Mẹ&Con -Đó không phải là lớp học bình thường. Trong lớp học ấy, học viên là những… bà bầu và cả những ông bố tương lai. Cũng ghi chép, cũng kiểm tra, cũng thực hành. Quan trọng hơn hết là sau những buổi học quan trọng ấy, các bà mẹ trẻ có thể trang bị cho mình những kiến thức như thở làm sao, rặn… đẻ làm sao, chăm sóc bé yêu của mình làm sao trong những tuần lễ đầu đời.

Ba bau di hoc de
(Ảnh minh họa)

Tham gia lớp học tiền sản – Tại sao không?

Không như trước kia, các bà các mẹ thường quan niệm sinh nở là việc… trải qua rồi sẽ có kinh nghiệm, tự khắc biết, hầu hết các bà mẹ trẻ hiện nay đều mong muốn trang bị cho mình kiến thức nhiều nhất có thể về quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc bé. Những lớp học tiền sản ra đời chính là nhằm đáp ứng mong muốn này.

Các lớp học tiền sản thường không kéo dài và mật độ “đi học” rất nhẹ nhàng: Cứ cách vài tuần mới có một buổi học, nên không làm căng thẳng hay ảnh hưởng đến sức khỏe của “bà bầu”. Nội dung chính của lớp học tiền sản thường tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất là các buổi giới thiệu về 9 tháng thai kỳ, những điều cần lưu ý để giúp thai nhi khỏe mạnh. Ví dụ như ăn gì, kiêng cữ gì, tập luyện thể dục ra sao…

Thứ hai, bao gồm các buổi học về đề tài xoay quanh kỹ thuật sinh nở. Ví dụ như cách kiểm soát tâm lý, cách thư giãn, cách rặn, thở… Đây là các buổi học thường được những bà mẹ mang thai lần đầu hết sức quan tâm. Nhóm thứ ba, bao gồm các buổi học về kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh, dinh dưỡng cho bé, cách tắm bé, cách chăm sóc rốn, dỗ bé ngủ…

Ngoài ra, tùy theo chương trình riêng của mình, một số lớp học tiền sản còn dành ra những buổi để hướng dẫn các động tác thể dục trong quá trình mang thai hoặc lấy lại vóc dáng sau khi sinh. Hay có thêm các buổi bổ sung để hướng dẫn ông bố trẻ tương lai cách động viên, hỗ trợ vợ trong quá trình chuẩn bị sinh, cách “hiểu” và “chiều” tâm lý bà bầu, cách chăm sóc bé, cách quấn tã, tắm bé…

Được gì từ những lớp học tiền sản?

Ba bau hoc de

Lớp học tiền sản

Cái được lớn nhất và quan trọng nhất là vợ chồng bạn cùng trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, hữu ích cho suốt quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc bé yêu. Bạn sẽ cảm thấy “quen thuộc” và đỡ sợ hơn, nhất là khi mang thai và sinh con lần đầu. Tại các lớp học này, bạn cũng được “cô giáo” (là các bác sĩ, nữ hộ sinh đầy kinh nghiệm) trang bị cho những bước chuẩn bị tâm lý để kiểm soát tốt tình hình suốt quá trình vượt cạn đầy gian khó. Ví dụ như bạn sẽ được xem các đoạn băng video mô tả một cách khoa học từng bước trong quá trình sinh nở, được hướng dẫn kỹ thuật thở và thư giãn.

Tất cả những buổi học này khiến bạn thấy tự tin hơn và không quá “bỡ ngỡ” trước những khó khăn trước mắt. Tình cảm của vợ chồng bạn cũng gắn kết chặt chẽ hơn khi cảm giác mình có thể chia sẻ lẫn nhau hết mọi băn khoăn lo lắng. Bạn cũng sẽ cảm thấy “hiểu” hơn bé yêu trước khi bé chào đời.

Thời gian tốt nhất để bạn tham gia các lớp học tiền sản là khi mang thai từ tháng thứ tư trở đi. Lúc này, bạn đã qua giai đoạn ốm nghén và mệt mỏi thường xuyên, đã quen thuộc dần với đứa con trong bụng và có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho quá trình nuôi con sắp tới. Với một số lớp học chuyên về cách rặn đẻ, cách thở trong quá trình vượt cạn… bạn nên tham gia vào khoảng tháng thứ bảy để không bị “quên”, có thể nhớ nhiều sau đó.

Để chọn lớp học tiền sản phù hợp, bạn nên chọn lớp có các bác sĩ, nữ hộ sinh uy tín đứng lớp. Nên chọn học lớp không quá đông để bạn có nhiều cơ hội trao đổi, hỏi han và lúc thực hành được “cô giáo” chỉ dẫn cặn kẽ hơn. Ở các lớp học quá đông (thường do nhãn hàng tổ chức) chỉ có thể… nghe là chính. Vì vậy, bạn cứ đến dự các buổi hội thảo này nếu thích nhưng vẫn nên đăng ký cho mình một lớp học tiền sản riêng và chuyên, thiên về thực hành.

Tình cảm vợ chồng sẽ được gắn kết hơn nếu cùng tham gia lớp học tiền sản.

Vác bụng bầu đi học đi này…

6 giờ buổi học bắt đầu. Các mẹ ai nấy hớn hở bước vào lớp.

“Cô giáo” – bác sĩ Phương nói say sưa, truyền cho những kinh nghiệm chăm sóc bé sơ sinh. Không khí lớp học rất là yêu nhé: Các bà vợ chỉ việc ngồi nghe, đủng đỉnh gác chân lên ghế (sợ chân xuống máu bị phù). Các ông chồng thì hì hục ghi ghi chép chép những điều cô giáo nói lại.

Tốc độ cô nói chóng cả mặt nhưng chắc các bố cũng quen kinh nghiệm ôn thi đại học ngày xưa rồi nên ai nấy chép lia lịa, cấm có hỏi lại cô câu nào. Kiểu này phải rút kinh nghiệm, buổi sau mang theo cái máy ghi âm ghi cho chính xác vậy, khỏi phải viết nhiều.

Cô giáo có cách truyền đạt rất hay nhé. Vừa đặt tình huống, vừa đặt câu hỏi, vừa cho tranh luận, phản đối ầm ĩ. Nhưng rốt cuộc thì mẹ nào cũng thấm rất nhanh và nhớ rất sâu những kiến thức cô truyền đạt. 15 phút cuối cô cho các mẹ đi tập tắm bé. Ôi trời, phần hay thế. Anh xã chở về mà vẫn còn rối rít hỏi: “Ơ, tắm bé thì phải thế… phải thế… hả em?”.

 Địa chỉ một số lớp học tiền sản tổ chức thường xuyên

* Bệnh viện Từ Dũ: 284 Cống Quỳnh, Quận 1

* Bệnh viện Hùng Vương: 128 Hùng Vương, Quận 5

* Bệnh viện Đại học Y Dược: nằm cạnh bệnh viện Từ Dũ cổng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1.

* Bệnh viện Phụ sản An Đông: 83 An Dương Vương, Quận 5

„Ngoài ra, bạn có thể theo dõi lịch từ các nhãn sữa. Hầu như nhãn sữa nào cũng tổ chức các buổi học tiền sản (thường là 1 buổi) tập trung một chuyên đề cần thiết nào đấy cho bà mẹ mang thai.

Tags:

Bài viết liên quan