Ai cũng biết, hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Vì thế, tâm lý chung của bố mẹ khi phát hiện con hút thuốc lá đều vô cùng bực tức và nghĩ đến chuyện trừng phạt con. Tuy nhiên, đây được cho là một cách ứng xử chưa khôn khéo, có thể dẫn đến những phản ứng ngược.
4 Dấu hiệu trẻ đang hút thuốc lá
Làm sao để biết trẻ có đang hút thuốc lá hay không? Không phải ai cũng có thể lắp camera trong nhà để quan sát con hay theo dõi con 24/24 để phát hiện con hút thuốc lá. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết trẻ có hút thuốc lá hay không qua những dấu hiệu sau:
- Hơi thở có mùi: Một trong những dấu hiệu để bạn phát hiện con hút thuốc lá hay không chính là dựa vào hơi thở của con. Nếu trẻ bỗng nhiên có hơi thở có mùi và cố gắng che đậy điều này bằng cách ăn các loại kẹo thơm miệng, dùng kẹo cao su,… thì bạn nên quan sát trẻ cẩn thận hơn vì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy con đang hút thuốc lá.
- Răng ố vàng: Nghiện thuốc lá có thể khiến răng đổi màu, trở nên ố vàng. Thông thường, trẻ trong giai đoạn dậy thì nếu không vệ sinh răng miệng kỹ thì răng có thể vàng do các mảng bám. Tuy nhiên, bạn có thể phát hiện con hút thuốc lá thông qua màu sắc của răng bởi màu vàng do hút thuốc thường rất đậm và dễ nhận biết.
- Ho dai dẳng: Một dấu hiệu khác giúp bố mẹ dễ dàng phát hiện con hút thuốc lá chính là tình trạng do dai dẳng do bắt đầu có sự tổn thương ở phổi hoặc đơn giản là con chưa quen với việc hút thuốc dẫn đến bị sặc.
- Nóng tính: Nếu con đột nhiên trở nên nóng tính, cáu gắt, sau đó bước ra ngoài trong vài phút và trở nên vui vẻ như bình thường thì rất có thể lúc đó con đã ra ngoài để hút thuốc. Khi hút thuốc quá nhiều, trẻ có thể bị nghiện nicotine và có biểu hiện khó chịu, cáu gắt, bực bội nếu không được sử dụng nicotine đúng lúc. Bạn cũng có thể quan sát dấu hiệu này để phát hiện con hút thuốc lá hay không.
Những rủi ro khi trẻ hút thuốc lá
Cho dù hút thuốc lá truyền thống hay vape, thuốc lá điện tử thì cũng có thể để lại những tác hại nhất định. Trong vòng 10 giây kể từ lần hút thuốc đầu tiên, các hóa chất độc hại trong khói thuốc sẽ đến não, tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Hút thuốc gây hại cho hầu hết các bộ phận của cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau.
Nếu không phát hiện con hút thuốc lá để kịp thời can thiệp, trẻ sẽ có nguy cơ bị:
- Có các vết ố vàng trên ngón tay, lưỡi và răng
- Hôi miệng, hư răng, răng kém chắc khỏe
- Da chảy xệ và hình thành nếp nhăn sớm
- Tóc khô xơ, mất đi độ bóng tự nhiên, dễ gãy rụng hơn
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bên cạnh bệnh ung thư phổi thì còn có thể bị ung thư các bộ phận khác trên cơ thể như môi, lưỡi, miệng, mũi, thực quản, cổ họng, dạ dày, gan, thận, tuyến tụy, bàng quang, máu, cổ tử cung,…
- Mắc các bệnh lý ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Mắc các bệnh lý tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ
- Bị tiểu đường loại I và tiểu đường loại II
- Loãng xương
- Nguy cơ mãn kinh sớm hơn ở phụ nữ
- Giảm thính lực và thị lực
- Gặp các vấn đề sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh
- Suy giảm hệ miễn dịch, hễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh lý khác
Vì sao trẻ nghiện thuốc lá?
