Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ bị nhiễm khuẩn và viêm da. Nguyên nhân là vì hệ miễn dịch còn yếu và da còn mỏng. Một trong những biểu hiện của viêm da là nổi mụn. Các loại mụn ở trẻ sơ sinh khá đa dạng từ bẩm sinh, di truyền cho đến do môi trường sống.
Bài viết này của Mẹ và Con sẽ giới thiệu đến bạn về các loại mụn ở trẻ sơ sinh, cũng như cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả cho bé.
Các loại mụn ở trẻ sơ sinh
Mụn ở trẻ nhỏ là một hiện tượng khá phổ biến nên mẹ không cần quá lo lắng. Các loại mụn ở trẻ em thường gồm hai loại:
Mụn không nguy hiểm
Các loại mụn ở trẻ sơ sinh này thường do nguyên nhân sinh lý. Mụn tự khỏi sau một thời gian nếu được chăm sóc đúng cách:
- Mụn sữa: Là các nốt mụn nhỏ màu trắng hoặc vàng, không có nhân, không gây đau hoặc ngứa. Mụn sữa ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ngay sau khi bé sinh ra hoặc sau vài tuần sau sinh. Chúng thường xuất hiện ở quanh mắt, trán, ngực, má, mũi của trẻ và sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
- Mụn hạt kê: Là các nốt mụn cứng dưới da do keratin chết đi nhưng không được làm sạch và mắc kẹt lại. Trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt thì thường là loại mụn này. Chúng thường xuất hiện ở mí mắt và má của trẻ và cũng sẽ tự tiêu sau vài tháng.
- Rôm sảy: Trẻ bị rôm sảy là tình trạng trên cơ thể trẻ xuất hiện các nốt sần màu đỏ, đôi khi có chút nước bên trong, gây ngứa rát và khó chịu cho trẻ. Chúng có thể do nóng bức, bụi bẩn, mồ hôi ứ đọng hoặc vi khuẩn nhiễm trùng.
- Mề đay: Các vết phát ban dạng mụn nhỏ hơi giống muỗi đốt, khiến trẻ ngứa ngáy. Trẻ dị ứng với thực phẩm, thuốc, hoặc các tác nhân khác sẽ xuất hiện vết mề đay.
- Mụn trứng cá: Đây cũng là một trong các loại mụn ở trẻ em khá phổ biến. Mụn xuất hiện do lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi tế bào da chết, bã nhờn, bụi bẩn. Mụn trứng cá thường xuất hiện ở quanh mũi, mặt, nửa trên thân mình của trẻ. Bệnh thường thoái triển tự nhiên trong năm đầu đời.
- Mụn nguy hiểm cần xử lý
- Mụn nước: Các nốt mụn nhỏ có chứa nước trong đó. Loại mụn này thường xuất hiện ở mặt, cổ, ngực, bụng hoặc lưng của trẻ. Nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn, virus hoặc nấm gây ra và có thể lây lan sang các vùng da khác hoặc sang người khác. Cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng như viêm da, viêm gan B, viêm màng não.
- Mụn mủ: Trẻ sơ sinh bị nổi mụn mủ là những nốt mụn nhỏ có chứa mủ trong đó, thường xuất hiện ở đầu, mặt hoặc cổ của bé. Mụn có thể gây sốt, đau đớn và sưng tấy cho trẻ. Chúng cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng như viêm da, viêm tuyến bã. .
- Vảy nến thể mủ: Một trong các loại mụn ở trẻ sơ sinh khác là các vảy da khô có màu vàng hoặc trắng bao phủ da đầu của trẻ. Chúng có thể do nấm Malassezia gây ra và có thể gây ngứa và rụng tóc.
Cách chăm sóc các loại mụn ở trẻ sơ sinh
Các loại mụn ở trẻ sơ sinh tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nhưng cần được chăm sóc đúng cách để tránh viêm nhiễm hoặc để lại sẹo. Cha mẹ không nên nặn hay làm vỡ mụn. Nếu mụn kéo dài hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Khi trẻ sơ sinh bị mụn, bạn nên làm những việc sau:
- Giữ da trẻ luôn sạch sẽ bằng cách tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm và sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Lau khô da trẻ sau khi tắm và thay quần áo sạch cho trẻ.
- Giữ da trẻ luôn khô thoáng bằng cách dùng khăn vải mềm để lau mồ hôi cho trẻ thường xuyên. Lựa chọn những loại quần áo với chất liệu mềm mịn, thoáng mát và thấm hút mồ hôi.
- Tránh các sản phẩm nhiều hóa chất, chứa cồn hoặc chất tẩy rửa mạnh. Chỉ nên dùng sản phẩm khuyên dùng cho trẻ sơ sinh.
- Nếu mụn vỡ ra, bạn nên rửa vết thương bằng nước muối sinh lý và băng gạc sạch.
Trẻ sơ sinh bị mụn thường không cần phải uống thuốc. Mụn sữa hay mụn trứng cá sơ sinh là loại mụn lành tính, có thể tự khỏi sau một thời gian mà không cần điều trị. Bạn không nên tự ý mua thuốc và cho trẻ sử dụng vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Theo dõi thường xuyên biểu hiện của trẻ để có sự can thiệp kịp thời khi cần thiết. Nếu trẻ sốt cao, đau đớn, sưng tấy, mụn lan rộng hoặc kéo dài quá 3 tháng, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Phòng ngừa mụn cho trẻ sơ sinh
Tuy các loại mụn ở trẻ sơ sinh đa phần là lành tính, việc phòng ngừa mụn, nhất là trẻ sơ sinh bị mụn ở mặt vẫn rất cần thiết. Cha mẹ nên lưu ý:
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Luôn vệ sinh bản thân sạch sẽ trước khi tiếp xúc với bé.
- Nếu trẻ đang được cho bú mẹ, bạn nên hạn chế ăn những thức ăn dễ gây dị ứng, đồ cay nóng hoặc có chứa nhiều đạm albumin. Nếu trẻ đang dùng sữa công thức, bạn nên biết cách chọn sữa công thức cho con phù hợp với cơ địa của trẻ.
- Không nên chữa các loại mụn ở trẻ sơ sinh bằng mẹo dân gian hay các loại kem dưỡng được “mách nhỏ” mà không hỏi qua ý kiến bác sĩ. Điều này có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chọn chất liệu quần áo mềm mịn, thấm hút mồ hôi tốt.
Chọn quần áo mềm mịn, thông thoáng để ngăn ngừa các loại mụn ở trẻ sơ sinh
Có thể thấy, các loại mụn ở trẻ sơ sinh rất đa dạng và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạn không nên quá lo lắng nếu trẻ bị mụn trên mặt, trên cơ thể. Chúng thường sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn.
Để yên tâm hơn, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ trong những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuyệt đối không tự ý chữa mụn cho trẻ, tránh biến chứng không đáng có.