Bẻ khớp ngón tay giống như một “cơn nghiện”, tức bẻ một lần thì những lần sau bạn tự động sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần, tạo thành thói quen. Có rất nhiều lời “đồn thổi” tiêu cực xung quanh thói quen này, bạn đã biết và “đề phòng” những căn bệnh xảy ra do bẻ khớp ngón tay chưa?
Cấu tạo của khớp xương: Thông thường, mỗi khớp xương đều được cấu tạo bởi 2 mặt khớp và bao phủ bởi bao khớp cùng hệ thống dây chằng. Hệ thống dây chẳng này có tác dụng bó và giữ vững các khớp.
Khi bạn bẻ khớp ngón tay, đồng nghĩa với việc các khớp bị co giãn đột ngột nên sẽ tạo ra tiếng kêu. Nếu quá ngưỡng giãn, tức bẻ tay bằng một lực quá mạnh dây chằng rất dễ bị giãn ra và rách. Căn bệnh viêm khớp cũng từ đây mà ra.
Bẻ khớp ngón tay tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa)
Bẻ khớp ngón tay dần trở thành thói quen, liên tục trong một thời gian dài còn dẫn tới hao mòn mặt khớp, thoái hóa và viêm mặt sụn khớp. Khi các vi chấn thương tích tụ nhiều lần trên một ổ khớp, lâu dần sẽ gây ra tình trạng hao hụt chất sụn.
Sụn là một chất giòn, đóng vai trò như lớp đệm giữa hai đầu xương và có tác dụng giảm ma sát khi hai đầu xương trượt lên nhau. Tuy chỉ chiếm 2% trong khớp, nhưng sự hiện diện rất quan trọng. Sụn giúp chúng ta vận động, đi lại một cách dễ dàng.
Một khi sụn bị hao mòn, chúng sẽ không có khả năng phục hồi. Càng bẻ khớp ngón tay nhiều, sụn càng bị bào mòn dẫn tới thoái hóa. Nguy hiểm hơn, khi sụn bị bào mòn thì gai xương sẽ mọc ra, khiến ngón tay to và thô hơn. Không chỉ dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ, thói quen này còn khiến các ngón tay sưng và đau đớn, theo thời gian bạn sẽ dần mất đi cảm giác chắc chắn khi cầm nắm đồ vật.
Những người bẻ xương khớp ngày trẻ, về già dễ bị đau nhức xương khớp hơn. (Ảnh minh họa)
Về già, người thường xuyên bẻ khớp ngón tay có khả năng cao bị đau nhức xương khớp hơn những người thông thường. Nhất là những ngày trái gió trở trời, mọi căn bệnh xương khớp đều khiến người già mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng đến thể chất cũng như tinh thần.
Bẻ khớp ngón tay tuy chỉ là hành động đơn giản, nhưng lại gây ra nhiều tác hại nguy hiểm đối với con người. Bạn có thể không nhìn thấy bệnh tật ngay trước mắt, nhưng càng về lâu thì nguy cơ mà bạn ghánh chịu hậu quả càng tăng lên theo cấp số nhân. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì thế, bạn nên từ bỏ những thói quen không tốt ngay từ lúc này.