Mẹ&Con - Kết thúc 6 tháng nghỉ sinh, bạn chuẩn bị quay về với công việc cũ. Một thử thách không dễ dàng cho bạn, để bắt nhịp lại cũng như để yên tâm về đứa con còn quá bé bỏng ở nhà! Các cách phòng ngừa thoái hóa cột sống cho dân công sở 5 bí kíp đơn giản đánh bại nỗi lo mất dáng sau sinh Bí quyết giảm đau lưng cho bầu công sở

Vài mẹo nhỏ này sẽ hữu ích cho bạn, để làm tốt cùng lúc cả hai vai trò: Người phụ nữ của công việc và người mẹ ở nhà.  

1. Có sự chuẩn bị

Hình dung nhé, suốt 6 tháng trời bạn thức dậy vào lúc 7h30. Tự nhiên đùng một cái, kể từ ngày mai trở đi, bạn quay lại nhịp thức dậy lúc 6h và ra khỏi nhà lúc 6h30 để đi làm. Một thay đổi giờ giấc nhỏ xíu đó thôi, nếu không có sự chuẩn bị cho cơ thể kịp thích nghi cũng khiến bạn trở nên stress và buồn ngủ, uể oải và chán đi làm.

bi-quyet-giup-me-tro-lai-lam-viec-sau-ky-nghi-sinh

Sáu tháng nghỉ là một khoảng thời gian dài. Vì vậy, để bắt đầu một nhịp điệu mới, bạn cần giúp cơ thể của chính mình. Đừng để sát đến cột mốc cuối cùng mới cuống cuồng thay đổi. Ngay từ tháng thứ 4 hoặc thứ 5 được nghỉ sinh, bạn đã nên bắt đầu điều chỉnh từ từ, để chuyển tiếp về với nhịp điệu của một người mẹ công sở rồi.

Một số việc bạn có thể làm là tập dậy sớm (đúng giờ đi làm), mua sắm một số bộ trang phục công sở phù hợp với vóc dáng hiện tại của bạn, cắt tóc lại cho gọn gàng. Thậm chí, nếu có thể, hãy trao đổi với công ty để có thể vào công ty làm 1-2 buổi/tuần trong tháng nghỉ sinh cuối cùng để bắt nhịp dần trở lại với công việc.

2. Tập cho bé

Có rất nhiều thứ bạn cần tập cho bé, ví dụ tập cho bé xa mẹ vài tiếng đồng hồ mà vẫn yên tâm thay vì quấy khóc. Nếu bé đang bú sữa mẹ, hãy mua một chiếc máy vắt sữa và tập dần việc trữ sữa trong tủ lạnh, để bà nội hoặc bà ngoại giúp cho bé ăn sữa mẹ với cốc và thìa thay vì bú trực tiếp.

Một vài mẹo nhỏ là bạn đừng ôm ấp con quá nhiều từ tháng thứ ba của bé trở đi, vì sự quyến luyến càng nhiều, bé càng rất khó khăn với việc thích nghi “mẹ đi làm lại”. Tập cho con ngủ mà không cần có bạn, chịu ăn khi người khác đút, tăng thời gian bé “không thấy mẹ đâu” từ vài phút lên vài chục phút rồi vài tiếng đồng hồ.

3. Không vội đòi hỏi cao ở bản thân

Có thể trước khi nghỉ sinh, bạn ở một vị trí rất cao trong công ty. Song, sau 6 tháng, bạn quay trở lại và nhận ra vị trí của mình đã có người thay thế làm rất tốt. Họ năng động, tự tin y như bạn ngày xưa vậy. Trong khi đó, bạn lại cảm thấy như mình “lụt nghề”, vào các cuộc họp, bạn thấy mình nắm bắt kém hơn các vấn đề gần đây…

bi-quyet-giup-me-tro-lai-lam-viec-sau-ky-nghi-sinh

Những điều này dễ làm bạn stress, mặc cảm, cảm thấy sao mình tệ quá so với trước. Kỳ thực, ai cũng cần có ít nhất một tháng để thích nghi lại sau 6 tháng trời nghỉ hoàn toàn. Vì vậy đừng vội đòi hỏi cao quá ở bản thân mình. Hãy động viên mình rằng: Bạn đã hoàn thành vai trò sinh con, nuôi con 6 tháng đầu lòng rất xuất sắc, vậy thì một chút “chậm” này có đáng gì đâu. Nếu bạn thật sự nỗ lực, rất nhanh bạn sẽ lấy lại được vị trí của mình. Hoặc bạn cũng có thể chọn cách chuyển sự ưu tiên sang cho bé, chấp nhận lùi lại một chút trong sự nghiệp ở giai đoạn này, để có thể hoàn tất tốt cả hai nhiệm vụ.

