1. Các bệnh phổ biến mùa lạnh
Viêm đường hô hấp
Vào mùa lạnh, các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi họng cấp, viêm amidan, viêm tiểu phế quản và nặng nhất là viêm phổi là nỗi ám ảnh của các bậc làm cha mẹ. Các bệnh này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, nhất là từ trẻ từ 3-6 tháng tuổi và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biểu hiện của các bệnh đường hô hấp thường là ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc sốt cao. Sau 3-5 ngày tình trạng ho ngày một nặng thêm. Lúc này, trẻ xuất hiện biểu hiện khó thở như thở rít, co rút lồng ngực… Một số trẻ có dấu hiệu nặng như thở khó khăn, bú kém, tím tái… Đây là lúc bố mẹ cần đưa trẻ nhập viện để được can thiệp kịp thời.
Cách xử lý:
Khi tình trạng bệnh của trẻ còn ở mức nhẹ, không có các biến chứng về đường thở, không có yếu tố nguy cơ cao, bố mẹ nên chú ý khi chăm sóc con tại nhà. Giữ ấm cho trẻ bằng trang phục thoáng mát, thấm hút mồ hôi để mồ hôi không thấm ngược vào trong gây viêm phổi. Bên cạnh đó, bố mẹ nhớ cho trẻ ăn uống đủ chất, uống nhiều nước để tránh thiếu nước.
Đặc biệt, khi trời lạnh, không khí hanh khô hơn nên dễ khiến niêm mạc mũi bị kích ứng, làm cản trở việc hô hấp của trẻ. Lúc này, bố mẹ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và vệ sinh họng để đường thở con luôn thông thoáng, dễ chịu và ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh.
Viêm đường hô hấp là bệnh thường xảy ra ở mùa lạnh – Ảnh minh họa
Tiêu chảy
Mùa đông là lúc bệnh tiêu chảy hoành hành. Năm 2015, cả nước có khoảng 125.000 ca và có 3 trường hợp tử vong. Trong các nguyên nhân gây tiêu chảy thường gặp nhất do nhân virus, vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, lị thì tiêu chảy cấp do rotavirus là phổ biến nhất. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 – 24 tháng tuổi.
Đường xâm nhập của vi rút Rota thông qua miệng. Đầu tiên, trẻ sẽ có biểu hiện nôn, sau khoảng 1-2 ngày sẽ bắt đầu đi ngoài. Bệnh thường đi kèm với ho, sốt nên nhiều phụ huynh dễ nhầm lẫn bé tiêu chảy do viêm đường hô hấp nên không kịp thời xử lý. Bệnh có thể kéo dài 3-7 ngày và để lại biến chứng do mất nước, mất muối quá nhiều dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không kịp thời phát hiện, bù nước cho trẻ.
Cách xử lý:
Khi trẻ bị tiêu chảy, điều cấp bách nhất là cần nhanh chóng bù nước cho trẻ. Bạn có thể mua gói oresol tại các nhà thuốc về pha cho trẻ uống theo đúng hướng dẫn trên bao bì. Trong trường hợp không mua được oresol, bố mẹ có thể pha dung dịch thay thế theo công thức 8 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối pha với 1 lít nước đun sôi để nguội.
Bạn có thể cho trẻ uống 2-3 lần/ngày. Liều dùng như sau: trẻ nhũ nhi 50ml/lần, trẻ 2-6 tuổi 100ml/lần, trẻ 6 – 12 tuổi 150ml/lần. Trẻ trên 12 tuổi uống theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn nhẹ, những thức ăn dễ tiêu như cháo, súp, uống sữa như bình thường. Nếu thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, không chịu ăn uống, không chơi… bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được truyền dịch, bù nước kịp thời.
Quai bị
Mùa lạnh là thời điểm bùng phát dịch quai bị. Bệnh còn có tên gọi khác là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị. Nguyên nhân gây bệnh chính là vi rút paramyxovirus, lây trực tiếp qua đường hô hấp như ho, hắt hơi. Bệnh dễ gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên và ít khi xuất hiện ở người trưởng thành.
Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của quai bị là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên và thường không sưng cùng lúc. Vùng sưng có thể lan đến má, dưới hàm, có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.
Thời gian để bệnh có thể lây cho người khác là từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.
