Khi ăn đồ ngọt, một nhóm vi khuẩn có hại sẽ sản sinh ra axit trong miệng và bào mòn khoáng chất của men răng, gây ra các bệnh về răng miệng. Trẻ nhỏ là đối tượng đặc biệt thích bánh kẹo, đồ ngọt nói chung, do đó càng dễ mắc phải các vấn đề về răng miệng do tiêu thụ đường. Dưới đây là 3 bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ nhỏ mà bố mẹ nên thường xuyên chú ý để chăm sóc và bảo vệ cho bé. Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay bạn nhé!
3 loại bệnh răng miệng trẻ em thường mắc phải
Sâu răng sữa
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng răng sữa chỉ là răng tạm thời nên chủ quan và không chăm sóc kỹ lưỡng. Thực tế, dưới mỗi răng sữa đều có mầm của răng vĩnh viễn đang chờ sẵn. Do đó, nếu răng bị sâu sẽ khiến nướu và mầm răng bị tổn thương và ăn mòn. Thêm vào đó, răng sữa còn có vai trò “giữ chỗ” cho răng vĩnh viễn mọc lên đẹp, thẳng và đều. Vậy nên, nếu sâu răng sữa và mất răng quá sớm thì khả năng bé bị sún, răng mọc không đều là rất cao.
Khi thấy răng bé có điểm trắng đục hoặc vàng nâu thì hãy đưa con tới gặp nha sĩ. Nếu đúng là lỗ sâu răng thì các nha sĩ sẽ thực hiện trám răng. Nếu bé than đau răng thì rất có thể đó là dấu hiệu răng đã bị sâu tới lớp ngà và cần can thiệp nha khoa sâu hơn như xử lý nội nha chẳng hạn.
Viêm nướu
Viêm nướu cũng là một bệnh răng miệng thường gặp ở trẻ nhỏ. Do hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, răng sữa yếu nên vi khuẩn gây viêm nướu dễ tấn công. Nếu tình trạng viêm nướu răng không được điều trị sớm thì răng của bé có thể bị lung lay, gây ra những bệnh răng nghiêm trọng hơn như viêm răng, viêm lợi.
Trẻ bị viêm nướu răng thường xuất hiện các vết loét nhỏ (1-5mm), màu xám hoặc hơi vàng ở giữa hoặc đỏ xung quanh mép. Trẻ cũng có thể bị lở loét trên nướu, trong má, sau miệng hoặc trên amidan, lưỡi… Vì vết loét có thể rất đau nên trẻ thường bị chảy nước dãi nhiều, không muốn ăn uống và trở nên cáu kỉnh. Nhiều bé còn bị sốt cao, sưng hạch và hôi miệng. Khi trẻ có những triệu chứng kể trên, đừng chủ quan tự chữa mà hãy đưa con tới gặp các bác sĩ chuyên khoa nhé!
Răng vĩnh viễn mọc chậm
Khi trẻ rụng răng sữa từ 6 tháng đến 1 năm mà vẫn chưa mọc răng trở lại, bố mẹ nên lưu ý tới vấn đề này vì rất có thể bé đang gặp phải những vấn đề về răng miệng. Chậm mọc răng là một loại bệnh răng miệng do răng mọc lạc chỗ, chấn thương lúc té hoặc răng mọc ngầm đã chặn hướng mọc của răng vĩnh viễn. Ngoài ra nếu trẻ bị viêm lợi, nhiễm khuẩn khoang miệng thì các vi khuẩn, nấm ngứa sẽ phát triển khiến răng không mọc được. Trẻ mọc chậm răng do nhiễm khuẩn khoang miệng thì miệng sẽ có mùi hôi, đau và quấy khóc.
Bí quyết chăm sóc răng miệng cho con bạn cần biết!
- Bố mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con vệ sinh răng miệng. Đặc biệt thật nhẹ nhàng khi chải phần lợi của răng đã rụng để tránh nhiễm trùng. Thay bàn chải định kỳ 3 tháng và để chắc chắn nên súc miệng lại với nước muối sau mỗi lần đánh răng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần bổ sung các loại dinh dưỡng, canxi để nuôi răng và thúc đẩy việc mọc lên.
- Để phòng tránh viêm nướu cũng như các bệnh răng miệng ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần lưu ý vệ sinh răng miệng cho con ngay từ khi còn bú sữa bằng cách rơ sữa, lau răng với nước ấm, nước muối sinh lý. Khi gặp các vấn đề về răng miệng, viêm nướu thì không nên cho con ăn chung đũa muỗng với mình vì sẽ truyền vi khuẩn sang cho bé. Định kỳ đưa trẻ đi khám nha khoa 2-3 lần/năm để phát hiện kịp thời khi bị viêm nướu.
- Để bé không bị sâu răng sữa, bố mẹ nên quan tâm tới việc đánh răng của trẻ nhỏ. Hãy bắt đầu làm sạch lợi và răng cho bé bằng nước ấm hoặc muối sinh lý ngay từ lúc còn bú sữa để tạo thói quen cho con. Sau đó, khi 3 tuổi hãy bắt đầu để bé làm quen với thuốc đánh răng nhé!
Trên đây là những bệnh răng miệng mà trẻ nhỏ thường hay gặp phải do ăn nhiều đồ ngọt. Bố mẹ không nên quá chủ quan, lơ là vấn đề răng miệng bởi vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con. Đồng thời, Mẹ&Con nhắc bạn hãy kiểm soát, hướng dẫn và tạo thói quen vệ sinh răng miệng từ nhỏ cho bé nhé!