Mẹ&Con - Bệnh Whitmore là một căn bệnh lây nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Bởi lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa tìm ra vắc-xin cho căn bệnh này!

Trong khi chưa tìm ra được vắc-xin ngừa Covid-19 thì tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung lại xuất hiện một căn bệnh khác: bệnh Whitmore. Trong những ngày này, số người mắc bệnh có dấu hiệu tăng cao. Hãy cùng Mẹ&Con tìm hiểu về căn bệnh này cũng như các cách phòng chữa bệnh theo khuyến cao từ các chuyên gia hàng đầu hiện nay bạn nhé!

căn bệnh vi khuẩn ăn thịt người whitmore

Bệnh Whitmore là gì? 

Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể lây cho cả người lẫn động vật. Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, căn bệnh này có tên gọi chính xác là bệnh do vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore (hoặc còn được gọi là melioidosis). Vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei chính là “hung thủ” gây nên căn bệnh này.

Vào năm 1912, bác sĩ Afred Whitmore tại Myanmar là một trong những người đầu tiên đề cập, mô tả về căn bệnh này. Vì thế, bệnh được đặt tên dựa theo chính tên của ông.

Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bạn, chúng có thể làm hoại tử, gây chết các mô trong cơ thể. Nếu vi khuẩn ở trên da, chúng sẽ khiến da viêm loét hoặc các vết áp xe, ào máu gây nhiễm trùng máu, ở trong phổi và gây nên hiện tượng viêm phổi,…

Các thống kê về bệnh Whitmore

Trên thế giới hiện nay, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh thường chiếm 5-15% tổng số ca bệnh. Tại Việt Nam, khoảng 70% ca bệnh diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, đặc biệt tăng mạnh trong thời điểm bão, lũ kéo đến.

Theo thống kê thì hầu hết các bệnh nhân tại Việt Nam đều là nông dân, độ tuổi trong khoảng từ 50 đến 70 tuổi. Người bệnh có xu hướng có bệnh nền, bệnh mạn tính, có biểu hiện viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết khi nhập viện.

bệnh whitmore

Các khu vực có tỷ lệ người mắc bệnh cao

Bệnh Whitmore thường xảy ra tại các nước có khí hậu nhiệt đới, đăc biệt là tại khu vực Đông Nam Á và miền Bắc Australia. Các quốc gia/khu vực được báo cáo có số lượng lớn người nhiễm bệnh có thể kể đến như:

  • Thái Lan
  • Malaysia
  • Singapore
  • Bắc Úc

Một số quốc gia bắt đầu có số người nhiễm bệnh tăng dần:

  • Việt Nam
  • Indonesia
  • Papua New Guinea
  • Campuchia
  • Hầu hết các tiểu lục địa Ấn Độ
  • Hồng Kông
  • Miền Nam Trung Quốc
  • Lào
  • Đài Loan
  • Myanmar (Miến Điện)

Ngoài ra, còn có một số trường hợp mắc bệnh Whitmore được báo cáo bên ngoài Đông Nam Á và Úc như:

  • Brazil
  • Nam Thái Bình Dương
  • Mexico
  • Sri Lanka
  • Peru
  • Một số phần của Châu Phi và Trung Đông

Cách thức lây nhiễm bệnh

Thông thường, vi khuẩn gây bệnh sẽ sống trên bề mặt nước hoặc trong đất, đặc biệt là bùn đất. Vi khuẩn có thể lây bệnh thông qua các vết trầy xước, ghẻ lở trên da cũng như qua đường hô hấp nếu bạn hít phải các hạt bụi đất, giọt nước li ti có chứa vi khuẩn.

Một số loại động vật có nguy cơ mắc bệnh cao hơn có thể kể đến như: Cừu, heo, ngựa, dê, mèo, chó, gia súc…

bệnh whitmore lây nhiễm khi tiếp xúc với bùn đất, nguồn nước ô nhiễm

Bệnh Whitmore có nguy hiểm hay không?

Theo các thống kê hiện nay thì tỷ lệ tử vong của những người nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore ở khoảng 40-60%. Đây là một con số đáng báo động cho thấy độ nguy hiểm của căn bệnh này. Hơn nữa, trong một số trường hợp nhiễm khuẩn cấp, người bệnh có thể tử vong chỉ trong vòng 1 tuần sau khi phát bệnh.

Hiện nay, việc chẩn đoán người mắc bệnh Whitmore còn chậm, tỷ lệ sai sót cao kèm với diễn tiến bệnh khó lường trước, nhận thức của cộng đồng về bệnh chưa cao nên nhìn chung, đây là một căn bệnh có mức độ nguy hiểm tương đối cao.

