Đó là câu chuyện về cách tiết kiệm chi tiêu cho gia đình của chị Nguyễn Thu (27 tuổi). Nhân duyên đã đưa chị Thu và anh xã gặp nhau vào năm 2009, khi cả hai cùng làm trong một công ty may tại huyện Hóc Môn (TP.HCM). Khoảng thời gian ấy, lương của hai anh chị mỗi người chỉ được khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình họ đều là người dân gốc Bắc vào miền Nam lập nghiệp.
Với đồng lương “rẻ bèo” như thế, bên cạnh chi tiêu những thứ cần thiết cho cá nhân thì hàng tháng, cả anh và chị đều phải trích ra một khoản để phụ giúp gia đình. Nhưng rất may là họ sống cùng bố mẹ nên không phải tốn tiền thuê nhà trọ. Thường ngày, anh chị đều đi làm bằng xe đạp. Thời điểm ấy, chị Thu đã phải tiết kiệm cả gần một năm đi làm thì mới sở hữu trong tay chiếc điện thoại cục gạch, màn hình đen trắng, chỉ có thể nhắn tin, gọi điện và chơi game con rắn.
Lúc mới tán tỉnh, chồng chị Thu không có điện thoại nên mỗi ngày anh sẽ trích ra một khoản tiền nho nhỏ để mua vài viên kẹo cà phê sữa, rồi nhờ người chuyển cho chị. Khi đã chính thức quen nhau, những lúc đi chơi anh chị cũng không dám vào hàng quán vì sợ tốn kém. Họ chỉ mua một vài bịch bánh tráng hay bắp ngô nướng ngồi ăn, tâm sự cùng nhau ở công viên bên ngoài khu công nghiệp. Có hôm, hai đứa vừa ngồi nói chuyện vừa phải đập muỗi. Cuộc sống khốn khó là thế nhưng trái tim cả hai luôn hướng về nhau.
Vì nhà chồng lúc ấy còn nghèo, bố chị ra sức cấm cản, thậm chí còn không cho chị bước chân về nhà. Cuối cùng, chị đành gây sức ép bằng cách ra ngoài thuê trọ, rồi quyết định mang bầu trước để bố mẹ cho cưới. Trời không chịu đất thì đất chịu trời. Họ quyết định làm một đám cưới thật đơn giản, không cầu kỳ, hoa mỹ.
Tiết kiệm chi tiêu cho gia đình một cách hợp lý. (Ảnh minh họa)
Cưới nhau xong, anh chị không sống cùng nhà chồng vì nhà quá chật, chỉ vỏn vẹn 20m2. Hai vợ chồng tiếp tục thuê một phòng trọ hết 800.000 đồng/tháng. Chị Thu làm công nhân cố thêm một thời gian thì nghỉ sinh con. Lúc mới sinh con, chồng chị ngày cũng ăn mì ăn liền ba bữa để dành tiền mua thực phẩm cho hai mẹ con. Anh mua loại mì gần như rẻ nhất, bao bì là bằng giấy đen chứ không phải nylon in hình nhiều màu sắc.
Thật may mắn khi chị có nhiều sữa nên không tốn tiền nuôi con. Khi con được 4 tháng, bé đã khá cứng cáp, để tiết kiệm chi tiêu cho gia đình chị xin đi làm tạp vụ ở một trường mầm non, lương 1 triệu/tháng. Lúc này sữa ít dần đi nên buộc chị phải mua thêm sữa ngoài cho bé uống. Chị vẫn cố chắt bóp mua cho con sữa hộp sản xuất trong nước, mỗi tháng bé uống hết hai lon 900g, tốn khoảng 300.000 đồng.
Để tiết kiệm chi tiêu cho gia đình, chị bắt đầu đi mua quà bánh đem đến bán ở cổng trường cấp hai gần nhà mỗi lúc học sinh tan học, mỗi ngày cũng lãi được mấy chục nghìn. Buổi tối về nhà, chị còn nhận thêm hạt điều về lột vỏ, mỗi tháng cũng kiếm được gần 1 triệu đồng. Những lúc không đi làm, chồng chị cùng phụ với vợ ở nhà bóc hạt điều. Ngày ngày, tháng tháng thu nhập của hai vợ chồng dần tăng được tầm 7 triệu/tháng. Lúc khoản thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng tăng lên chút đỉnh, chị Thu vẫn cố để dành tiết kiệm khoảng 2 triệu mỗi tháng với ước mơ có thể mở một cửa hàng riêng. Sau bao năm tích góp, cuối cùng anh chị cũng mua được một chiếc xe máy cũ 4 triệu đồng.
