Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và an toàn. Để duy trì chất lượng, giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ, đặc biệt khi các mẹ đã hết thời gian nghỉ thai sản, cần tuân thủ một số quy tắc bảo bảo sữa mẹ khoa học. Dưới đây là cách bảo quản sữa mẹ cũng như rã đông khi cần được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị để đảm bảo trọn vẹn nguồn dinh dưỡng quý báu này.
Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?
Trong sữa mẹ có khá nhiều đường, gồm cả dạng đường đơn và đường đôi. Đường có trong sữa mẹ giúp trẻ dễ hấp thụ hơn nhưng vì dễ lên men nên sữa mẹ cũng nhanh bị biến chất khi để ngoài môi trường.
Bên cạnh đó, đạm gồm đa dạng các loại acid amin cũng có nhiều trong sữa mẹ. Loại đạm này khá dễ hấp thu và phù hợp với cơ thể trẻ. Song đây cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi phát triển nếu không bảo quản sữa mẹ đúng cách. Sữa mẹ để ngoài môi trường quá lâu có nguy cơ bị biến chất, mất chất, nếu bé uống vào có thể bị tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
WHO, UNICEF, Viện Dinh Dưỡng quốc gia Việt Nam khuyến cáo rằng sữa mẹ vắt xong có thể giữ được 6 tiếng trong nhiệt độ khoảng 25 độ C. Tốt nhất, nếu có tủ lạnh thì nên lưu trữ trong ngăn mát hoặc trữ đông để dùng dần.
Dụng cụ bảo quản sữa mẹ
Cách bảo quản sữa mẹ tốt nhất phụ thuộc nhiều vào việc bạn chọn dụng cụ trữ sữa. Dưới đây là 2 vật dụng phổ biến dùng để trữ sữa mẹ cho bé. Cụ thể gồm:
Bình trữ sữa
- Dùng bình nhựa hoặc thủy tinh có nắp đậy để trữ sữa. Tuy nhiên, bình thủy tinh thường tốt hơn bình nhựa.
- Rửa sạch bình bằng dung dịch vệ sinh bình sữa và nước ấm, để khô trước khi sử dụng.
- Bạn không nên đổ sữa quá đầy mà hãy để lại một khoảng trống.
Lưu ý: Bình nhựa có thể bị biến dạng khi sữa bị đóng băng nên rất dễ vỡ. Chai thủy tinh cũng có thể bị vỡ nếu không được sử dụng đúng cách do đó bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sản phẩm trước khi dùng.
Túi trữ sữa
- Hiện nay có rất nhiều túi trữ sữa chuyên dụng được bán trên thị trường.
- Cách trữ sữa: Cho lượng sữa theo quy định của size túi để trữ, ép hết không khí ra ngoài. Lưu ý, bạn đừng đổ sữa vào túi quá đầy vì sữa là chất lỏng nên khi đông lại sẽ giãn nở.
- Để túi trong tủ đá nơi nhiệt độ luôn duy trì ở mức dưới âm độ.
- Chọn túi trữ sữa của thương hiệu uy tín để tránh tình trạng túi bị nứt, rách khi đông lạnh khiến sữa bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, một số chất dẻo có trong các loại túi kém chất lượng còn có thể phá hủy các chất dinh dưỡng trong sữa.
Cách bảo quản và sử dụng sữa mẹ sau khi vắt ra
Mặc dù bạn có thể lựa chọn bảo quản sữa mẹ trong nhiệt độ phòng theo khuyến cáo, nhưng tốt nhất vẫn nên để trong tủ lạnh để đảm bảo chất lượng sữa không bị biến đổi khi có biến động về nhiệt độ hay thời gian lưu trữ. Dưới đây là những cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra, để bảo đảm độ tinh khiết và an toàn nguồn sữa mẹ cho bé để bạn có thể nuôi con bằng sữa mẹ:
Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh
Để bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Sữa mẹ sau khi vắt ra nên đổ ngay vào túi bảo quản sữa mẹ chuyên dụng. Sau đó, dán nhãn bên ngoài túi trữ sữa, ghi ngày, giờ vắt, ghi tên của bé (nếu bạn gửi bé đi nhà trẻ).
- Chia sữa thành các túi nhỏ với dung tích từ 80 – 120 ml để giảm thiểu thời gian làm lạnh, tránh lãng phí, khi rã đông thì sữa tan nhanh hơn.
- Có thể bảo quản sữa lên đến 48 giờ trong tủ lạnh hoặc làm lạnh nhanh trong 30 phút và trữ đông ngay sau đó.
- Sữa sẽ tinh khiết ở trạng thái đông. Với cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh cửa đơn, sữa có thể trữ trong vòng từ 1 – 2 tuần, khoảng ba tháng khi trữ trong tủ lạnh hai cửa có phun sương, sáu tháng khi trữ trong loại tủ luôn duy trì nhiệt độ bảo quản sữa mẹ ở mức -18° C.