Dấu hiệu mắc “vi khuẩn ăn thịt người” Whitmore

Để có thể kịp thời chẩn đoán và điều trị, bạn cần chú ý một số dấu hiệu bệnh sau: sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, đau cơ khớp, đau đầu, có hiện tượng co giật, viêm mang tai. Ngoài ra, tùy theo người bệnh mà dấu hiệu bệnh sẽ có ở những vị trí khác nhau trên cơ thể như:

  • Nhiễm trùng cục bộ: Có triệu chứng đau, sưng ở một vị trí nhất định trên cơ thể (khu trú), đặc biệt là ở vị trí tuyến mang tai – nơi thường liên quan nhất với quai bị, nằm bên dưới và phía trước tai.
  • Nhiễm trùng lan tỏa: Xuất hiện những vết loét ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Có dấu hiệu đau đầu, sụt cân, người co giật. Ngoài ra có thể cảm thấy đau ở các bộ phận khác như cơ, khớp, dạ dày, ngực…
  • Nhiễm trùng máu: Xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, người rét run, đau họng, khó thở. Ngoài ra người nhiễm bệnh Whitmore còn đau đầu, đau vùng bụng trên, đau cơ khớp, tiêu chảy, có nhiều vết loét có mủ trên da.
  • Nhiễm trùng phổi: Có triệu chứng viêm phế quản nhẹ hoặc viêm phổi nặng, ho liên tục, khó thở, đau ngực, đau nhức cơ. Đi kèm đó là dấu hiệu sốt, nhức đầu, chán ăn.
  • Nhiễm trùng da (viêm mô tế bào): Có nhiều vết loét và áp xe, các vết loét sưng, gây đau nhức. Cơ thể sốt, mệt mỏi.

Những ai có thể mắc bệnh Whitmore?

Hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy bệnh có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Về đối tượng nhiễm bệnh, tất cả chúng ta đều có nguy cơ nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” nguy hiểm này. Tuy nhiên:

  • Những người có nghề nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với đất, nước, những người trong tình huống bắt buộc phải tiếp xúc với bùn đất, nước không sạch sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đây cũng chính là lý do số người nhiễm bệnh Whitmore ở miền Trung trong những ngày qua tăng mạnh.
  • Ngoài ra, người có bệnh mạn tính như bệnh thận, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi, đái tháo đường, bệnh thalassemia… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Cuối cùng, đối tượng uống nhiều bia rượu, mắc các bệnh lý huyết học, ung thư sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn

người mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người

Phòng chống bệnh Whitmore theo khuyến cáo từ Bộ Y tế

Theo các cập nhật mới nhất, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng tránh cũng như điều trị bệnh. Vì thế, chúng ta cần chủ động phòng chống bệnh bằng một số giải pháp thiết thực như:

  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như: đất, nước, bùn lầy, các khu vực bị ô nhiễm nặng
  • Nếu phải thường xuyên làm việc ngoài trời, cần trang bị đầy đủ các vật dụng bảo hộ như giày, găng tay…
  • Trong trường hợp đang có các vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng trên da, cần tránh để vết thương tiếp xúc với đất, nước… Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, trước tiên cần dùng băng chống thấm để băng khu vực vết thương và lập tức vệ sinh sạch sẽ sau khi tiếp xúc.
  • Luôn khử trùng thớt, dao và thường xuyên thay miếng rửa chén trong gia đình
  • Uống nước đun sôi, nước đóng chai
  • Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến ngay các cơ sở Y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phác đồ điều trị bệnh Whitmore

Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh, điều đầu tiên cần làm chính là đến các cơ sở Y tế để thăm khám. Sau đó, bác sĩ sẽ căn cứ theo tình trạng, biểu hiện và giai đoạn bệnh để đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau.

Thông thường, một phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh nhẹ có thể kéo đai từ 10-14 ngày. Với bệnh nhân bệnh nặng hơn thì là 4-6 tuần. Trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể được chăm sóc đặc biệt hơn, có sử dụng các thiết bị y tế hỗ trợ như máy thở. Sau khi hoàn thành phác đồ điều trị, người bệnh buộc phải uống thuốc kháng sinh từ 3-6 tháng để trị dứt điểm.

Bệnh nhân tuân theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ thường có nguy cơ mắc bệnh lại cực thấp.

thuốc kháng sinh

Trên đây là các thông tin về bệnh Whitmore – căn bệnh nguy hiểm đang khiến nhiều người lo lắng hiện nay. Hy vọng với những chia sẻ từ Mẹ&Con, bạn có thể hiểu thêm về căn bệnh này cũng như biết cách phòng tránh bệnh tốt nhất cho mình và cả gia đình. 

Bài viết liên quan