Mẹ&Con - Mẹ&Con chưa bao giờ khuyến khích bạn… thiếu nợ hay vay tiền! Chắc chắn là như vậy. Nhưng rõ ràng, có khá nhiều thời điểm, bạn thiếu hụt một khoản tiền nhất định để làm một việc gì đó: Mua nhà, cho con đi du học, gia đình có người ốm đột xuất… Làm thế nào để vay không phải là chuyện dễ, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn! Đàn ông Việt giấu tiền ở đâu? 7 cách tiết kiệm tiền đi chợ Dạy con biết cách nhận biết giá trị đồng tiền

1. Nguyên tắc 1: Lý do vay cần thật rõ ràng!

Cho dù bạn vay người thân, vay bạn bè, vay công ty hay vay ngân hàng, thì nguyên tắc đầu tiên bạn cần thuộc lòng: Đó là hãy hết sức rõ ràng lý do vay, cho dù người cho vay có hỏi bạn hay không.

Lý do vay rõ ràng, nghiêm túc khiến bạn dễ nhận được câu trả lời đồng ý hơn (thay vì người ta sẽ tìm một “cớ” nào đó từ chối bạn). Thông thường, những lý do vay cho thấy bạn có kế hoạch dành dụm cụ thể, chỉ là cần đến một khoản nào đó trong thời gian tạm thời (mua nhà, còn thiếu một khoản nhỏ chẳng hạn) sẽ dễ được chấp nhận hơn.

Ngược lại, những lý do vay kiểu như: Không đủ tiền để mua sắm vài thứ gì đó khá xa xỉ (mua xe mới, đi du lịch), vay vì thiếu nợ người khác chưa trả kịp, vay vì chồng bạn chơi bài bạc, cá độ bị nợ nần… sẽ khó lòng được “thông cảm”.

Cần nhắc lại lần nữa là cho dù người ta có hỏi bạn lý do hay không, bạn cũng nên chủ động nói rõ và nói một cách trung thực (vì nếu bạn nói dối, người khác sẽ phát hiện ngay). Càng trung thực với lý do hỏi vay này, bạn càng dễ có được câu trả lời đồng ý.

bi-quyet-giup-me-de-vay-tien

2. Nguyên tắc 2: Có ngày trả và kế hoạch trả nợ!

Thực tế cho dù là người thân, cũng chẳng ai muốn cho bạn vay mượn nếu như bạn không hề biết ngày có thể trả nợ là… ngày nào, kế hoạch trả nợ ra sao. Bên cạnh lý do vay, thì kế hoạch trả nợ của bạn chính là cách thuyết phục để người khác tin tưởng. Chẳng hạn, bạn cần vay người thân/bạn bè 20 triệu đồng. Người muốn cho bạn vay sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu bạn chủ động cho biết: Mức lương của bạn hiện nay là bao nhiêu, bạn có thể để dành mỗi tháng để trả nợ bao nhiêu (ví dụ: mỗi tháng bạn dự tính trả 2 triệu và trả trong 10 tháng, cố định vào ngày đầu tháng…).  

Những chi tiết đó chứng tỏ bạn không phải là người cứ nhoay nhoáy vay mượn khắp nơi, vay xong chẳng có ý trả. Ngược lại, bạn rất rõ ràng, cụ thể, bạn biết mình nợ bao nhiêu tiền và có kế hoạch trả nợ ra sao.

3. Nguyên tắc 3: Giữ đúng lời hứa suốt quá trình vay!

Bạn tự hỏi, tại sao lúc bạn ngặt nghèo đi vay có một khoản bé xíu xiu mà vẫn không tìm được ở đâu một cái gật đầu đồng ý, trong khi đó có những người vay số tiền khá lớn mà vẫn rất dễ dàng? Câu trả lời, bên cạnh những yếu tố căn bản như lý do vay, kế hoạch trả nợ còn có “chữ tín”. Sẽ thật khó ai cho bạn vay, dù chỉ là một khoản tiền nhỏ nếu như trước đó họ đã phải nghe những lời đồn kiểu như: “Trời ơi, cho cô đó vay đi rồi mười năm chỉ nghe toàn… lời hứa hẹn!”.

