Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao cuộc sống luôn không ưu ái mình? Đâu là nguyên nhân thực sự đằng sau những cảm giác tự thấy mình luôn ở thế bị động? Có thể tâm lý nạn nhân đã trở thành một phần trong cuộc sống của bạn...

Mỗi người chúng ta đều có lúc chúng ta cảm thấy mình như là một nạn nhân của cuộc sống, bị đặt vào một tình huống mà mình không mong muốn và cảm thấy bất lực trước những thách thức. Tuy nhiên, liệu đó chỉ là một cảm giác thoáng qua hay bạn thực sự đang mắc kẹt trong tâm lý nạn nhân, luôn thấy mình bị thế giới này đối xử không công bằng?

Tâm lý nạn nhân là gì?

Tâm lý nạn nhân còn gọi là tâm lý “victim mentality”, là một thuật ngữ mô tả một người luôn cảm thấy mình là nạn nhân của các hoàn cảnh, sự kiện, hay hành động của người khác, dù có thực sự bị tổn thương hay không. Những người này thường cảm thấy mình không có quyền lực hoặc khả năng kiểm soát cuộc sống của mình và thường đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh cho những khó khăn hoặc vấn đề mình gặp phải.

tư duy nạn nhân

Những đặc điểm ở người có tâm lý nạn nhân

Những người có tâm lý nạn nhân thường có những đặc điểm như:

Cảm giác bất lực

Người có tâm lý nạn nhân thường cảm thấy rằng họ không có quyền lực hoặc không có đủ ảnh hưởng đối với cuộc sống của mình. Họ thấy mình không thể thay đổi hoặc cải thiện tình hình tồi tệ dù rằng bản thân họ có mong muốn được cải thiện điều đó. Đây chính là tâm lý bất lực thường gặp ở những người luôn trong tâm lý nạn nhân, nghĩ rằng mọi thứ đang chống đối lại mình.

Và chính cảm giác bất lực này sẽ dẫn đến sự thụ động và thiếu động lực để thay đổi hoặc đối mặt với khó khăn. Nếu bạn đang có cảm giác này, bạn sẽ dễ dàng buông xuôi vì cho rằng, có cố gắng cách mấy đi nữa thì cũng không thể thay đổi bất cứ điều gì.

Trốn tránh trách nhiệm

Người có tâm lý nạn nhân thường không nhận trách nhiệm cho hành động, quyết định hay sự kiện trong cuộc sống của họ. Thay vào đó, họ thường đổ lỗi cho người khác, môi trường, hoặc các yếu tố xung quanh,…  Thay vì học hỏi từ lỗi lầm, họ tìm kiếm lý do bên ngoài để biện minh cho tình trạng của mình.

Bạn có thể thấy những người có tâm lý nạn nhân thường biện minh cho việc trốn tránh trách nhiệm bằng cách nói rằng “mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ”, họ không cố tình làm như vậy hoặc không đủ khả năng để kiểm soát được tình huống.

Tâm lý nạn nhân là gì

Tìm kiếm sự chú ý và đồng cảm

Một biểu hiện thường gặp ở những người có tâm lý nạn nhân chính là họ thường xuyên tìm kiếm sự chú ý từ mọi người. Họ muốn người khác thấy mình là nạn nhân và cần sự chú ý hoặc đồng cảm từ mọi người xung quanh. Càng có nhiều người đồng cảm, an ủi, chia sẻ thì những người này càng cảm thấy dễ chịu và họ có thể phản ứng bằng cách “kể khổ” nhiều hơn, chứng tỏ với mọi người xung quanh rằng mình thật sự là “nạn nhân” như thế nào.

Vì thế, những người này có thể thường xuyên chia sẻ những khó khăn của mình, không để tìm giải pháp, mà để thu hút sự chú ý. Sự đồng cảm từ người khác giúp họ cảm thấy được công nhận và giữ vững tư duy nạn nhân của mình.

Có nhiều phản ứng tiêu cực

Khi gặp khó khăn hoặc thách thức, những người có tâm lý nạn nhân thường có xu hướng phản ứng một cách tiêu cực, thường là bằng cách than phiền, tỏ ra thất vọng hoặc tuyệt vọng. Họ ít khi tìm kiếm giải pháp tích cực hay tập trung vào việc giải quyết mà chỉ có những phản ứng với chuyện khó khăn đang diễn ra.

biểu hiện của tâm lý nạn nhân

Cảm giác bị thiệt thòi

Một dấu hiệu nữa để nhận biết người có tâm lý nạn nhân chính là thường cảm thấy mình bị đối xử không công bằng hoặc thiệt thòi hơn người khác. Những người này thường so sánh mình với người khác và cảm thấy mình luôn ở phía dưới, bị thiên vị.  Điều này khiến họ cảm thấy tức giận, thất vọng và cảm thấy mình không được đánh giá đúng mức.

Nên làm gì nếu chẳng may có tâm lý nạn nhân?

Đối mặt và vượt qua tâm lý nạn nhân đòi hỏi ý thức và sự hỗ trợ. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn thay đổi tâm lý nếu bạn đang trải qua tình trạng này:

  • Nhận biết và chấp nhận cảm xúc của mình: Để thay đổi tư duy nạn nhân, trước tiên bạn cần nhận biết và chấp nhận rằng bạn đang mắc phải tư duy này. Điều này không dễ dàng, nhưng là bước quan trọng để thay đổi tâm lý của bạn.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ: Tâm lý nạn nhân thường xuất phát từ những kinh nghiệm quá khứ hoặc việc bị sang chấn tâm lý, có những tổn thương do bị đối xử không công bằng, trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống,… Đôi khi, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn hiểu và vượt qua những cảm xúc tiêu cực này.
  • Tập trung vào những điều bạn có thể kiểm soát: Thay vì lo lắng về những điều ngoài tầm với của bạn, hãy tập trung vào những hành động và quyết định mà bạn có thể kiểm soát và ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
  • Phát triển tư duy tích cực: Khi bạn cảm thấy mình rơi vào cảm xúc của một người đang có tâm lý nạn nhân, hãy dừng lại và hỏi bản thân những câu hỏi như: “Có cách nào khác để nhìn nhận vấn đề này không?” hoặc “Tôi có thể học được gì từ tình huống này?”
  • Xác định và đặt ra mục tiêu: Đặt ra mục tiêu và có những hành động cụ thể sẽ giúp bạn có sự lạc quan và cảm giác kiểm soát cuộc sống của chính mình tốt hơn. Bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống này hoàn toàn là do bạn chứ không phải là do một ai khác đang tác động lên cuộc sống của bạn.
  • Chấp nhận trách nhiệm cho cuộc sống của bạn: Điều này không có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm cho mọi điều xảy ra với bạn, nhưng bạn có trách nhiệm về cách bạn phản ứng và đối diện với những tình huống đó.

Việc vượt qua tâm lý nạn nhân có thể là một thách thức lớn và khó khăn. Tuy nhiên, với sự ý thức, nghị lực và sự hỗ trợ từ những người xung quanh, bạn có thể thay đổi quan điểm và cách đối diện với cuộc sống của mình. Hãy lạc quan và nhìn nhận đúng vấn đề bạn nhé.

Bài viết liên quan