Mẹ&Con – Làm cách nào để giúp bé tăng cân khỏe mạnh luôn là câu hỏi nan giải của các bà mẹ. Những mẹo vặt sau đây sẽ giúp các mẹ thực hiện vấn đề này dễ dàng hơn.
Tìm hiểu nguyên nhân khiến con thiếu cân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ thiếu cân hay chậm tăng cân. Tùy vào mỗi trường hợp mà các mẹ có những cách giải quyết khác nhau, để giúp bé tăng cân khỏe mạnh hơn.
Trẻ em thường lười ăn. Tuy nhiên, nếu bé vẫn ăn uống đầy đủ nhưng không tăng cân thì có thể do cơ thể bé kém hấp thu. Ngoài ra, tình trạng bé gầy yếu, thấp còi cũng có thể là con đang ốm, bị rối loạn tiêu hóa kéo dài (như đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy…) hoặc gặp vấn đề tâm lý khiến bé không có hứng thú ăn uống.
Đa dạng và cân đối chế độ dinh dưỡng
Tốc độ tăng trưởng của trẻ có liên quan đến 4 yếu tố chính là di truyền, dinh dưỡng, vận động và giấc ngủ. Trong đó, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Không giống như di truyền, dinh dưỡng là yếu tố có thể thay đổi được để giúp bé tăng cân khỏe mạnh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong thực đơn hàng ngày của bé cần cân bằng và đầy đủ 4 nhóm chất: bột đường (các loại ngũ cốc và củ…), chất đạm (thịt, hải sản, trứng, sữa…), chất béo (dầu, mỡ, phô mai, quả bơ…), vitamin và khoáng chất (rau xanh, trái cây, hải sản, sữa…). Thế nhưng, nhiều bà mẹ thường mắc phải sai lầm là chỉ cho con ăn những món bé thích. Chế độ ăn thiếu chất kéo dài khiến con thiếu hụt vi chất và lỡ nhịp đà tăng trưởng.
Vì vậy, không cần cho con ăn quá nhiều, mẹ chỉ cần bổ sung đa dạng các loại thực phẩm cho bé để cân bằng dinh dưỡng giúp bé tăng cân khỏe mạnh, toàn diện. Tùy vào độ tuổi mà trẻ có những khẩu phần ăn phù hợp.
Cho con ăn vặt thông minh
Ăn vặt là sở trường của trẻ nhưng đồ ăn vặt mà trẻ yêu thích đa phần lại không có lợi cho sức khỏe. Hơn nữa, thói quen ăn vặt còn dễ ảnh hưởng đến những bữa ăn chính của trẻ. Do đó, mẹ cần chú ý cho con ăn vặt đúng cách để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.
Thay vì lựa chọn bánh ngọt, kẹo, nước ngọt hay thức ăn đóng hộp, mẹ có thể cho con ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng hơn như trái cây, nước ép củ quả, sữa chua, phô mai… Các món ăn giàu năng lượng nhưng kém dinh dưỡng không chỉ khiến con thiếu hụt dưỡng chất, mà còn để lại nhiều vấn đề sức khỏe như tiểu đường, tim mạch…
Bên cạnh đó, ăn vặt đúng thời điểm cũng rất quan trọng. Mẹ cần sắp xếp thời điểm ăn vặt của bé vào giữa những bữa ăn chính, tránh ăn vặt quá sát bữa ăn chính khiến con mất cảm giác ngon miệng. Tất nhiên, mẹ có thể chấp nhận ngoại lệ khi bữa ăn chính bị trì hoãn quá lâu, còn bé thì thật sự đang đói meo.
Tạo cơ hội để bé thường xuyên vận động
Thường xuyên vận động cơ thể cũng là cách giúp bé tăng cân khỏe mạnh. Thời điểm vận động phù hợp nhất là trước bữa ăn 30 – 60 phút. Các động tác chạy nhảy sẽ giúp bé đốt cháy nhiều năng lượng và có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều và hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Ngủ đủ giấc giúp bé tăng cân khỏe mạnh
Tùy theo độ tuổi mà trẻ có những khoảng thời gian ngủ trong ngày khác nhau. Nhìn chung, trẻ em cần ngủ đủ khoảng 10 giờ mỗi đêm để cơ thể tăng trưởng và phát triển ổn định. Bên cạnh đó, những giấc ngủ ngắn trong ngày cũng được khuyến khích để giúp bé tăng cân khỏe mạnh.
Đưa con đi khám dinh dưỡng
Khám dinh dưỡng là thói quen tiên tiến của các mẹ Tây. Thông qua thăm khám, các bác sĩ có thể cho mẹ biết bé đang mắc suy dinh dưỡng thể gì và đưa ra những hướng giải quyết đem lại hiệu quả. Bé có thể suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, hoặc còi xương thể bụ… mà mẹ không hay biết nếu không thăm khám.