Đó là trường hợp của chị Donna Lowe. Hồi tháng 9/2016, vì một lý do nào đó mà Donna đã bỏ qua lần sàng lọc ung thư cổ tử cung. Chỉ 3 tháng sau, Donna nhận tin “sét đánh ngang tai” khi căn bệnh ung thư cổ tử cung đã bước vào giai đoạn cuối. Các bác sĩ thông báo, khối u đã lan ra khắp các hạch bạch huyết vùng chậu.
Trải qua sáu tuần hóa trị và xạ trị nhưng Donna vẫn không qua khỏi vì biến chứng mà căn bệnh nguy hiểm đã gây ra. Người phụ nữ xinh đẹp, tràn đầy sức sống ngày nào giờ chỉ còn lại bộ da bọc xương. Đến tháng 8/2017 vừa qua, Donna đã qua đời sau 8 tháng chống chọi với bệnh.
Nhằm kêu gọi mọi người chủ động đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm, chồng của Donna đã quyết định đăng lên mạng xã hội bức ảnh so sánh lúc Donna còn khỏe và trước khi cô qua đời. Từ trường hợp của vợ mình, anh muốn lên tiếng và khuyến khích chị em nên đi sàng lọc ung thư cổ tử cung. “Dù không mấy thoải mái nhưng đó vẫn là phương pháp cực kỳ cần thiết để phát hiện bệnh tật. Hãy chắc chắn người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình được khám sức khỏe đều đặn”, anh nói. “Nếu quay ngược thời gian, chắc chắn tôi sẽ đưa Donna đi khám sức khỏe”.
Donna trước và sau khi mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Sau khi đăng tải trên trang cá nhân, câu chuyện của Elliott – chồng Donna đã nhận được hơn 29.000 lượt chia sẻ. Không ít người sau đó đã quyết định đặt lịch hẹn bác sĩ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung dù trước đây đã nhiều lần thường xuyên trốn tránh.
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính, thường gặp ở độ tuổi trên 30. Đây là căn bệnh ung thư đứng thứ tư trong các loại ung thư và đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư phụ khoa ở nữ giới về tỷ lệ mắc phải cũng như tỷ lệ tử vong, chỉ đứng sau ung thư vú.
Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng cụ thể, rõ ràng. Nếu có thì đa phần là những dấu hiệu nhiều phụ nữ dễ bỏ qua, chỉ đến khi có những triệu chứng như đau vùng chậu, xuất huyết bất thường… thì bệnh đã vào giai đoạn muộn. Việc điều trị ung thư cổ tử cung thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào thời điểm phát hiện bệnh. Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm lên đến 90% nên việc thực hiện tầm soát để phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung là vô cùng quan trọng.
Phụ nữ nên bắt đầu tầm soát lúc 21 tuổi. Không tầm soát nếu dưới 21 tuổi, không kể tuổi bắt đầu quan hệ tình dục. Từ 21 đến 29 tuổi thực hiện Pap smear mỗi 3 năm. Không xét nghiệm HPV ở phụ nữ 21-29 tuổi vì tần suất nhiễm chủng HPV sinh ung ở tuổi này khoảng 20%, hầu hết trường hợp HPV sẽ biến mất mà không cần can thiệp. Phát hiện nhiễm HPV sẽ gây ra lo lắng, tốn chi phí tái khám và xử trí không cần thiết.
Phụ nữ tuổi 30-64 nên thực hiện bộ đôi xét nghiệm (Pap smear và HPV) mỗi 5 năm, hoặc có thể Pap smear mỗi 3 năm.