Một người nghiện thuốc lá có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, ở độ tuổi dậy thì, đa phần trẻ hút thuốc lá bắt đầu từ việc muốn bắt chước bạn bè của mình, muốn được hòa nhập cùng bạn bè, sợ bạn bè “kỳ thị” mình vì mình không tham gia vào những hoạt động như họ.
Xem thêm: Tuyệt chiêu trị chồng nghiện thuốc lá
Ngoài ra, với tâm lý muốn thể hiện, muốn được mọi người công nhận, nhiều trẻ em trong độ tuổi thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc vì cho rằng hành động này sẽ giúp mình trở nên ngầu hơn.
Một lý do nữa khiến trẻ hút thuốc chính là chứng kiến những người xung quanh mình, đặc biệt là người thân trong gia đình hút thuốc. Khi những người lớn xung quanh trẻ hút thuốc, trẻ sẽ có tâm lý tò mò muốn được thử hút thuốc cũng như cho rằng, chỉ người lớn hút thuốc nên việc mình hút được thuốc có thể chứng tỏ mình đã lớn, đã trưởng thành.
Bố mẹ cần làm gì khi phát hiện con hút thuốc lá?
Bình tĩnh là nguyên tắc đầu tiên cần ghi nhớ
Trong mọi trường hợp, việc giữ bình tĩnh sẽ giúp chúng ta giải quyết mọi việc theo hướng thích hợp nhất. Khi phát hiện con hút thuốc lá cũng vậy. Việc mất bình tĩnh, la mắng hay đánh đập, nghĩ đến các biện pháp trừng phạt trẻ không phải là cách để chấm dứt triệt để tình trạng con hút thuốc.
Do đó, trước mắt bố mẹ cứ hãy bình tĩnh sau khi phát hiện vấn đề. Sự bình tĩnh có thể giúp bạn tìm ra được cách xử lý tình huống phù hợp nhất với trẻ.
Trao đổi với nhau về cách giải quyết tình huống
Sự thống nhất trong cách dạy con giữa bố, mẹ và người lớn trong gia đình đặc biệt quan trọng, nhất là trong những tình huống nhạy cảm như việc phát hiện con hút thuốc lá. Nếu những người lớn có cách giải quyết khác nhau thì đôi khi sẽ phản tác dụng và khiến trẻ tiếp tục thói quen có hại này.
Do đó, trước khi nói chuyện nghiêm túc với trẻ về vấn đề sử dụng thuốc lá của con, tốt nhất người lớn trong gia đình nên trao đổi với nhau và thống nhất về cách xử lý tình huống. Tối thiểu thì việc này phải có sự thống nhất giữa bố và mẹ – hai người có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của trẻ.
Tìm hiểu nguyên nhân
Khi phát hiện con hút thuốc lá, việc bố mẹ cần làm chính là tìm hiểu nguyên nhân cũng như tình trạng của con hiện tại. Liệu con hút thuốc vì lý do gì và con có nghiện thuốc lá chưa, hay chỉ là đang tập tành thử một trải nghiệm mới trong hành trình trưởng thành của mình?
Việc tìm ra được nguyên nhân của việc trẻ hút thuốc cũng như tình trạng của con hiện tại sẽ giúp bạn biết cần giải quyết thế nào trong tình huống có phần nhạy cảm này.
Trò chuyện cùng con
Sau khi phát hiện con hút thuốc lá, bố mẹ nên dành thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng con. Việc trò chuyện này có thể mất nhiều thời gian hơn bạn tưởng bởi không phải đứa trẻ nào cũng đồng ý “hợp tác” với bố mẹ ngay từ những lần nói chuyện đầu tiên.
Tuy nhiên, hãy cứ kiên nhẫn với con và tiếp cận con hằng ngày bạn nhé! Bạn có thể bắt đầu bằng một sở thích của trẻ thay vì đột ngột nhắc đến việc bố mẹ đã phát hiện con hút thuốc lá. Như vậy trẻ sẽ có tâm lý cởi mở và thoải mái hơn, dễ dàng nói chuyện với bố mẹ hơn.
Trong suốt cuộc trò chuyện, điều mà bạn nên làm chính là giữ sự bình tình và nhẹ nhàng với con. Hãy hỏi con về lý do vì sao con hút thuốc, con đã hút lâu chưa và cho con biết những tác hại của việc hút thuốc.