Năm 2014, chị Thu nhận thấy trà sữa là một thức uống được giới trẻ yêu thích nên quyết định đầu tư kiếm lời. Thời điểm này, anh chị đã có được 40 triệu tiền tiết kiệm, trong khi sang nhượng quán hết 60 triệu, chị phải đi vay họ hàng mỗi người mấy triệu. Quán của anh chị nằm ngay cổng trường, bán giá cho học sinh chỉ 7-10.000 ly nhưng tỷ lệ lãi lên đến 50%. Ngoài ra, chị còn bán thêm các xiên que nướng. Buổi tối về nhà chị vẫn tranh thủ lột hạt điều. Quán đông khách, cần thêm người phục vụ nên chồng chị nghỉ làm ở công ty dệt may, về phụ việc cùng vợ.
Trong thời gian bán quán, chị được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, thấy các em học sinh chịu khó ăn diện, đi học mặc đồng phục thì bình thường nhưng đi chơi, đứa nào cũng tô son. Vậy là chị quyết định nhập son hand-made của một người quen về bán. Là người có duyên với kinh doanh nên chỉ sau ba tháng chị đã trả hết khoản vay lúc mở quán. Sau đó, chị sắm một chiếc xe tay ga 40 triệu để hai vợ chồng mỗi người có một xe máy để tiện đi lại. Dù vậy vợ chồng chị vẫn sống trong căn nhà trọ ngày trước, giờ giá thuê đã tăng lên 1,3 triệu/tháng.
Cuối năm 2015, một người họ hàng cần tiền nên muốn bán đất ở Củ Chi. Đã có ít tiền tiết kiệm, vợ chồng chị quyết định mua mảnh đất ấy với 130m2 giá 2 lượng vàng (khoảng 70 triệu).
Công việc kinh doanh bán mỹ phẩm hand-made có vẻ mang lại nhiều lợi nhuận cho chị, nên chị quyết định đi học nghề để có thể tự sản xuất, như vậy lãi sẽ cao hơn. Vợ chồng chị lại quyết định bán đất ở Củ Chi được 150 triệu vào tháng 4/2016, lấy tiền thuê mặt bằng mở nhà xưởng ở Hóc Môn. Chị phụ trách việc bán hàng, chồng phụ trách sản xuất, cả hai đều có những cộng sự là những bạn bè, người thân trong gia đình được học hành bài bản. Nhờ mạng lưới phân phối được mở rộng không ngừng, vợ chồng chị Thu làm ăn phát đạt nên đến đầu năm nay, cả hai đã mua được một mảnh đất 110m2 giá 2,7 tỷ trong một khu đô thị mới ở quận 12. Anh chị xây nhà 4 tầng, tổng chi phí đến khi dọn về nhà mới là hơn 5 tỷ. Họ cũng đã mua được một chiếc ô tô nhân dịp kỷ niệm ngày cưới. Bây giờ đã có tiền tỉ trong tay nhưng vợ chồng chị Thu xác định vẫn phải tiết kiệm vì những khoản mua sắm lớn nhất trong đời người đã hoàn thành. Anh chị dự định sẽ để dành tiền để đi học thêm, nâng cao tay nghề cũng như khả năng quản lý của mình.
Từ câu chuyện của mình, chị Thu chia sẻ thêm: “Đúng như các cụ vẫn nói “nghèo thì lâu, giàu chả mấy chốc”, nếu có quyết tâm, mọi người đều có thể làm giàu được”. Trước đây, khi mới bắt đầu đứng ra mở quán trà sữa, gia đình can ngăn rất nhiều, mọi người đều bảo chị học kém, không học đại học thì làm ăn được gì, chỉ nên đi làm thuê cho người ta thôi. Nhưng chị biết mình có niềm say mê kinh doanh rất lớn, chị sẽ không bỏ cuộc. Đặc biệt, khi vợ chồng cùng biết hỗ trợ, cùng biết tiết kiệm chi tiêu cho gia đình và san sẻ cho nhau thì sự thành công sẽ đến rất nhanh.