm trứng ngỗng làm gì nữa.

Một món khác được rất nhiều bầu mang ra hỏi bác sĩ là cá chép. Có lẽ vì câu truyền tụng trong dân gian “cá chép hóa rồng” nên không ít người tin rằng khi mang thai ăn cá chép thì sau này con cái sẽ dễ đỗ đạt, học hành giỏi giang. Đã có trường hợp, bầu ngán chịu không nổi vì ăn cá chép liên miên nhưng vẫn cố nuốt vào với hy vọng con mình sẽ “thi đâu đậu đó” như “chép vượt vũ môn”.

Sự thật thì cá chép là một bài thuốc đông y. Khi mang thai được 5 – 6 tháng, phụ nữ thường bị sưng mặt, chân tay phù thũng, tiểu tiện ít. Có thể khắc phục bằng cách nấu một con cá chép nặng 500g cùng với 120g đậu đỏ, cho thêm ít gừng, hành (chú ý nấu nhạt, ít muối). Hiệu quả mang đến từ bài thuốc này khá rõ rệt. Các lương y từ xưa đã từng truyền tụng cá chép là loài “ích mẫu hà tiêu” (thuốc tiên chữa bệnh phụ khoa) vì nó có tác dụng rất tốt đối với loại bệnh này. Tuy nhiên, như đã nói, ăn đến phát ngán thì sẽ phản tác dụng. Vì một khi cơ thể đã ở trong trạng thái “không chịu dung nạp” thì bạn có ăn bất cứ thứ gì dù tốt, bổ đến đâu cũng bằng thừa.

Bạn cũng lưu ý rằng thai phụ hay rủ nhau ăn hải sản. Điều này tốt, vì hải sản giúp cung cấp lượng canxi đầy đủ cho cơ thể. Nhưng hải sản nên chọn món được nấu chín kỹ, nguyên liệu sạch. Tuyệt đối không ăn những món nghêu, sò, ốc, hến hấp hoặc nướng tái sơ sơ, kể cả sushi, các món cá sống làm theo kiểu tái vì chúng còn chứa vi khuẩn. Các loại vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra dị tật, sinh non và thai chết lưu.

Và đừng “xơi” những món này

Bên cạnh những món được khuyến khích ăn như đã kể trên, cũng phải nhắc chừng thêm bầu một số món được xếp vào hàng “kiêng kị”. Cụ thể:

1. “Món” nhiều mỡ

Nhiều nghiên cứu y học cho thấy, nếu phụ nữ mang thai ăn nhiều mỡ trong thời gian dài, con cái sau này sẽ có nhiều nguy cơ ung thư bộ phận sinh dục. Bản thân mỡ không gây ra ung thư, nhưng nếu ăn nhiều thức ăn có lượng mỡ cao sẽ tăng khả năng tổng hợp kích thích tuyến vú, ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

2. “Món” nhiều đường

Nếu đường trong máu quá cao, thận của phụ nữ mang thai sẽ làm việc quá tải, không có lợi cho sức khỏe. Lượng đường hấp thụ quá nhiều cũng sẽ làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm khả năng kháng bệnh nên dễ nhiễm vi rút.

3. “Món” quá mặn

Tỷ lệ tăng huyết áp có liên quan đến lượng muối ăn hàng ngày. Lượng muối ăn càng nhiều, tỷ lệ tăng huyết áp càng cao. Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai là một trong các yếu tố nguy cơ gây nhiễm độc thai nghén (bao gồm phù, tăng huyết áp, v.v.).

4. “Món” nhiều chất chua

Quan niệm phụ nữ có thai thèm chua nên tha hồ “nạp” vào một tỷ lệ me, xoài, cóc, ổi quá nhiều là quan niệm sai lầm. Thời kỳ đầu thai nghén, nếu cơ thể người mẹ hấp thụ chất chua (axit) quá nhiều sẽ dễ bị tích lũy trong tổ chức bào thai, ảnh hưởng đến việc phát triển và sinh sản bình thường của tế bào thai nhi. Nếu thèm chua, cũng chỉ nên “nạp” chất chua ở mức độ vừa phải.

5. Hạn chế ăn chay dài ngày

Đây là một điều tế nhị. Nhiều người mẹ có con “cầu tự”, muốn tích đức cho con nên phát nguyện ăn chay dài ngày. Tuy nhiên, nếu ăn chay quá nhiều trong thời gian mang thai, sẽ dễ dẫn đến nguy cơ cung cấp không đủ protein cho thai nhi, số tế bào não của thai giảm, ảnh hưởng đến trí lực của trẻ sau này. Nếu lượng mỡ hấp thụ không đủ, thai không đủ trọng lượng, sức đề kháng kém. Vì vậy, người mẹ chỉ nên ăn chay trong một ít ngày. Hoặc nếu muốn ăn chay nhiều ngày, cần có sự tư vấn cụ thể của chuyên gia dinh dưỡng.

6. Hạn chế ăn món lạ

Tất cả những món mà trước đó bạn chưa bao giờ nếm qua đều cần tránh trong giai đoạn bầu bì. Nguyên nhân là bạn không thể biết chắc chúng có khả năng gây dị ứng với cơ địa của bạn không. Tốt nhất nên ưu tiên cho những món quen, món lạ thì chịu khó đợi đến khi bạn vượt cạn xong hãy thưởng thức cũng chưa muộn nhé! Cũng lưu ý tuyệt đối không uống các thuốc lạ, không ăn những món được cho rằng để làm “bùa phép” hoặc để “xác lập giới tính” của bé. Những món ăn/uống vô căn cứ khoa học này rất có thể gây hại cho sức khỏe của bạn cũng như bào thai trong bụng.

Một số món như nha đam, rau sam, đu đủ xanh, thịt ba ba, v.v. cần hết sức cẩn trọng khi dùng trong giai đoạn mang thai. Chúng chứa một số chất có khả năng gây kích thích co bóp tử cung, dễ dẫn đến chuyện không hay xảy ra cho bé yêu của bạn. 

> Mới có thai nên kiêng gì để con yêu phát triển tốt?

> 3 tác hại của việc bà bầu uống trà sữa

Tags:

Bài viết liên quan