Một số thống kê hiện nay cho thấy, có từ 8 đến 20% các trường hợp mang thai bị sảy thai. Và trong số đó, nhiều trường hợp sảy thai liên tiếp. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng liên tục sảy thai khi đang mang thai và liệu phụ nữ bị sảy thai liên tiếp nhiều lần có thể sinh con như bình thường hay không?
Sảy thai liên tiếp là gì?
Sảy thai là tình trạng thai kỳ kết thúc khi trước khi thai nhi được 20 tuần tuổi. Sảy thai liên tiếp là tình trạng sảy thai nhiều lần liên tục. Một người phụ nữ sau khi sảy thai lần đầu có thể tiếp tục mang thai, và sau đó lại bị sảy thai thì gọi là sảy thai liên tiếp. Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM), chỉ cần sảy thai từ lần thứ 2 trở đi là đã được tính là sảy thai liên tiếp (khác với định nghĩa trước đây là sảy thai từ ba lần liên tục mới được tính là sảy thai liên tiếp).
Sảy thai thường xảy ra một lần. Hầu hết phụ nữ bị sảy thai đều có thai kỳ khỏe mạnh sau khi sảy thai. Một số ít phụ nữ, chỉ khoảng 1%, sẽ bị sảy thai nhiều lần.
Nguy cơ sảy thai được dự đoán trong lần mang thai tiếp theo sẽ rơi vào khoảng 20%. Sau hai lần sảy thai liên tiếp, nguy cơ sảy thai lần nữa tăng lên khoảng 28% và sau ba lần sảy thai liên tiếp trở lên, nguy cơ sảy thai lần nữa là khoảng 43%.
Nguyên nhân sảy thai liên tiếp là gì?
Nguyên nhân sảy thai liên tiếp được chia thành 2 nhóm: Do sảy thai sớm (chấm dứt thai kỳ trong 13 tuần đầu thai kỳ) và do sảy thai muộn (chấm dứt thai kỳ từ sau tuần thứ 13 mang thai).
Theo đó, sảy thai sớm thường do phôi thai bất thường hoặc do các vấn đề liên quan đến nhiễm sắc thể (chiếm 50-80% trường hợp sảy thai sớm). Còn sảy thai muộn thường là do bất thường ở tử cung, chuyển dạ sinh non, các vấn đề tự miễn dịch, cổ tử cung không bình thường,…
Các nguyên nhân sảy thai liên tiếp cụ thể bao gồm:
Do di truyền
Sảy thai liên tiếp được cho là có sự liên quan đến bất thường di truyền trong phôi hoặc thai nhi. Nguy cơ này tăng lên hơn 50% khi phụ nữ mang thai sau khi bước qua tuổi 40. Có thể loại trừ, phát hiện sớm bất thường thông qua việc xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ của tế bào từ thai nhi.
Do bệnh lý mạn tính
Các bệnh mạn tính như bệnh tuyến giáp hoặc đái tháo đường, bệnh huyết khối,… đều góp phần làm tăng nguy cơ bị sảy thai liên tiếp. Do đó, trước khi mang thai, mẹ bầu cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt để tránh nguy cơ bị sảy thai thêm một lần nữa.
Do bệnh tự miễn
Khi cơ thể người mẹ có các vấn đề tự miễn, người mẹ có thể sảy thai liên tiếp nhiều lần. Vì thế, các trường hợp sảy thai từ lần thứ 2 trở đi hoặc tiền sử cá nhân, gia đình có vấn đề liên quan đến tự miễn thì sẽ được xét nghiệm máu và tìm xem nguyên nhân sảy thai có phải do bệnh tự miễn không. Nếu có, cần dùng thuốc để chống lại tác động của bệnh tự miễn đối với thai kỳ.
Dị tật tử cung
Hiện nay, có khoảng 15% các ca sảy thai là do bất thường ở cấu trúc tử cung như tử cung đôi, u xơ tử cung, có vết sẹo ở tử cung, tử cung nhi hóa, tử cung có vách ngăn,… Các vấn đề này có thể khắc phục trước khi mang thai để hạn chế nguy cơ sảy thai liên tiếp nhiều lần.
Yếu tố môi trường
Phụ nữ tiếp xúc nhiều với rượu bia, thuốc lá, tia X, các loại hóa chất,… sẽ có nguy cơ sảy thai liên tiếp cao hơn.
Sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân
Theo thống kê, hơn 50% phụ nữ bị sảy thai liên tiếp mà không tìm được nguyên nhân chính xác là gì. Bác sĩ có thể nghi ngờ một số yếu tố tác động, nhưng không thể đưa ra kết luận về nguyên nhân gây sảy thai.
Sảy thai nhiều lần có nguy hiểm và mang thai tiếp được không?
Việc sảy thai liên tiếp 2 lần là một điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng bởi vẫn có cơ hội mang thai và sinh con như bình thường. Cơ hội để trẻ chào đời khỏe mạnh sau khi mẹ sảy thai liên tiếp 2 lần vẫn có thể lên đến trên 70%.
Nu sảy thai liên tiếp 3 lần thì cơ hội để có một thai kỳ khỏe mạnh sẽ giảm xuống. Do đó, tốt nhất khi sảy thai từ lần đầu tiên thì nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, xác định nguyên nhân gây sảy thai là gì và có biện pháp điều trị, khắc phục, phòng ngừa sảy thai ở những lần mang thai tiếp theo. Bạn có thể được chỉ định xét nghiệm máu, xét nghiệm nhiễm sắc thể, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI),…
Mang thai sau sảy thai khi nào là tốt nhất để tránh sảy thai liên tiếp?
Sảy thai có thể gây ra cảm giác mất mát mãnh liệt. Bạn và người bạn đời của bạn cũng có thể cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc tội lỗi. Vì thế, nếu còn đang trong những cảm xúc tồi tệ, đừng cố gắng tiếp tục mang thai bởi trầm cảm, lo lắng, buồn bã,… đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi và làm tăng nguy cơ sảy thai.
Bên cạnh đó, không nên quan hệ tình dục sau sảy thai tối thiểu hai tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sau hai tuần đầu tiên, bạn có thể rụng trứng và có cơ hội mang thai lần nữa. Thế nhưng, hãy xem bạn đã thật sự sẵn sàng về sức khỏe hay chưa. Tốt nhất, nếu có ý định mang thai sau khi sảy thai, cần đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe tổng quát để được bác sĩ tư vấn.
Nếu muốn tránh sảy thai liên tiếp, bên cạnh việc xác định nguyên nhân sảy thai thì cũng đừng quên chuẩn bị sẵn sàng về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Nhìn chung, với phụ nữ từng bị sảy thai liên tiếp, có khoảng 77% cơ hội mang thai và sinh con nếu không có dấu hiệu bất thường và 71% cơ hội mang thai nếu có phát hiện bất thường nhưng được điều trị kịp thời. Do đó, không nên quá lo lắng bạn nhé!