Khi đi làm, sẽ có rất nhiều tình huống không như mong đợi xảy ra. Và một trong những chuyện khiến nhiều chị em đau đầu nhất chính là việc bị quấy rối nơi công sở.
Muôn hình vạn trạng kiểu quấy rối nơi công sở
Chị V, đã từng làm nhân viên văn phòng tại TP.HCM: “Hồi trước mình đi làm, công việc đầu tiên nên háo hức lắm. Nhưng thường xuyên phải tăng ca với đồng nghiệp nam, văn phòng còn mình và 2 người nam nữa và họ suốt ngày nói mình ở lại khuya vậy thì đừng về nhà nguy hiểm, về nhà họ ngủ đi.
Mình phản ứng thì họ bắt đầu gây khó dễ cho mình, vì họ là “ma cũ”, làm ở công ty đã lâu. Vì cũng là công việc đầu sau khi ra trường nên mình cố nhẫn nhịn thì họ làm tới, thỉnh thoảng còn đụng chạm mình. Đồng nghiệp khác thấy thì bảo mình là cố gắng dùng thân xác để được đồng nghiệp giúp đỡ chứ chẳng tốt lành gì.
Bị quấy rối nơi công sở nhưng người mang tiếng lại là mình, quá tủi nhục nên mình quyết định nghỉ làm văn phòng và về kinh doanh online luôn.”
Chị V không phải là người duy nhất từng bị quấy rối nơi công sở. Còn có nhiều trường hợp khác, chẳng hạn như câu chuyện của chị A.N khi ở công ty cũ: “Tôi là phụ nữ đã kết hôn, cũng sinh được 2 đứa con nhưng vẫn chăm tập thể dục nên thân hình tương đối gọn và săn chắc. Sếp tôi là nam.
Trong những buổi làm việc hay tụ tập với mọi người, sếp tôi hay trêu rằng thân hình này thì chắc chồng tôi thích lắm. Đã vậy còn có 2 đứa con rồi thì chắc kỹ năng trong “chuyện chăn gối” cũng cao. Hôm nào thử “chiều” sếp cho sếp trải nghiệm, biết đâu lại được tăng lương.”
Đồng nghiệp xung quanh ái ngại dùm tôi, nhưng vì đó là sếp nên chẳng ai lên tiếng. Tôi xấu hổ quá, nên xin nghỉ dù chỉ mới vào công ty được hơn 1 tháng.
Có thể thấy, chuyện bị quấy rối nơi công sở xảy ra ở khắp mọi nơi, với nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là những lời đùa giỡn, đề cập đến cơ thể của một người nào đó, bình luận về vóc dáng của họ, về chuyện tình dục, về những câu gạ gẫm về mối quan hệ của cả hai,…
Ngoài ra, quấy rối nơi công sở còn cụ thể hơn khi người quấy rối đụng chạm vào thân thể của người khác khi không được cho phép, có hành vi sàm sỡ, khiếm nhã,…
Cụ thể, hành vi quấy rối nơi công sở được định nghĩa theo Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Còn theo khoản 1 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng sau:
- Trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích liên quan đến công việc.
- Hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Làm gì nếu bị quấy rối nơi công sở ?
Phớt lờ
Ở mức độ quấy rối thông thường, chỉ nói chung chung về chuyện tình dục hoặc cơ thể của một người nào đó mà không chỉ đích danh bạn, bạn có thể phớt lờ và tập trung vào công việc của mình.
Không nên trả lời hay phản ứng với những lời như vậy vì đôi khi phục tiêu của người quấy rối đơn giản chỉ là thu hút sự chú ý và phản ứng của bạn mà thôi.
Kiên quyết từ chối
Nhiều người vì sợ ảnh hưởng đến công việc nên đã cố gắng để dĩ hòa vi quý hay thậm chí có hành động tiếp lời khi nghe những lời khiếm nhã, chịu đựng khi bị sàm sỡ.
Tuy nhiên, im lặng trong trường hợp này sẽ khiến “thủ phạm” tiếp diễn hành động của mình, thậm chí cho rằng bạn đang đồng ý với những hành vi quấy rối nơi công sở của người đó.
Do đó, nếu thấy sếp hay đồng nghiệp có những hành vi quấy rối, bạn nên thẳng thắng phản ứng và nói với họ rằng bạn không cho phép những hành động này xảy ra thêm một lần nào nữa.
