Mẹ và Con - Trong những ngày trời nóng bức như hiện nay, có một bát bún mọc dọc mùng để cả nhà cùng thưởng thức thì còn gì tuyệt hơn, đúng không nào? Vậy thì vào bếp ngay với Mẹ và Con thôi!

Chính nhờ vào sự đơn giản, dễ kiếm trong nguyên liệu mà món ăn này trở nên phổ biến từ Bắc vào Nam, từ các con phố quán ăn vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng. Giờ đây, bạn cũng có thể vào bếp để chế biến cho gia đình thưởng thức với công thức siêu nhanh chóng mà Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ dưới đây nhé!

Hướng dẫn cách nấu bún dọc mùng thơm ngon

Tuy đơn giản nhưng vì được xem là món thanh mát nên một nồi nước lèo ngon chuẩn cần giữ được độ trong, có thể ánh đỏ một chút đẹp mắt từ cà chua. Sườn ninh sôi rồi thì phải canh giảm lửa, mở nắp, liên tục hớt váng bọt

Gắp một cuộn bún kèm nước dùng đưa vào miệng, độ bùi của mọc của thịt sườn dậy lên ngay, giòn sật vui miệng của dọc mùng, húp chút nước ngọt thanh nhẹ tênh nữa thì “mùa hè” này dịu dàng hơn biết bao.

Chuẩn bị nguyên liệu (5 người ăn)

– Sườn heo: 500-700gram

– Dọc mùng: 3-4 cây

– Bún: 1 ký

– Cà chua: 2 quả nhỏ

– Sấu (nếu nhà bạn thích ăn chua hơn): 5 quả

– Thịt băm: 300-500gram

– Hành khô, hành lá, mộc nhĩ, nấm hương, rau mùi, gia vị: đường, tiêu, hạt nêm, nước mắm,…

bún mọc dọc mùng

Cách thực hiện bún mọc dọc mùng

Bước 1: Sơ chế sườn heo

Sườn chặt miếng vừa ăn (khoảng 2 lóng tay), rửa sạch bằng muối rồi cho vào chần nước sôi khoảng 3-5 phút. Khi chần không nên đậy nắp nồi lại vì để cặn bẩn và mùi hôi bay đi, vớt ra rửa sạch lại nước lạnh một lần nữa.

Bước 2: Băm nhỏ hoặc thái lát mỏng 2 củ hành tím, phi thơm cùng 2 muỗng cà phê nhỏ dầu ăn, cho sườn vào xào săn lại với lửa vừa. Tiếp đó, bạn cho vào 4 tô nước lọc, nêm gia vị muối, hạt nêm, 4 thìa nước mắm, sao cho hợp miệng rồi giữ lửa nhỏ ninh trong khoảng 40 phút. (Nếu bạn thích ăn vị chua nhiều thì cũng bỏ sấu vào nồi ở bước này nhé)

Bước 3: Cà chua chần qua nước sôi, lột vỏ, bỏ hạt, cắt múi cau, phi củ hành tím rồi cho cà chua vào đảo sơ, sau đó đổ vào nồi sườn đang ninh để màu nước dùng đẹp mắt.

Bước 4: Trong lúc đợi ninh sườn, chúng ta cùng làm mọc nào! Mộc nhĩ, nấm hương ngâm với nước muối ấm rồi rửa lại thật sạch, vắt ráo nước, tất cả băm nhỏ. Trộn thịt băm và mọc với hỗn hợp vừa băm, thêm gia vị muối, hạt nêm, tiêu…và xíu hành lá để mọc có đậm vị và dậy mùi thơm. Đeo bay tay bóp đều, để chờ thêm 5-10 phút cho gia vị thấm.

Bước 5: Sơ chế các nguyên liệu rau: dọc mùng cắt thành các đoạn ngắn, tước vỏ rồi ngâm vào thau nước muối để mất chất nhựa, vị đắng, khi ăn không bị ngứa. Hành lá, rau mùi cũng rửa sạch và cắt nhỏ để riêng (khi ăn sẽ cho lên trên tô bún).

Bước 6: Nấu nước sôi trụng bún, để riêng. Sườn đã mềm, viên từng viên mọc thả nhẹ nhàng vào nồi nước dùng (mọc nổi lên là chín). Ở bước này, vớt sấu ra sau khi đã mềm, dằm ra, cho lần lượt từng ít vào nồi nước và nêm nếm đến khi đạt độ chua vừa ý bạn.

Bước 7: Khi gần tắt bếp, bạn cho dọc mùng vào để sôi tầm 5 phút rồi tắt nhé!

Bước 8: Thưởng thức thôi nào! Lấy bún bỏ vào tô, múc sườn, mọc, dọc mùng, cà chua, rắc thêm ít hành lá và rau mùi lên trên rồi chan nước dùng vào. Thế là chúng ta đã hoàn thành món bún dọc mùng chuẩn vị Hà Thành, thơm ngon mát lành rồi đấy!

bún mọc dọc mùng

Những điều cần biết về dọc mùng

Dọc mùng còn gọi là bạc hà hay môn thơm… Loại thực phẩm này chứa các khoáng chất tốt như sắt, canxi, kali, photpho, magie…cùng nhiều dinh dưỡng. Đặc biệt bởi giàu chất xơ nên dọc mùng còn giúp thấm hút cholesterol, cản trở sự hấp thụ chất béo cholesterol trong đường ruột rất tốt.

Trong Đông y, dọc mùng có lành tính, vị nhạt, tính mát và mang công dụng thanh nhiệt. Vừa là loại rau có thể chế biến được đa dạng món ăn ngon, vừa là vị thuốc chưa được nhiều bệnh hiệu quả như: Chữa bệnh sởi ở trẻ em, phòng bệnh khó tiêu cảm cúm, dùng tốt cho người cao huyết áp, gút, đái tháo đường, béo phì….

Các chị em nội trợ cùng tham khảo cách chế biến dọc mùng giúp loại bỏ các tác nhân gây ngứa, dị ứng khi ăn nhé:

– Quan trọng nhất là làm sạch lớp vỏ, lột thật kỹ, đây chính là bộ phận dễ gây dị ứng của dọc mùng.

– Sau khi tước bỏ vỏ bên ngoài, cắt dọc mùng và rắc lên thân một ít muối, xoa đều và bóp nhẹ để nhựa, vị đắng và chất ngứa ra hết.

– Sau bước bóp muối cần ngâm rửa dọc mùng trong thau nước sạch vài lần, đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây dị ứng.

Lưu ý trong suốt quá trình sơ chế và chế biến dọc mùng, chị em mình nên dùng găng tay nylong để thực hiện nhé, đặc biệt ở bước bóp và vắt nước, nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc gây mẩn ngứa và kích ứng.

Trên đây là những chia sẻ về món bún mọc dọc mùng và thông tin về loại thực phẩm hữu ích này. Chúc bạn thực hiện thành công và cùng gia đình thưởng thức bữa ăn ngon miệng, giải nhiệt mùa hè nhé!

Bài viết liên quan