Khó thở là triệu chứng phổ biến có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới khó thở và có thể được điều trị ngay tại nhà hoặc phải can thiệp y tế tùy mức độ bệnh. Vậy khi bị khó thở nên làm gì? Hãy tham khảo những thông tin trong bài chia sẻ dưới đây nhé!
Triệu chứng khó thở biểu hiện như thế nào?
Trung bình một người lớn khỏe mạnh sẽ hít vào và thở ra tối đa khoảng 20 lần trong 1 phút, chậm rãi và không cần gắng sức. Sau một buổi vận động, tần số thở sẽ tăng lên nhưng hầu như bạn không có cảm thấy bị hụt hơi.
Khó thở có thể là cấp tính (khó thở đột ngột) hoặc mãn tính (khó thở kéo dài). Khó thở cấp tính thường xuất hiện trong vòng vài phút hoặc vài giờ và có thể đi kèm theo các triệu chứng khác như sốt, phát ban hoặc ho. Việc biết được bạn đang rơi vào tình trạng khó thở nào cũng sẽ giúp bạn xác định rõ ràng hơn việc bị khó thở nên làm gì.
Khó thở mãn tính khiến bạn cảm thấy bị hụt hơi khi thực hiện các công việc hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ từ phòng này sang phòng khác hoặc đứng lên. Đôi khi, tình trạng khó thở trở nên tốt hoặc tồi tệ hơn với một số tư thế của cơ thể. Ví dụ, nằm thẳng gây khó thở ở những người mắc một số loại bệnh tim và phổi.
Khi bị khó thở, bạn có thể cảm thấy một số triệu chứng như:
- Hết hơi
- Thiếu không khí để thở, nghẹt thở
- Không thể hít thở sâu
- Tần số thở tăng lên
- Tức ngực
- Cảm thấy lâng lâng nếu không thể nhận đủ oxy vào phổi.
Theo dõi các triệu chứng của bạn giúp bác sĩ phát hiện được nguyên nhân gây khó thở và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Nguyên nhân gây khó thở
Bị khó thở nên làm gì? Để tìm được phương pháp điều trị thì trước tiên cần phải hiểu đâu là nguyên nhân gây khó thở. Ở 85% trường hợp, khó thở là do tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến tim hoặc phổi. Tim và phổi giúp vận chuyển O2 đi khắp cơ thể và loại bỏ CO2. Do đó, bệnh lý ảnh hưởng đến hoạt động của tim và phổi có thể ảnh hưởng đến sự hít thở của cơ thể.
Các tình trạng tiềm ẩn ảnh hưởng đến tim, phổi và có thể gây khó thở bao gồm:
- Bệnh lý về phổi như: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, ung thư phổi, thuyên tắc phổi, lao phổi hay viêm phổi…
- Bệnh lý tim mạch: suy tim, hở van tim, bệnh cơ tim giãn…
Một số nguyên nhân có thể gặp khác là:
- Thiếu máu: Khi bị thiếu máu, bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao và choáng váng
- Bệnh lý tuyến giáp: Cả cường giáp và suy giáp đều có thể gây khó thở
- Lo lắng và hoảng sợ
- Dị vật vô tình hít vào phổi
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Sốc phản vệ (một loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng)
- Yếu tố nguy cơ như béo phì, thừa cân, hút thuốc lá, tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm…
Khi bị khó thở nên làm gì ?
Bị khó thở nên làm gì thì còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Với những trường hợp là do hen suyễn thì nên sử dụng thuốc giãn phế quản khi xuất hiện đợt cấp. Hay do tràn dịch màng phổi, tuỳ thuộc vào lượng dịch mà bác sĩ có thể chỉ định dẫn lưu dịch giúp giảm khó thở.
Bên cạnh đó, nếu không phải do các bệnh lý tim và phổi gây ra mà bạn cũng biết rõ không phải là trường hợp cần cấp cứu y tế thì bạn có thể thử làm dịu cơn khó thở ngay tại nhà. Các phương pháp thở và thư giãn có thể hữu ích và mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc đấy.
Bài tập hít thở sâu
Khi bị khó thở nên làm gì? Trước hết hãy hít thở sâu bằng bụng để kiểm soát tình trạng khó thở với những hướng dẫn sau:
- Nằm xuống, đặt hai tay lên bụng
- Hít sâu vào qua đường mũi, căng bụng lên và để không khí dễ vào phổi hơn
- Giữ hơi thở kéo dài trong vài giây
- Thở ra từ từ qua đường miệng, làm rỗng phổi.
Bạn có thể thực hiện bài tâp này nhiều lần trong ngày hoặc khi lên cơn khó thở. Bài tập này đạt hiệu quả tốt nhất khi bạn thở chậm rãi và sâu hơn. Cũng có trường hợp dù thực hiện bài tập này nhưng vẫn khó thở.
Đó có thể là do thực hiện bài tập thở sâu không đúng cách, gây hại ngược lại. Nếu có thể, hãy thực hiện các bài tập này với sự trợ giúp của bác sĩ để giảm rủi ro có thể xảy ra.
Thở mím môi giúp giảm khó thở
Kỹ thuật thở mím môi giúp bạn nhanh chóng mở rộng đường thở để hít vào, thở ra dễ dàng và sâu hơn. Đồng thời kỹ thuật này cũng hỗ trợ loại bỏ những tác nhân, hay tình trạng không khí ứ cặn mắc kẹt trong phổi.
Đặc biệt khi bạn làm những công việc khó nhọc như nâng, vác vật nặng, leo cầu thang thì nên áp dụng kỹ thuật này. Các bước thực hiện bao gồm:
- Thư giãn, thả lỏng cơ vai và cổ
- Đặt một tay lên bụng
- Hít vào bằng đường mũi 2 nhịp, lúc này miệng vẫn đóng và người bệnh cảm thấy thành bụng hơi căng ra
- Mím môi (chúm môi) lại cho hơi thở từ từ thoát ra kẽ môi, bụng xẹp dần xuống.
Ngồi thả lỏng và hơi nhô người về phía trước
Khi bị khó thở nên làm gì? Đừng vận động thêm mà hãy ngồi xuống thả lỏng để cơ thể được thư giãn, từ đó việc hít thở dễ dàng hơn rất nhiều. Đây là cách đơn giản hỗ trợ điều trị khó thở tại nhà. Tư thế này thực hiện như sau:
- Ngồi trên ghế, lòng bàn chân đặt xuống sàn, ngực hơi chếch về phía trước một chút
- Nhẹ nhàng đặt cùi chỏ lên đầu gối hoặc 2 tay giữ lấy cằm
- Luôn giữ cho phần vai, cổ thả lỏng
Đứng dựa lưng vào tường
Bạn không biết khi bị khó thở nên làm gì, xử trí như thế nào? Hãy thử đứng dựa lưng vào tường. Cơ thể thư giãn và khai thông đường thở với tư thế đứng dựa lưng vào tường. Các bước thực hiện bao gồm:
- Đứng dựa lưng vào tường sao cho phần hông đặt sát tường
- Dang rộng 2 chân, thả lỏng 2 tay trên đùi
- Thả lỏng vai, vai hơi nhô về phía trước, 2 cánh tay buông lỏng ở phía trước
- Đứng chống tay lên bàn
- Đứng hơi nghiêng người về phía trước, 2 tay chống lên bàn hay bất kỳ vật đứng trụ nào thấp hơn vai
- Thả lỏng 2 vai và cổ, nhẹ nhàng hít vào và thở ra
Uống cà phê
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng đối với những bệnh nhân hen suyễn, trong tình trạng khẩn cấp có thể uống cà phê, dùng 1 lượng caffeine để làm giãn các cơ trong đường thở tới 4 giờ. Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống sẽ giúp tình trạng sức khỏe được cải thiện tốt hơn.
Bằng việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, các chất gây dị ứng, nguồn ô nhiễm trong không khí là bạn có thể hỗ trợ điều trị khó thở và giảm thiểu nguy cơ lên cơn hen đáng kể.
Điều quan trọng là bạn được chẩn đoán hen suyễn, đừng quên mang theo bình xịt giãn phế quản mỗi ngày để hỗ trợ đường thở. Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng các thiết bị điều trị hen suyễn tại nhà như máy xông mũi họng. Thiết bị này đưa thuốc trực tiếp vào vùng cần điều trị, do đó giúp cắt giảm các cơn hen suyễn một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Nằm ở tư thế thoải mái
Trong khi ngủ, bạn cũng có thể cảm thấy khó thở khiến bản thân thức giấc nhiều lần, làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Việc nằm ngủ ở tư thế thoải mái sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc điều trị khó thở.
- Tư thế 1: Nằm nghiêng một bên, với một chiếc gối kẹp giữa 2 chân, kê đầu cao lên bằng 1 hoặc nhiều chiếc gối sao cho bạn cảm thấy thoải mái nhất, đồng thời giữ lưng thẳng
- Tư thế 2: Nằm ngửa, thẳng lưng, kê cao đầu bằng 1 hoặc 2 chiếc gối (tùy), đồng thời đặt thêm 1 chiếc gối ở dưới 2 đầu gối.
Vậy khi bị khó thở nên làm gì? Nếu biết rõ bản thân không mắc các bệnh về tim phổi thì bạn có thể thử các phương pháp điều trị tại nhà với các bài tập thở, tư thế nhất định. Còn nếu lo lắng về tình trạng khó thở hoặc không biết nguyên nhân thì để chắc chắn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời nhé!