Lưu lại bằng chứng
Bạn không thể tố giác hành vi quấy rối nơi công sở của một người chỉ bằng lời nói không có tính xác thực. Do đó, khi bị quấy rối, dù mất bình tĩnh đến đâu thì bạn cũng nên cố gắng để có thể lưu lại bằng chứng cụ thể.
Đó có thể là chụp màn hình những tin nhắn không chuẩn mực của đồng nghiệp, bật chế độ ghi âm khi trò chuyện với đồng nghiệp thường xuyên có hành vi khiếm nhã hay thậm chí nhờ một người đồng nghiệp khác cố gắng quay video nếu có thể,…
Tất cả sẽ được lưu lại để làm bằng chứng, tiện cho việc đối chiếu sau này trong trường hợp đồng nghiệp không nhận lỗi và cho rằng bạn đang vu khống cho họ.
Tìm đến sự trợ giúp của người xung quanh
Khi trở thành nạn nhân của hành vi quấy rối nơi công sở, bạn có thể chia sẻ cùng người thân hoặc những người đồng nghiệp mà bạn tin cậy để tìm kiếm sự hỗ trợ, chẳng hạn như không để bạn ở lại một mình trong văn phòng cùng người hay có hành vi quấy rối.
Báo cáo với cấp trên
Trong trường hợp bạn bị đồng nghiệp quấy rối nơi công sở liên tục dù bạn đã nhiều lần cảnh báo thì phải làm như thế nào? Hãy tìm đến những người có thẩm quyền cao hơn để có thể hỗ trợ bạn.
Có thể khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng hình thức gửi đơn, gửi email kèm theo những bằng chứng mà bạn thu thập được, nếu có xác minh từ những người xung quanh thì càng tốt.
Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, công ty hoặc doanh nghiệp cần phải giải quyết khiếu nại trong thời hạn không quá 30 ngày hoặc 45 ngày đối với vụ việc phức tạp, kể từ ngày thụ lý.
Người có hành vi quấy rối nơi công được tính là vi phạm kỷ luật lao động, và có thể bị kỷ luật tùy theo quy định, chẳng hạn như cách chức, kéo dài thời hạn tăng lương, bị trừ lương trong vòng 3-6 tháng,… Nếu người quấy rối có những hành vi nghiêm trọng thì có thể bị sa thải (theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động).
Tố cáo đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Nếu người quấy rối nơi công sở là cấp trên, người sử dụng lao động hoặc nếu vụ việc quấy rối có tính chất phức tạp, doanh nghiệp không thể giải quyết thì nên làm thế nào?
Bạn có thể gửi chứng cứ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để tố cáo hoặc gửi đơn trực tiếp đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để xử lý theo pháp luật.
Chấm dứt hợp đồng lao động
Việc tố cáo với cấp trên hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tuy có thể giúp người quấy rối chịu trách nhiệm về hành vi của mình nhưng vẫn gây mệt mỏi cho người bị quấy rối.
Do đó, bạn có thể cân nhắc chấm dứt hợp đồng lao động và tìm một công việc khác nếu cảm thấy sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng. Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.
Hành vi quấy rối nơi công sở vị xử phạt như thế nào?
Khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt với những người quấy rối đồng nghiệp tại nơi công sở như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sếp của bạn có thể bị phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Quấy rối tình dục nơi công sở có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- a) Phạm tội 02 lần trở lên;
- b) Đối với 02 người trở lên;
- c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
- e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- b) Làm nạn nhân tự sát.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Với quy định trên, nếu đồng nghiệp của bạn có những hành vi quấy rối nơi công sở nghiêm trọng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về “Tội làm nhục người khác”.
Để người quấy rối có thể chịu trách nhiệm về những hành động sai trái mà mình đã làm thì cần có bằng chứng về những hành động này cũng như cho thấy nạn nhân – tức là bản thân bạn cảm thấy vô cùng tủi nhục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.
Như vậy, bạn có thể khởi kiện, tố giác để yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hành vi quấy rối nơi công sở là một hành vi vi phạm cả về đạo đức và pháp luật. Nạn nhân không có lỗi. Vì thế, cứ hãy bình tĩnh và xử lý từng bước một nếu chẳng may trở thành nạn nhân của tình huống khó xử này, đừng sợ mất tình đồng nghiệp hay ảnh hưởng đến công việc mà im lặng, bởi lẽ bạn càng im lặng thì “thủ phạm” càng tấn công và bạn cũng chẳng thể yên tâm mà hoàn thành công việc, thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn.