Mẹ và Con - Canh gà lá giang chua chua thanh thanh không chỉ ăn kèm với cơm nóng mà cả bún cũng rất hợp. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không trổ tài ngay để cả nhà cùng thưởng thức, bạn nhỉ?

Món canh gà lá giang với vị chua thanh hòa quyện, là một món canh ngon mà bạn có thể thêm vào thực đơn hằng ngày của gia đình. Và để nấu canh gà lá giang sao cho ngon, sao cho chuẩn vị nhất thì hãy tham khảo ngay cách nấu sau đây bạn nhé.

Đôi nét về lá giang

Lá giang (một số nơi gọi là lá giang chua) thuộc họ dây leo, thường mọc hoang ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực ven rừng vùng núi các tỉnh miền Trung. Thành phần của lá giang có chứa một lượng nhỏ axit nên khi ăn bạn sẽ cảm nhận thấy lá giang có vị chua nhẹ.

Ăn lá giang sẽ giúp cải thiện tình trạng đau dạ dày, đầy bụng khó tiêu, đau nhức xương khớp,… Lá giang được hái về để nấu canh chua hoặc nấy lẩu.

Cách nấu canh gà lá giang thơm ngon chuẩn vị

Chuẩn bị nguyên liệu

Trước khi nấu canh gà với lá giang, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu cần thiết, bao gồm:

  • 300 gram lá giang
  • 500 gram thịt gà
  • 3 củ hành tím
  • 2 nhánh hành lá
  • 2 nhánh ngò rí
  • 1 quả chanh
  • 1 củ gừng
  • 2-3 muỗng canh dầu ăn

Ngoài ra, bạn còn cần chuẩn bị thêm các gia vị, mỗi thứ 1 ít từ 3-5 muỗng cà phê tùy thuộc vào khẩu vị gia đình của bạn mà điều chỉnh khi nêm nếm:

  • Muối
  • Đường
  • Hạt nêm
  • Bột ngọt
  • Tiêu xay

nguyên liệu nấu canh gà lá giang thơm ngon

Cách nấu canh gà lá giang

Sơ chế các nguyên liệu

Sơ chế gà

Thịt gà sau khi mua về, bạn chà xát với 1 củ gừng đập dập. Chà đều toàn bộ các bề mặt trong khoảng 10 phút rồi đem đi rửa lại với nước và để ráo. Đợi thịt gà khô hoàn toàn thì chặt thành những khúc nhỏ vừa ăn.

Để khử mùi hôi thịt gà bạn chà xát gà với một củ gừng đập dập khoảng 10 phút, sau đó rửa sạch lại với vài lần nước.

Ngoài chà xát với gừng, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo khử mùi hôi thịt gà trước khi nấu canh gà lá giang như:

  • Dùng rượu trắng: Nếu nhà có rượu trắng và cả gừng thì bạn có thể đập dập củ gừng, ướp gà với hỗn hợp gừng và rượu trắng trong khoảng 30 phút và rửa lại với nước.
  • Dùng giấm: Giấm cũng là một nguyên liệu có tính axit có thể giúp bạn khử mùi hôi của thịt gà. Hòa nước với giấm theo tỷ lệ 2:1, sau đó chà xát gà với hỗn hợp này khoảng 5-10 phút. Rửa lại với nước sạch.
  • Dùng chanh: Nếu không có giấm, bạn có thể thay thế bằng cách dùng chanh để khử mùi hôi của thịt gà. Chỉ cần cắt vài lát chanh và chà xát toàn bộ gà, để trong 5 phút và rửa thật sạch lại là được.
Sơ chế các nguyên liệu khác

Lá giang nhặt bỏ lá hư, bị sâu ăn. Rửa sạch. Có thể ngâm với nước muối trước để rửa được sạch hơn. Sau khi ngâm nước muối thì bạn rửa lại với nước sạch, vò nhẹ lá giang. Như vậy thì chất chua trong lá giang sẽ được tiết ra và làm cho món canh gà lá giang được chuẩn vị hơn.

Lấy hành tím rửa sạch, lột vỏ, đập dập rồi băm nhỏ. Ngò rí hành lá cắt bỏ gốc rễ, rửa sạch và cắt khúc khoảng hai lóng tay.

Ướp thịt gà

Thịt gà sau khi để ráo và cắt nhỏ vừa ăn thì cho vào tô. Với món canh gà lá giang, việc ướp gà cũng rất đơn giản. Bạn có thể ướp 500 gram gà với hỗn hợp gồm 1/2 muỗng canh hạt nêm, hành tím băm nhỏ, 1 muỗng canh đường, 1/2 muỗng canh muối, 1/2 muỗng canh bột ngọt và 1 ít tiêu xanh. Nếu bạn có khẩu vị nhạt hơn thì có thể giảm lượng đường, muối, hạt nêm và bột ngọt khi ướp.

Lưu ý dùng găng tay thực phẩm hoặc đũa để trộn đều giúp gà được thấm gia vị hơn. Để gà ướp với gia vị trong khoảng 15 – 20 phút.