Nếu cảm thấy việc trò chuyện trực tiếp với con về đề tài phát hiện con hút thuốc lá quá khó khăn, bạn có thể bắt đầu bằng việc nhắn tin hoặc chat với con. Đây chính là lợi thế của bố mẹ khi nuôi con trong giai đoạn 4.0 bởi hiện tại, không phải đứa trẻ nào cũng thoải mái với việc nói chuyện trực tiếp với người lớn nhưng ngược lại rất thoải mái trong việc viết ra, nhắn tin,…
Không trách mắng con trước mặt người khác
Không chỉ riêng vấn đề phát hiện con hút thuốc lá mà trong bất cứ trường hợp nào đi chăng nữa, việc trách mắng con trước mặt người khác cũng là một việc làm tối kỵ, dễ tổn thương lòng tự trọng của con, gây nên phản ứng ngược khiến con càng muốn nổi loạn hơn và làm những điều bố mẹ không cho phép.
Yêu cầu con cam kết không hút thuốc lá nữa
Khi phát hiện con hút thuốc lá, sau khi trò chuyện với con, bạn có thể yêu cầu con không được hút thuốc lá nữa. Không như những vấn đề khác, việc hút thuốc lá thật sự có hại với sức khỏe của trẻ. Do đó, nên yêu cầu trẻ không được hút thuốc nữa và con phải cam kết thực hiện vấn đề này. Nếu bố mẹ phát hiện con hút thuốc lá một lần nữa thì sẽ nhận được những hình phạt phù hợp.
Kết hợp song song giữa nghiêm khắc và nhẹ nhàng
Việc nuôi dạy trẻ em trong giai đoạn tâm lý tuổi dậy thì vô cùng khó khăn bởi tâm lý của trẻ chưa ổn định và còn nhiều xáo trộn. Nghiêm khắc quá mức cũng khiến con dễ nổi loạn nhưng nếu nhẹ nhàng quá thì con có thể sẽ qua mặt bố mẹ và tiếp tục hút thuốc.
Vì thế, bạn có thể “vừa đánh vừa xoa”, kết hợp giữa bố và mẹ, một người nghiêm khắc với con còn người còn lại sẽ nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu lý do vì sao con lại không nên hút thuốc. Điều này giúp trẻ dễ nghe lời và bỏ hút thuốc nhanh hơn đấy.
Làm gương cho con
Không khó để thấy, trong nhiều gia đình, việc trẻ hút thuốc lá bắt nguồn từ chính việc thấy người thân hút thuốc. Do đó, khi phát hiện con hút thuốc lá, thay vì tức giận với trẻ, chính người lớn cũng nên ngẫm nghĩ lại xem mình có đang hút thuốc không. Nếu có, hãy dừng việc hút thuốc lại để có thể làm gương cho con bạn nhé!
Nếu bạn yêu cầu trẻ không được hút thuốc lá nhưng người lớn trong gia đình vẫn tiếp tục hút thuốc thì trẻ sẽ cảm thấy không công bằng, bị phân biệt đối xử và dẫn đến tình trạng chống đối, tiếp tục hút thuốc.
Theo dõi trẻ
Trong thời gian đầu tiên kể từ khi phát hiện con hút thuốc lá và trò chuyện với con, nên tiếp tục theo dõi những biểu hiện của trẻ để xem trẻ có còn hút thuốc hay không. Tuy nhiên, hãy âm thầm quan sát, không quá “lộ liễu” để tránh tình trạng trẻ cảm thấy tổn thương do bị bố mẹ nghi ngờ mình.
Phát hiện con hút thuốc lá, tâm lý chung của bố mẹ đều sẽ khó chịu, bực tức. Tuy nhiên, đừng vội trách mắng trẻ bởi trẻ con rất nhạy cảm, dễ nghĩ nhiều, dễ tổn thương. Hãy thử giải quyết tình huống theo 9 bước trên xem sao. Và nếu bạn cần tâm sự hoặc muốn được “gỡ rối” các vấn đề về cuộc sống hôn nhân, chuyện vợ chồng, gia đình, liên hệ ngay với Mẹ và Con bạn nhé!