Đối phó với việc bị sảy thai không chỉ ở việc kiểm soát nỗi đau ngay lập tức mà còn là hỗ trợ nhau vượt qua những cung bậc cảm xúc sau đó cũng như giữ sức khỏe để có thể có cơ hội mang thai sau này.
Những nguyên nhân có thể gây sảy thai
Có nhiều lý do khiến sảy thai có thể xảy ra, mặc dù nguyên nhân thường không được xác định.
Nếu sảy thai xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ (3 tháng đầu), nguyên nhân thường là do vấn đề ở thai nhi, đặc biệt là do vấn đề về nhiễm sắc thể của thai nhi.. Cứ 4 ca sảy thai thì có khoảng 3 ca xảy ra trong giai đoạn này.
Nếu sảy thai xảy ra sau ba tháng đầu của thai kỳ, nguyên nhân có thể là do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn của người mẹ.
Những lần sảy thai muộn này cũng có thể do nhiễm trùng xung quanh em bé, khiến túi nước vỡ trước khi có bất kỳ cơn đau hoặc chảy máu nào. Đôi khi chúng có thể do cổ tử cung mở quá sớm.
Các cặp đôi nên làm gì khi bị sảy thai?
Chia sẻ cảm xúc một cách cởi mở
Điều quan trọng khi bị sảy thai là cả hai bạn phải giao tiếp cảm xúc của mình trong thời gian khó khăn này. Việc cởi mở về cảm xúc của bạn có thể làm giảm cảm giác đau buồn và giúp hai bạn có thể hiểu hơn về cảm xúc của đối phương ngay lúc này.
Không chỉ vậy, việc cả hai cùng cởi mở chia sẻ cảm xúc của mình cũng giúp mỗi người cảm thấy được lắng nghe và hỗ trợ.
“Kỷ niệm” sự mất mát của bạn theo cách cá nhân
Tạo một buổi lễ cá nhân để tưởng nhớ sự mất mát của hai bạn có thể là một trải nghiệm chữa lành. Cho dù đó là trồng cây, thả bóng bay hay thắp nến, những hành động như vậy tượng trưng cho tình yêu và sự kết nối mà bạn có với em bé của mình.
Ngoài ra, việc này cũng có thể là bước đi sâu sắc để thừa nhận mất mát của bạn và bắt đầu chữa lành.
Cùng nhau tham gia một nhóm hỗ trợ
Tham gia nhóm hỗ trợ có thể kết nối hai bạn với những người khác đã trải qua những mất mát tương tự khi bị sảy thai. Chia sẻ câu chuyện của bạn và lắng nghe người khác có thể mang lại sự thoải mái và hiểu biết nhiều hơn về hành trình khó khăn này.
Viết thư cho em bé
Viết thư cho em bé chưa chào đời của bạn có thể là một hoạt động mang tính chất chữa lành. Việc viết thư cho phép hai bạn bày tỏ tình yêu, hy vọng, ước mơ và nỗi buồn mất mát của mình. Những lá thư này có thể là một cách riêng tư để kết nối với em bé của bạn và bày tỏ những cảm xúc có thể khó nói thành lời.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người thân yêu
Hãy tìm đến bạn bè và gia đình để được hỗ trợ về mặt tinh thần. Những người quan tâm đến bạn có thể mang đến sự thoải mái và giúp đỡ thiết thực khi hai bạn đối mặt với thời điểm khó khăn này.
Lên kế hoạch cho một ngày tưởng nhớ
Hãy dành một ngày để tưởng nhớ đứa con đã mất của bạn theo cách mà bạn cảm thấy phù hợp. Có thể là một ngày yên tĩnh ở nhà, đến một địa điểm có ý nghĩa hoặc làm điều gì đó kết nối bạn với đứa con của mình. Đây là ngày để suy ngẫm, chữa lành và tưởng nhớ đến con bạn.
Dành thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi
Hãy dành thời gian để thư giãn và chăm sóc bản thân. Tham gia các hoạt động giúp xoa dịu cho cả hai, chẳng hạn như đi spa, đọc sách hoặc nghe nhạc,…
Đặc biệt, cần lưu ý hãy lựa chọn những hoạt động mà cả hai bạn có thể đồng hành cùng nhau. Điều này có thể hỗ trợ đáng kể cho quá trình phục hồi cảm xúc sau khi bị sảy thai.
Chăm sóc sức khỏe đúng cách
Ông bà ta từng có câu: “Một lần sa bằng ba lần đẻ”. Bị sảy thai khiến cơ thể gặp phải những tổn thương nghiêm trọng.
Vì thế, nếu bạn muốn tiếp tục có con sau khi bị sảy thai, điều quan trọng chính là phải biết cách chăm sóc sức khỏe đúng cách. Trong thời gian sảy thai, hãy tránh các hoạt động thể chất mạnh và nâng vật nặng vì chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng về thể chất. Bạn cũng nên tránh xa rượu và các loại thuốc không kê đơn.
Đặc biệt, cả hai vợ chồng nên thăm khám bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, lên kế hoạch đảm bảo sức khỏe trước khi mang thai lần tiếp theo để tăng khả năng mang thai và tránh tối đa các rủi ro trong thai kỳ, đặc biệt là việc bị sảy thai liên tiếp.
Cùng nhau lên kế hoạch cho tương lai
Bị sảy thai có thể trở thành một cú sốc khiến bạn không còn muốn đề cập đến việc mang thai nữa. Tuy nhiên, khi đã sẵn sàng, hãy bắt đầu thảo luận về các kế hoạch tương lai của bạn, bao gồm bạn dự tính khi nào sẽ tiếp tục mang thai, bạn đã thấy sẵn sàng về điều đó hay chưa, thời điểm đã phù hợp hay không,…
Từ việc chia sẻ cảm xúc và tạo ra kỷ niệm đến tìm kiếm sự hỗ trợ và lập kế hoạch cho tương lai, mỗi bước đều là một bước tiến tới quá trình chữa lành sau khi bị sảy thai. Hy vọng rằng bạn và người bạn đời của mình có thể đối mặt và vượt qua điều không mong muốn này theo cách tốt nhất.