Cân đo lợi, hại khi bà bầu ăn trứng ngỗng
Về cảm quan, trong các loại gia cầm, trứng ngỗng có kích cỡ lớn nhất. Một quả trứng ngỗng có trọng lượng từ 150g đến 200g, nặng gấp 4 lần trứng gà và 3 lần trứng vịt. Chính vì “cái nhất” này làm xuất hiện các quan niệm truyền thống cho rằng bà bầu ăn nhiều trứng ngỗng sẽ giúp bé sinh ra mập mạp, thông minh và ít bệnh vặt.
Kích thước lớn chưa hẳn là tốt hơn đâu mẹ nhé! (Ảnh minh họa).
Về thành phần dinh dưỡng, trong 100g trứng ngỗng có: 13g protein, 14,2g lipid, 360mcg vitamin A, 71mg canxi, 210mg phốtpho; 3,2mg sắt; 0,15mg vitamin B1, 0,3mg vitamin B2, 0,1mg vitamin PP…
Dựa trên thông số này, có thể thấy trứng ngỗng có nhiều protein hơn trứng gà khoảng 13,5%. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng khoảng một nửa so với trứng gà. Nhưng đối với phụ nữ, trong thời gian mang thai, vitamin A là rất cần thiết.
Mặt khác, hàm lượng cholesterol và lipid trong trứng gà cao hơn trứng ngỗng. Tuy nhiên, đây lại là những chất có thể gây ra tình trạng béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao không có lợi cho sức khoẻ mẹ bầu.
Do đó, trên thực tế, trứng ngỗng không tốt như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Thậm chí, so với trứng gà, trứng vịt, trứng cút. Trứng ngỗng còn ít dinh dưỡng và khó ăn hơn rất nhiều.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm, trứng gà sạch hơn trứng ngỗng, vì tập tính của gà là đẻ trứng ở nơi khô ráo, ít vi khuẩn và ký sinh trùng. Vì vậy, trứng gà sẽ ít bị lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng hơn so với trứng ngỗng.
Xét trên 3 góc độ đó, có thể kết luận rằng bà bầu ăn trứng ngỗng chưa hẳn là lựa chọn tối ưu nhất. Trứng ngỗng nhìn chung giàu protein, dinh dưỡng cho bà bầu xong không thật “vi diệu” như dân gian lưu truyền. Mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng riêng và không có loại thực phẩm nào là hoàn thiện về mặt chất dinh dưỡng. Ngoài ra, quan niệm dân gian ăn bảy trứng ngỗng sẽ sinh con trai, chín trứng ngỗng sẽ sinh con gái cũng không có cơ sở khoa học.
Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được lợi ích của trứng ngỗng đối với sự phát triển trí thông minh và giới tính của thai nhi trong bụng mẹ. Các mẹ nên biết rằng, để trẻ sinh ra thông minh và phát triển toàn diện thì việc ăn uống khoa học, đầy đủ chất diinh dưỡng và cách giáo dục con cái mới là yếu tố quan trọng nhất.
Mẹ bầu ăn trứng ngỗng bao nhiêu là đủ?
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, thay vì xem trứng ngỗng như một “thần dược” giúp trẻ thông minh, mẹ chỉ nên xem đó là một trong những nguồn cung cấp protein trong thai kỳ và không nên lạm dụng ăn trứng ngỗng, vì giá thành đắt đỏ, mua bán khó khăn cũng như trứng ngỗng là thực phẩm khó tiêu hơn trứng gà, trứng cút.
Mẹ bầu có thể bổ sung trứng gà, trứng ngỗng, trứng cút vào thực đơn dinh dưỡng khi mang thai tuy nhiên cần ăn ở mức độ vừa phải. Với trứng gà là 3 – 4 quả 1 tuần, trứng ngỗng chỉ nên ăn 1 quả/tuần và đừng bao giờ ép mình ăn nếu cơ thể không có nhu cầu.
Ăn trứng ngỗng vào tháng thứ mấy của thai kì là tốt nhất?
Không có mốc cụ thể về thời gian khi nào nên ăn trứng ngỗng. Bởi vì thực ra, mẹ có thể ăn trứng ngỗng vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Tuy nhiên, trứng ngỗng khá to lại rất khó ăn, nên ở giai đoạn mang thai 3 tháng đầu, mẹ thường bị ốm nghén nên vấn đề ăn uống cũng gặp khó khăn nên chuyện ăn hết không phải là chuyện dễ dàng. Vậy nên, để quá trình tiêu hóa thuận lợi hơn, mẹ bầu có thể bắt đầu ăn trứng ngỗng từ tháng thứ 4 của thai kỳ.
Không có mốc thời gian cụ thể cho câu hỏi “bà bầu nên ăn trứng ngỗng ở tháng thứ mấy thai kì?” (Ảnh minh họa).
Cách lựa chọn trứng ngỗng có chất lượng tốt
Soi trứng trên nguồn ánh sáng: Nắm quả trứng trong lòng bàn tay, để hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào đầu trứng, đầu kia soi lên ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng điện. Nếu thấy quả trứng soi có màu hồng với một chấm, nhìn rõ túi khí là quả trứng tốt. Nếu thấy trong trứng có vệt máu, giun sán hay vật lạ thì không nên chọn.
Thả vào dung dịch nước muối 10%: Pha nước muối loãng, thả quả trứng vào. Khi thả vào dung dịch. Nếu trứng chìm xuống đáy nghĩa là trứng mới đẻ trong ngày. Nếu trứng lơ lửng thì trứng đã đẻ 3 – 5 ngày. Còn trứng nổi trên mặt thì trứng đã cũ, đẻ quá 5 ngày.
Lắc trứng: Cầm quả trứng giữa hai ngón tay trỏ và ngón tay cái, lắc khẽ. Trứng mới đẻ lắc sẽ không kêu, trứng càng để lâu lắc càng kêu.
Bà bầu ăn trứng ngỗng để bổ sung protein trong thời kì mang thai là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, không nên phóng đại tác dụng của trứng ngỗng trong việc giúp bé sinh ra thông minh hay ăn trứng ngỗng để sinh con trai, con gái vì cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được 2 điều trên.