Mẹ&Con – Vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, nhất là với thị giác. Thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có thể kể đến triệu chứng quáng gà và mù lòa. 6 sự thật quan trọng về sữa mẹ và vitamin D 6 chất để bé phát triển một cách toàn diện mẹ nên bổ sung cho trẻ 5 cách tốt cho dinh dưỡng của trẻ

Bé dưới 5 tuổi rất dễ thiếu vitamin A

Bé dễ mù lòa do thiếu hụt vitamin A 

Ảnh minh họa.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 250.000 – 500.000 trẻ em bị mù lòa do thiếu vitamin A và một nửa trong số đó đã tử vong. Tại Việt Nam, theo ước tính của Viện Dinh dưỡng thì vẫn còn 14% số trẻ em trong độ tuổi dưới 5 bị thiếu hụt vitamin A, tập trung nhiều nhất là ở Tây Nguyên và Bắc Trung bộ.

Dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi, cơ thể trẻ phát triển rất nhanh chóng, nhưng lại dễ bị nhiễm trùng nên nhu cầu vitamin A thường tăng cao. Nếu chế độ ăn uống hàng ngày không đáp ứng được nhu cầu vitamin A, bé sẽ thiếu hụt loại vi chất này trầm trọng. Đây là nguyên nhân dẫn đến mắt bị tổn thương với các biểu hiện như khô giác mạc, loét nhuyễn giác mạc (giác mạc mỏng đi sau đó viêm loét, hoại tử) dẫn đến mù vĩnh viễn.

Thông thường, ngay trong các phòng sinh, người mẹ đã được bác sĩ cho uống một liều vitamin A cao để bổ sung vitamin A cho bé thông qua nguồn sữa mẹ ngay sau khi chào đời. Do đó, việc cho con bú ngay sau khi sinh là điều vô cùng cần thiết để bé nhận được một lượng vitamin A vừa đủ cho cơ thể.

Tầm quan trọng của vitamin A với mắt

Vitamin A đóng vai trò quan trọng, tham gia vào nhiều chức năng của cơ thể, trong đó có thị giác. Cụ thể, vitamin A có chức năng tạo sắc tố võng mạc giúp mắt nhìn thấy được trong điều kiện ánh sáng yếu. Thiếu vitamin A sẽ làm giảm khả năng mắt nhìn vào những thời điểm trời sắp tối, còn gọi là quáng gà. Quáng gà nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến mù lòa. Thêm vào đó, vitamin A còn cần thiết trong hoạt động bảo vệ biểu mô giác mạc mắt, làm tăng tiết chất nhầy và ức chế sự sừng hóa giúp mắt không bị khô.

Nguyên nhân gây thiếu vitamin A

Trẻ em thiếu vitamin A chủ yếu do hai nguyên nhân:

Nguyên nhân nguyên phát: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn và dự trữ chủ yếu trong gan. Thiếu vitamin A có thể xảy ra do ăn uống thực phẩm nghèo vitamin A và tiền vitamin A (Beta caroten), thậm chí ngay cả nơi dự trữ chúng cũng hết.

Nguyên nhân thứ phát: Thiếu vitamin A còn do hoạt động chuyển hóa Beta carotene thành vitamin A không bình thường. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt loại vi chất này còn do cơ thể bị giảm khả năng dung nạp, tích trữ và vận chuyển vitamin A trong cơ thể. Bé mắc các bệnh lý về nhiễm khuẩn, ký sinh trùng (sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp và nhiễm giun nặng, nhất là nhiễm giun đũa) cũng gây thiếu hụt vitamin A.

Biểu hiện của thiếu vitamin A

Biểu hiện của thiếu vitamin A 

Ảnh minh họa.

Quáng gà: Biểu hiện sớm nhất của trẻ thiếu vitamin A là xuất hiện các dấu hiệu của bệnh quáng gà. Theo đó, vào lúc trời chập choạng tối, bé bị quáng gà sẽ trở nên nhút nhát, không dám đi lại hay chạy đùa. Khi đi lại, bé sẽ gặp khó khăn hơn, thường phải đi lần theo tường, có khi va vấp, té ngã do đụng phải các đồ vật trong nhà. Bé không biết tìm nhặt đồ chơi và thường xúc trượt thức ăn trong lúc ăn.

Khô kết mạc (hay khô lòng trắng mắt): Nếu cơ thể có đủ vitamin A, lòng trắng mắt của bé sẽ ướt đều, bóng láng và trong suốt. Ngược lại, nếu mắt của bé bị khô do thiếu vitamin A, lòng trắng sẽ khô sần, không có độ ướt bóng. Lâu dần, lòng trắng mắt của bé sẽ chuyển thành màu vàng nhạt hay xám nhạt, nhăn nheo. Bên cạnh đó, trong lòng trắng của mắt bé còn xuất hiện những vệt trắng bóng như bọt xà phòng. Lúc này, bé sẽ có biểu hiện sợ ánh sáng, hay cụp mắt xuống, chớp mắt hoặc nhắm tịt mắt lại khi ra ngoài sáng.

Khô nhuyễn giác mạc (khô lòng đen): Với bé khỏe mạnh, lòng đen mắt sẽ nhẵn bóng, ướt đều và đen nhánh. Khi bị khô mắt, chúng sẽ trở nên mờ đục, sần sùi như làn sương phủ vào tấm kính. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, lòng đen mắt sẽ bị loét ra gây tổn thương nghiêm trọng cho mắt như mù vĩnh viễn, thậm chí phải khoét bỏ mắt do nhiễm trùng.

Khi phát hiện bé có các biểu hiệu thiếu vitamin A trên đây, mẹ nên đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để khám và uống bổ sung vitamin A liều lượng thích hợp, kịp thời để phòng tránh mù lòa.

Phòng tránh thiếu vitamin A

Bổ sung đầy đủ thực phẩm có chứa vitamin A hoặc tiền vitamin A như gan động vật, trứng, cá, các củ quả có màu (cà rốt, cà chua, đu đủ chín, xoài…) và các loại rau có màu xanh sẫm (rau ngót, rau diếp, rau muống, rau cải, rau mồng tơi, rau dền, rau đay, rau lang…) vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Đây là một giải pháp an toàn và lâu dài giúp phòng tránh tình trạng thiếu hụt vitamin A cho cơ thể.

Ngoài trẻ em, các bà mẹ mang thai và cho con bú cũng là đối tượng cần cung cấp đầy đủ vitamin A cho cơ thể. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên uống bổ sung vitamin A vì dễ gây dư thừa dẫn đến sinh con dị dạng bẩm sinh. Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, vì đây là nguồn bổ sung vitamin A tốt nhất. Bé từ 6 tháng tuổi trở lên, bên cạnh nguồn vitamin A trong sữa mẹ, cũng cần được bổ sung thêm vitamin A từ thức ăn và chú ý thêm dầu ăn vào bữa ăn để cơ thể bé dễ dàng hấp thụ loại vi chất tan trong dầu này. Ngoài ra, các bé từ 6 tháng tuổi trở lên cũng nên cho đi uống bổ sung vitamin A liều cao định kỳ (6 tháng/lần theo lịch của cơ quan y tế).

Tags:

Bài viết liên quan