Rã đông và hâm nóng giúp bảo quản sữa mẹ
- Tuân thủ nguyên tắc vào trước, ra trước (first in, first out): Luôn rã đông trước bình sữa có ngày vắt lâu nhất ghi trên nhãn vì theo thời gian chất lượng sữa mẹ có thể giảm;
- Cách rã đông sữa mẹ: Để bình sữa trong tủ lạnh qua đêm, nếu cần rã đông nhanh thì đặt vào chậu chứa nước ấm hoặc dưới vòi nước ấm đang chảy;
- Không rã đông hoặc làm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng: Nhiệt độ cao và vi sóng có thể phá hủy các chất dinh dưỡng, enzyme và kháng thể miễn dịch của sữa mẹ, ngoài ra còn làm bỏng miệng bé do các phần nóng lạnh không đều;
- Sử dụng sữa mẹ trong vòng 24 giờ sau khi rã đông trong tủ lạnh: Thời gian được tính kể từ khi sữa đã tan hoàn toàn, không phải bắt đầu từ lúc bình sữa được lấy ra khỏi tủ trữ sữa;
- Khi sữa mẹ rã đông trở về nhiệt độ phòng hoặc được làm ấm sau thời gian lưu trữ, nên sử dụng trong vòng 2 giờ.
- Không trữ đông sữa mẹ lần nữa sau khi đã rã đông.
- Ngoài ra, sau thời gian bảo quản sữa mẹ trong tủ trữ sữa có thể xuất hiện hiện tượng phân tách lớp, nên lắc nhẹ bình sữa để trộn đều chất kem béo.
- Nếu bé không bú hết bình sữa, phần còn dư lại vẫn có thể được sử dụng trong vòng 2 giờ tiếp theo, sau thời gian này thì nên loại bỏ.
- Kiểm tra nhiệt độ của sữa mẹ trước khi cho bé bú bằng cách nhỏ vài giọt lên cổ tay. Độ ấm thích hợp là tương đương với thân nhiệt cơ thể.
Cách bảo quản sữa mẹ khi không có tủ lạnh
Nếu nhà bạn không có tủ lạnh hoặc tủ đông hay bị cúp điện đột ngột trong thời gian dài, để bảo quản sữa mẹ sau khi vắt, bạn nên rót vào túi trữ sữa và xếp bào thùng cách nhiệt cùng đá viên.
Lượng sữa đổ vào túi nên theo quy định về size túi. Không nên đổ vượt mức hay quá đầy vì sữa mẹ sẽ nở ra khi đóng băng. Điều này có thể khiến túi bị rách hoặc bung miệng khiến sữa mẹ bị nhiễm khuẩn và tràn ra khi rã đông.
Mùi vị của sữa mẹ có thay đổi gì sau khi bảo quản?
Chọn cách bảo quản sữa mẹ đúng giúp bảo đảm chất lượng và mùi vị của sữa. Tuy nhiên, không ít trường hợp dù được bảo quản đúng theo hướng dẫn nhưng sữa mẹ vẫn bị biến đổi về mùi vị. Điều này được lý giải là do chế độ ăn của mẹ, thuốc men, sữa tiếp xúc với nhiệt độ không phù hợp hoặc do mẹ hút thuốc lá.
Thông thường, sữa sau khi rã đông sẽ có mùi nặng hơn sữa mới vắt dùng liền hay sữa để ngăn mát. Men lipase trong sữa mẹ phân hủy chất béo thành các axit béo.
Khi bé bú trực tiếp, quá trình này thường xảy ra sau khi sữa vào hệ tiêu hóa của bé, mục đích giúp hỗ trợ bé tiêu hóa tốt sữa mẹ. Điều này hoàn toàn không có hại gì với các bé, nhưng có một số bé sẽ từ chối không uống sữa này do không uống quen vị.
Nếu sữa chỉ có mùi nhẹ nhưng bé vẫn không chịu uống, mẹ có thể dùng cách khử mùi sữa trước khi trữ đông. Đun sữa mới hút với lửa nhỏ tới khi hơi sôi lăn tăn thì tắt bếp, để nguội rồi cấp đông. Cách này giúp giảm mùi rõ rệt nhưng khiến sữa mất đi một số kháng thể. Ngoài ra, một số mẹ bỉm dùng cách trộn sữa mới với sữa cấp đông để con quen mùi. Làm như vậy thì bé sẽ không từ chối sữa cấp đông khi mẹ vắng nhà. Tuy nhiên, chỉ nên dùng tới đâu trộn tới đó, không trộn sẵn nhé!
Vì chế độ ăn của mẹ mỗi bữa khác nhau nên cũng ảnh hưởng tới mùi vị sữa. Do vậy, hãy kiểm tra mùi vị sữa trước khi để vào tủ đông. Để từ 1 – 2 túi sữa đông lạnh và thời gian bảo quản sữa mẹ là khoảng 5 ngày. Sau đó, bạn hãy kiểm tra mùi vị và xem bé có uống được hay không. Nếu trước khi rã đông mà sữa đã có mùi, bạn hãy bỏ đi.
Trên đây là những chia sẻ về cách bảo quản và rã đông sữa mẹ để đảm bảo chất lượng sữa. Bảo quản sữa mẹ đúng cách giúp các mẹ bỉm yên tâm bé vẫn đủ dưỡng chất dù vắng nhà. Nhưng mẹ cũng đừng quên lưu ý về chế độ ăn mỗi ngày để “sữa thơm” nhé!