Tuy là bệnh lành tính với tỷ lệ biến chứng 1/1.000, nhưng nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị viêm não, màng não với các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, ói mửa, co giật, chiếm tỷ lệ 20-30%… Đặc biệt, nếu bệnh nặng ở bé trai có thể ảnh hưởng đến ống dẫn tinh, teo tinh hoàn với tỷ lệ 30-40%.
Cách xử lý:
Bệnh do tác động của vi rút nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau.
Bạn có thể giảm cảm giác đau đớn, khó chịu do sưng mang tai bằng cách chườm khăn ấm cho bé. Những lúc này, mẹ nên chăm sóc răng miệng cho con thật kỹ, cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu để tăng sức đề kháng, giúp bệnh nhanh khỏi.
Viêm kết mạc
Dân gian thường dùng tên gọi đau mắt đỏ để chỉ chứng viêm kết mạc. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ nhỏ do nguyên nhân nhiễm trùng như vi khuẩn, vi rút hoặc do dị ứng khói bụi, hóa chất. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh nên có thể kéo dài vài ngày cho đến vài tuần. Thông thường, bệnh sẽ bắt đầu với các triệu chứng như: mi mắt sưng nề, chảy nước mắt vàng, rỉ ghèn…
Trẻ đau mắt đỏ thường ít bị tổn thương nhãn cầu và ảnh hưởng thị lực. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời bệnh cũng có thể biến chứng nguy hiểm gây mù lòa.
Cách xử lý:
Khi bé bị viêm kết mạc, mẹ nên rửa mắt cho con bằng dung dịch NaCl 0,9%. Ngoài ra, mẹ cũng đừng quên lau mắt bé bằng gạc vô trùng có tẩm nước muối sinh lý 2-3 lần/ngày. Trước khi chăm sóc mắt cho bé, mẹ nhớ rửa tay thật sạch bằng xà phòng sát khuẩn để không làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Trong thời gian bé bị đau mắt, bố mẹ cần chú ý ngăn không cho trẻ dụi mắt và sát khuẩn kỹ lưỡng các vật dụng dùng cho bé như khăn mặt, quần áo.
Đừng coi thường bệnh viêm kết mạc ở trẻ em – Ảnh minh họa
2. Phòng bệnh mùa lạnh
– Điều cơ bản đầu tiên khi bước vào mùa lạnh là bố mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ bằng mũ, áo, khăn quàng cổ… . Những khi nhiệt độ xuống thấp, bố mẹ cần thay trang phục phù hợp và điều chỉnh nhiệt độ trong nhà khoảng 26-28 độ C.
– Khi cần tắm trẻ, bạn phải dùng nước ấm, tắm nhanh và vào những khung giờ thích hợp như 9-10 giờ sáng và 15-16 giờ chiều. Hạn chế cho bé ra ngoài trời lúc có gió, sáng sớm hoặc chiều tối.
– Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để vi khuẩn gây bệnh không có nơi trú ngụ.
– Để bé yêu được bảo vệ tốt hơn trong mùa lạnh, bạn nên chú ý vệ sinh nhà cửa, tránh xa các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông thú…
– Tiết trời lạnh lẽo dễ khiến trẻ ngại di chuyển, vận động. Vì lẽ đó, bố mẹ nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục, chơi đùa, đưa trẻ đến công việc vào những khung giờ thích hợp để trẻ hít thở không khí trong lành, tăng cường sức đề kháng.
– Chú ý lịch tiêm chủng của trẻ để chủng ngừa kịp lúc những bệnh thường diễn ra trong mùa lạnh có nguy cơ bộc phát thành dịch.
3. Chú ý chế độ dinh dưỡng mùa lạnh
– Vào mùa lạnh, dùng những thức ăn nóng sốt, ăn ngay khi nấu chín sẽ giúp trẻ ngon miệng và ăn được nhiều hơn. Nhờ đó, sức khỏe cũng được cải thiện đáng kể.
– Tăng cường thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể như chất đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa và đừng quên nguồn vitamin dồi dào có trong rau xanh và trái cây tươi.
– Thường xuyên cho trẻ dùng các loại thực phẩm có tác dụng làm ấm, kháng viêm như mật ong, gừng…
Theo sự tư vấn của BS CKII Trần Phẩm Diệu – Khoa Nhi, Bệnh viện FV