Cách nấu canh gà lá giang

Nấu canh

Dùng nồi lớn cho 1 muỗng canh dầu ăn vào, đợi dầu nóng thì cho thịt gà vào xào sơ khoảng 5 – 10 phút. Đến khi thấy thịt gà bắt đầu săn lại thì cho 1.2 lít nước vào nồi, đun với lửa vừa. Như vậy thì thịt gà sẽ chín từ từ, ra nước ngọt và gà sẽ được mềm hơn.

Đợi khoảng 15 – 20 phút cho gà được đến độ mềm vừa ăn thì cho lá giang vào. Nấu thêm khoảng 3 phút và nêm nếm với muối, đường, hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay. Bạn có thể nấu thêm với trứng non và cho thêm 1 ít nước cốt chanh để tăng độ hấp dẫn cho món ăn.

Khi thấy phần nước canh gà lá giang sôi lên thì nêm nếm lại một lần nữa. Cảm thấy vừa ăn thì tắt bếp và múc ra tô, thêm hành ngò lên trên bề mặt và có thể thêm một ít ớt cắt lát là bạn đã có được một món canh chua thanh vừa miệng lại có nhiều chất dinh dưỡng.

Xem thêm: 3 cách nấu canh chua tôm ngon độc lạ, đổi gió mùa mưa cho cả nhà

nấu canh gà lá giang như thế nào

Mẹo chọn nguyên liệu nấu canh gà lá giang

Một món ăn ngon không chỉ xuất phát từ cách nấu mà cách chọn nguyên liệu cũng rất quan trọng. Với món canh gà lá giang, muốn canh được thơm và ngon hơn thì bạn có thể bỏ túi một số cách chọn nguyên liệu như sau:

Cách chọn thịt gà

Để có món canh gà lá giang thơm ngon thì nên chọn gà theo những tiêu chí nào? Dưới đây sẽ là một số lưu ý khi chọn gà mà bạn cần nắm:

Cách chọn lá giang

Với lá giang thì khi mua, bạn cần chú ý chọn lá tươi, có màu xanh sẫm đều. Chú ý mua những bó mà lá ít bị sâu hoặc nát nhất. Nếu không có kinh nghiệm trong việc chọn mua lá giang thì bạn nên mua tại các siêu thị lớn và uy tín để có thể mua được lá giang tươi, đã qua kiểm định và đảm bảo an toàn đối với sức khỏe.

Mẹo chọn nguyên liệu nấu canh gà lá giang

Đối với gà còn sống

  • Nên quan sát gà và chọn những con gà linh hoạt, di chuyển nhiều. Không chọn những con có dáng đầu cụp xuống, có vẻ ủ rũ hay di chuyển chậm chạp.
  • Quan sát lông gà và xem phần lông có bóng bẩy mượt mà không. Đây chính là dấu hiệu của những con gà khỏe mạnh. Ngược lại, nếu lông gà xù xì, tơi tả, phần lông ở vùng đầu dựng lên thì khả năng cao đó là gà bệnh.
  • Dáng đầu gà cũng rất quan trọng và cần chú ý. Không nên chọn gà có mắt bị sưng phù, dính mí, có mụn dưới viền mắt hoặc có bọt chảy ra từ khoé mắt. Ngoài ra, bạn cũng không nên chọn những con gà quan sát thấy thở khò khè, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Chân gà bị bệnh cũng thường có vết bầm lạ, phần mào gà thì chuyển sang bầm đen hoặc có màu tím nhợt nhạt. Đây là dấu hiệu gà không khỏe mạnh, không nên mua.

Đối với gà làm sẵn

  • Với gà đã được làm sẵn, khi mua về nấu canh gà lá giang thì bạn nên chọn gà có kích thước cân nặng vừa phải. Gà quá to có thể là gà bị bơm thuốc tăng tỉ trọng còn gà quá nhỏ thì thịt gà chưa trưởng thành, ăn dễ bị bở.
  • Quan sát da gà nếu có màu vàng óng, không quá nhợt nhạt hoặc không quá đậm thì là gà ngon. Thông thường, gà đảm bảo chất lượng sẽ có phần da ở ngoài mỏng, độ đàn hồi tốt, sờ vào mịn tay.
  • Bên trong thịt gà cần có màu hồng tự nhiên, không có vết bầm hay vết máu tụ. Nếu thịt gà chuyển sang màu ánh xám hay màu nhạt thì cũng không nên mua.
  • Và với gà làm sẵn, bạn nên chú ý ngày đóng gói, hạn sử dụng cũng như kiểm tra bao bì, nhãn mác có còn nguyên vẹn không, có bị xé dán đè lên không.

Trong những ngày cuối năm thời tiết se lạnh thì không có gì hợp lý hơn một nồi canh gà lá giang với vị chua thanh phải không nào? Trổ tài làm ngay món canh ngon này và đừng quên chia sẻ thành quả với Tạp chí Mẹ và Con bạn nhé.

Bài viết liên quan