Chữ tín của bạn rất quan trọng. Suốt quá trình vay, bạn nên cố gắng hết sức để giữ uy tín của mình. Chẳng hạn, khi bạn hẹn 1 tháng nữa trả, thì bằng mọi giá hãy cố gắng thực hiện điều này. Dù bạn vay ngân hàng hay vay của người thân, bạn bè thì công thức này đều đúng cả. Lịch sử trả nợ của bạn trong lần vay trước có thể ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định có cho bạn vay lần sau nữa hay không.

4. Nguyên tắc 4: Đừng để “lãi mẹ đẻ lãi con”!

Sẽ có những trường hợp bạn vay nhưng sau đó tình hình có nhiều biến động, nhiều phát sinh, dẫn đến bạn không thể trả nợ như dự tính ban đầu được nữa. Nhiều người khi rơi vào tình cảnh này bèn… vay tiếp nơi khác, để trả nợ nơi cũ. Cứ thế, mọi việc ngày một trở nên nghiêm trọng khi bạn mất khả năng chi trả nhưng lãi mẹ lại đẻ lãi con, khiến cho khoản tiền vay ngày một nhiều và ngày một xiết chặt đến không còn lối thoát.

Nguyên tắc cho bạn là khi bạn vay, luôn có phương án trả nợ rõ ràng. Nếu phương án này vì một lý do gì đó không thực hiện được, có những vấn đề bạn không lường trước phát sinh thì lập tức phải chọn những cách “cắt lỗ”, dù rằng cách đó có thể mang đến cho bạn những thiệt hại trong lúc này.

bi-quyet-giup-me-de-vay-tien

Chẳng hạn, khi bạn vay để mua một chiếc xe. Sau đó, đột nhiên bạn bị thất nghiệp, không thể có khả năng trả nợ nữa. Hãy sáng suốt chấp nhận bán xe trả nợ, dù có thể bạn sẽ thiệt không ít nhưng cái thiệt hại đó mang tính “dứt điểm”. Đừng cố để vay tiếp những khoản bên ngoài trả cho khoản vay ban đầu, vì nó không giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến bạn ngày càng nợ nần chồng chất, khả năng trả được nợ ngày một xa dần. Đến lúc đó có bán xe cũng chưa chắc bạn trả hết nợ nữa!

5. Nguyên tắc 5: Chỉ vay khi thật cần thiết!

Đây là nguyên tắc cuối cùng, song thật ra là nguyên tắc đầu tiên và xuyên suốt chuyện “vay mượn” này. Là một người tay hòm chìa khóa của gia đình, bạn hãy luôn nhớ rằng cần hạn chế đến mức tối đa có thể các khoản vay mượn.

Chẳng ai có thể tin cậy bạn nếu như “lịch sử vay mượn” của bạn kể 3 ngày 3 đêm không hết! Chẳng ai thoải mái để cho bạn vay khi mà họ biết rằng bạn hở một chút là vay, lúc nào cũng thích vay mượn, từ khoản nhỏ để mua chiếc áo đầm hay cái giỏ xách, đến khoản lớn như lúc đau ốm, mua xe, mua nhà…

Hãy để cho mình có một cuộc sống không vay mượn vì nó sẽ khiến bạn lúc nào cũng thư thái, thảnh thơi (dù thiếu thốn hơn người khác). Ngoài ra, chuyện bạn không hay vay mượn sẽ giúp bạn khi thật sự có việc cần. Như đã nói, nên xem vay mượn là việc chẳng-đặng-đừng mới làm, và chỉ vay khi có lý do thật chính đáng.

Thật thú vị nếu bạn biết rằng người có thể hỏi vay nhanh chóng và dễ dàng nhất khi cần chính là người rất ít khi vay mượn, chứ không phải người vay mượn “chuyên nghiệp”, đến mức ai thấy cũng hiểu ngay là bạn đến để… hỏi vay!!! 

Tags:

Bài viết liên quan