Mẹ&Con – Sau nhiều ca ngộ độc băng phiến (long não) trong nước và trên thế giới, năm 2008 ở Việt Nam bắt đầu cấm sử dụng hóa chất này. Tuy nhiên, cho đến nay băng phiến vẫn còn được sử dụng rộng rãi và dấy lên nhiều nỗi lo ngộ độc trong cộng đồng. Nghịch điện thoại khi đang sạc pin bé trai 5 tuổi tử vong Bảo vệ con trước hóa chất độc hại 10 lưu ý hữu ích giúp bạn "thoát" ngộ độc thực phẩm

Băng phiến vẫn được bán tràn lan

Băng phiến, kẻ thù của trẻ nhỏ và thai phụ 7

Băng phiến thường được các mẹ dùng bỏ trong tủ quần áo để đuổi côn trùng (Ảnh minh họa)

Viên băng phiến hay còn gọi là long não thường được dùng để diệt gián, đuổi chuột, đuổi kiến, mối mọt, khử mùi… Băng phiến có tính thăng hoa, có khả năng chuyển từ thể rắn sang thể khí mà không cần phải trải qua giai đoạn trung gian.

Một cách sử dụng băng phiến hoàn toàn sai lầm mà nhiều người vẫn hay mắc phải chính là dùng nó như chất tạo khử mùi hôi và đặt ở bất cứ nơi nào trong nhà hay văn phòng. Vào năm 2008, Bộ Y tế đã có quyết định cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Thế nhưng hiện nay tại các siêu thị, chợ và cửa hàng tạp hóa viên băng phiến vẫn được bày bán công khai.

Độc tính của băng phiến

Băng phiến chứa một hàm lượng “khủng” p-dichlorobenzene và naphthalene. Hóa chất này được điều chế từ than đá hoặc từ quá trình tinh chế dầu hỏa. Chúng gây kích thích ruột, ảnh hưởng đến não, phá hủy tế bào máu, gây đục thủy tinh thể và tổn thương phổi, thận. Chỉ cần nuốt một hoặc hai viên (khoảng 1 gam) đã đủ để phá hủy tế bào máu, nuốt từ 4 – 8 viên sẽ tổn thương hệ thần kinh, thậm chí là tử vong.

Triệu chứng trẻ bị ngộ độc băng phiến

– Bé chậm lớn, biếng ăn, thiếu máu, vàng da, xanh xao.

– Bé mệt mỏi, lơ mơ, cử chỉ không linh hoạt.

– Buồn nôn, tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp.

Các trường hợp ngộ độc băng phiến

Trong thực tế, đã từng xảy ra rất nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc băng phiến, một phần là do bố mẹ phát hiện muộn dẫn đến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Trên thế giới

Băng phiến, kẻ thù của trẻ nhỏ và thai phụ 8

Bé gái 8 tháng tuổi bị thiểu năng trí tuệ do thói quen dùng băng phiến để đuổi gián của mẹ.

Gần đây nhất là trường hợp một bé gái 8 tháng tuổi người Trung Quốc bị hội chứng tan máu cấp tính do ngộ độc băng phiến. Hồng cầu trong cơ thể của bé bị phá vỡ quá nhanh khiến bé bị vàng da, thiếu máu não, phản ứng chậm chạp. Nguy hiểm hơn, khi não bộ của bé bị ảnh hưởng gây ra tình trạng thiểu năng, giống như người bị bệnh down bẩm sinh.

Cũng tại Trung Quốc để điều trị chứng chốc đầu, ông ngoại của một bé gái đã tán nhỏ viên băng phiến rồi ủ trên đầu vài tuần khiến bé bị ngộ độc nặng, suýt mất mạng vì sự thiếu hiểu biết này.

Một trường hợp khác ở Bắc Kinh, trong lúc chơi đùa ở nhà, một bé trai đã nuốt nhầm băng phiến. Sau đó bé được người thân phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên bảo toàn được tính mạng.

Tại Quảng Châu, chị Vương mang thai được gần 10 tuần bỗng dưng ngất xỉu. Nguyên nhân là do chị hít phải băng phiến trong thời gian dài dẫn đến ngộ độc. Rất may được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng tới tính mạng của chị và thai nhi.

Ở Việt Nam

Tại Việt Nam, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã ghi nhận trường hợp bé 2 tuổi nhập viện do ngộ độc băng phiến. Bé bị tiêu chảy và điều trị tại bệnh viện 6 ngày. Được biết trước đó bé đã lấy vài viên băng phiến trong tủ quần áo chơi rồi ăn.

Cách xử lý tại nhà

Băng phiến, kẻ thù của trẻ nhỏ và thai phụ 9

Hình dáng băng phiến giống viên kẹo nên khiến trẻ dễ bị nhầm lẫn. (Ảnh minh họa)

Khi phát hiện trẻ ngộ độc do hít hoặc nuốt phải băng phiến, bố mẹ nên xử lý theo các bước sau:

Bước 1: Đưa trẻ ra chỗ thoáng mát để tránh hít thêm hơi băng phiến.

Bước 2: Nếu trẻ ngộ độc do nuốt băng phiến, nhanh chóng rửa sạch miệng, môi, da, tay chân bằng nước. Sau đó, đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý: Tuyệt đối không cho bé uống thêm sữa hoặc ăn thức ăn chứa nhiều chất béo, vì sẽ làm cơ thể hấp thụ độc tố trong băng phiến nhanh hơn.

Biện pháp phòng ngừa

Băng phiến, kẻ thù của trẻ nhỏ và thai phụ 10

Để băng phiến xa tầm với của trẻ. (Ảnh minh họa)

– Hạn chế sử dụng băng phiến. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải dùng, bạn hãy đặt nó vào trong hộp kín, khi mở tủ nên thao tác nhanh gọn, bịt kín khẩu trang để tránh hít phải hơi độc.

– Sau khi lấy quần áo từ trong tủ ra, mẹ nên phơi ngoài nắng hoặc giặt thêm một lần để bay hết mùi rồi hãy mặc cho trẻ.

– Tuyệt đối không được dùng băng phiến với mục đích tẩy mùi trong phòng hay trong nhà vệ sinh, những nơi không thoáng khí.

– Khi sử dụng băng phiến, cần lưu ý để xa tầm với của trẻ để tránh trẻ ăn nhầm.

– Tuy băng phiến không gây hại đặc biệt nghiêm trọng đến người lớn, nhưng với phụ nữ mang thai cần hết sức hạn chế tiếp xúc. Bởi lẽ, cả mẹ và thai nhi có thể bị ảnh hưởng nếu hít phải băng phiến trong thời gian dài, thậm chí dẫn đến sảy thai.

– Khi phát hiện một số biểu hiện nghi ngờ ngộ độc băng phiến như vàng da, buồn nôn, tiêu chảy, phản ứng chậm, tiểu sậm màu… mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Tags:

Bài viết liên quan