4. Trao đổi với sếp

Sếp không phải là người hà khắc. Có thể sếp của bạn cũng từng là một người cha, một người mẹ và họ hoàn toàn hiểu những khó khăn bạn đang đối mặt. Vì vậy, đừng quên chia sẻ nghiêm túc với sếp về những khó khăn của bạn và những hướng bạn muốn đưa ra để giải quyết.

Ví dụ, khi bạn nói với sếp rằng bạn cần nghỉ giữa giờ khoảng 2-3 lần trong ngày, mỗi lần 20 phút để vắt sữa cho con (nhằm cố gắng duy trì nguồn sữa mẹ), bạn có thể đưa ra giải pháp bạn sẽ làm bù công việc như thế nào, hoặc chấp nhận giảm bớt mức lương ra sao…

Khi có sự bàn bạc, chia sẻ rất nghiêm túc và chân thành với sếp, bạn sẽ dễ được đánh giá cao, được thông cảm phần nào với những khó khăn và được có một chế độ làm việc với giờ giấc linh động hơn một chút. Thực tế, sếp sẽ không “làm khó” khi nhận ra bạn thật sự rất yêu công việc và rất nghiêm túc, mong muốn làm tốt nhất công việc của mình.

5. Hạn chế nói về con

Em bé giờ đây luôn là mối quan tâm hàng đầu của bạn. Đúng thế! Lúc nào bạn cũng nghĩ đến con, lúc nào bạn cũng muốn được tâm sự, chia sẻ với người khác về con. Thế nhưng, hãy lưu ý rằng ở nơi công sở, không phải ai cũng sẵn sàng nghe và háo hức dành thời gian để bạn kể về con hàng giờ liền không chán như thế. Kể chút ít thì được, song đừng khiến sếp và các đồng nghiệp của bạn nghĩ rằng bạn chẳng quan tâm đến cái gì khác ngoài con.

Hãy cố gắng hành xử một cách tế nhị và chuyên nghiệp: Chỉ nói ngắn gọn đến con khi có người khác hỏi thăm, thay vì bắt ngay lấy một câu hỏi xã giao và đứng… “tám” vài chục phút chuyện con bạn thế nào rồi, ở nhà bé đáng yêu ra sao. Giờ cơm trưa, chỉ nên xen đề tài về con bạn chút ít, còn lại vẫn nên dành “diễn đàn” cho các bạn đồng nghiệp khác chia sẻ những vấn đề mà họ quan tâm: Về thời trang, giải trí, công việc… Trên bàn làm việc bạn cũng chỉ nên để một tấm ảnh nhỏ của con, thay vì biến bàn làm việc thành nơi “triển lãm” đầy ắp những bức hình của bé.

bi-quyet-giup-me-tro-lai-lam-viec-sau-ky-nghi-sinh

6. Chú tâm vào công việc

Như đã nói, khi bạn đang có con nhỏ, chắc chắn sếp và đồng nghiệp sẽ dành cho bạn chút ít ưu ái như về sớm hơn, đi làm muộn hơn, được nghỉ một số buổi đưa bé đi chích ngừa, không phải gánh một lượng việc quá nhiều… Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn đừng ỷ lại vào những ưu ái này và hãy công bằng. Sếp trả lương cho bạn để bạn làm việc hiệu quả, chứ không phải để liên tục đưa ra các lý do về con để bê trễ, xao nhãng công việc. Đồng nghiệp sẽ không vui khi bạn đẩy gánh công việc sang cho họ, chỉ với lý do bạn có con nhỏ (chuyện mà họ cảm thấy họ chẳng liên quan).

Thay vì nghĩ “Mình nên được ưu tiên”, hãy chỉ sử dụng “quyền ưu tiên” những lúc thật sự cần. Còn lại, bạn nên chú tâm vào công việc, đòi hỏi cao ở chính mình và đừng gọi điện liên tục về nhà. Để làm tốt cả hai vai trò không dễ, song bạn có thể làm được, nếu giờ nào việc nấy và tránh ngồi ở công ty nhớ đến con, về nhà lại nhớ… việc ở nơi công sở.  

Tags:

Bài viết liên quan