Mẹ&Con - Hầu như chẳng có gia đình Việt Nam nào lại thiếu vắng trong nhà một chai dầu nóng hay dầu gió. Tuy nhiên, thực tế không phải loại dầu nào cũng nên dùng và dùng một cách tràn lan. 6 dấu hiệu có thể tử vong nếu không đi khám ngay 6 tác động tâm lý của việc rửa tay

Ai không được dùng dầu?

Điều các bà mẹ cần nhớ trước tiên là không bao giờ được dùng dầu nóng, dầu gió hay bất kỳ loại dầu xoa nào cho trẻ dưới 2 tuổi. Bất kỳ loại dầu nóng nào cũng có thể gây ức chế hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, trường hợp nguy kịch có thể dẫn tới ngừng tim, ngừng thở cho trẻ. Do không biết dầu gió tuyệt đối cấm với trẻ em dưới 2 tuổi, nhiều bà mẹ có con lần đầu, khi thấy con đau bụng, sổ mũi đã lấy dầu gió bôi vào bụng, vào mũi cho bé, dẫn đến việc bé phải… đi cấp cứu!

Sao dầu lại gây ảnh hưởng dễ sợ như vậy?

Thật ra dầu không hề “dễ sợ” nếu có thể dùng đúng cách, cho đúng người. Dầu gió, dầu nóng, hay các loại dầu thuốc khác thực tế là một dạng thuốc dùng ngoài da, có tác dụng giảm đau, giảm viêm tấy. Chất nóng từ dầu thấm sâu vào da, tạo nên một cảm giác “gây tê” tại chỗ nên khi bị bầm tím chân tay, xoa dầu vào thấy nóng và đỡ đau ngay là vì vậy.

bạn đã biết xài dầu gió?

Ảnh minh họa

Thành phần của dầu bao gồm tinh chất của một số loại thảo mộc tự nhiên như khuynh diệp, long não, tinh dầu bạc hà, chất làm nóng… Đặc điểm chung của những chất này là bốc hơi nhanh nên khi xoa lên da sẽ tạo nên cảm giác mát lạnh, dễ chịu, giúp loại trừ những cảm giác đau, nhức, khó chịu trong người… Tuy nhiên, cũng chính công dụng này có thể tạo nên tác dụng ngược khi làm hạ thân nhiệt, gây những ảnh hưởng cho cơ thể nếu dùng trên diện rộng.

Nhiều bà mẹ có thói quen bôi dầu… ướt cả lưng cho con rồi mới cạo gió, cứ nghĩ rằng càng đổ nhiều dầu khắp cả lưng, chân, tay, ngực như thế thì càng mau “hết gió”. Kết quả thì ngược lại. Nhiều trường hợp sau khi bôi qua nhiều dầu cho trẻ khắp cả người, trẻ lại càng sốt trong khi người lại có cảm giác rét run, gây rối loạn thân nhiệt. Nặng có thể phải đưa đi cấp cứu. Đó chính là hậu quả từ việc dùng dầu không đúng cách. 

Một hậu quả khác có thể xảy đến từ việc dùng dầu không đúng cách là khi bị bôi dầu quá nhiều vào chỗ đau (nhằm làm giảm cảm giác đau), những chất làm nóng trong dầu có khả năng làm rộp da, bỏng da nếu dùng nhiều. Thêm một điều cấm kỵ nữa là không được phép uống dầu, dù là các loại dầu tốt “thượng đẳng” đi chăng nữa.

Một số gia đình vẫn giữ thói quen truyền thống, có trong nhà một chai dầu xanh (loại dầu khá đắt tiền thường được những Việt kiều Mỹ mang về biếu, tặng). Và khi có người bị ngộ độc thực phẩm, đau bụng, say tàu xe thì thường bảo chấm từng ít dầu này cho vào… miệng, bảo rằng nuốt chút dầu xanh sẽ làm ấm cơ thể, bớt say xe, bớt đau bụng ngay. Đây là điều bác sĩ, dược sĩ đều tuyệt đối không đồng ý. Uống dầu, chấm dầu vào miệng có thể gây nên sự hủy hoại niêm mạc đường tiêu hóa, gây ngộ độc.

Vậy dùng dầu ra sao mới đúng cách?

Bạn chỉ nên dùng dầu cho trẻ trên 2 tuổi và nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Nếu trong bảng hướng dẫn có ghi không dùng cho trẻ em thì nên tìm loại dầu khác phù hợp hơn.  

Chỉ được dùng dầu ngoài da, tuyệt đối không được uống. Khi dùng ngoài da, cũng không được dùng quá nhiều, không dùng trên diện rộng cơ thể. Không dùng dầu để cạo gió với tình trạng dầu chảy ướt cả lưng. Không bôi dầu khắp cả người. Chỉ được dùng một lượng vừa phải dầu bôi lên ngay chỗ vết cắn đốt hoặc chỗ đau, sau đó dùng ngón cái hoặc ngón trỏ day thành hình vòng tròn quanh chỗ đau. Nếu đau đầu có thể xoa dầu vào vùng thái dương. Nếu đau bụng có thể xoa vào vùng quanh rốn. Nên chú ý tránh để dầu dính vào mắt, không dùng dầu cho vết thương hở miệng. Tay của người massage, cạo gió (tiếp xúc trực tiếp với dầu) cũng cần rửa sạch sau đó trước khi làm việc khác.

Trong tủ thuốc gia đình, bạn cũng cần để dầu ở vị trí trên cao, có khóa tủ thuốc an toàn, tránh trường hợp trẻ nhỏ lấy bôi vào người hoặc uống phải. 

Tags:

Bài viết liên quan