Bạch quả:
Bạch quả có tác dụng rất tốt với trí nhớ, có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu lên não, tăng cung cấp oxy cho não. Bạn có thể tìm mua bạch quả tại các nhà thuốc đông y hoặc các chợ. Đập vỡ phần vỏ cứng bên ngoài thật nhẹ nhàng, tách lấy phần quả bên trong. Có thể nấu bạch quả với củ năng, cho thêm một ít đường phèn, sau đó cho vào tủ lạnh để ở ngăn mát. Món chè bạch quả củ năng ăn rất mát, lại giúp não bộ của trẻ hoạt động tốt hơn trong giai đoạn mùa thi. Có thể dùng món này làm món ăn xế cho trẻ vào khoảng 2-3 giờ chiều.
Óc heo:
Óc heo có vị ngọt, tính bình, có thể dùng để chữa các chứng suy nhược thần kinh, hay quên, chóng mặt hoa mắt. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không ép trẻ ăn thường xuyên vì óc heo có chưa rất nhiều cholesterol. Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn 1 lần/tuần. Óc heo nên chưng cách thủy, cho trẻ ăn từng ít một vào bữa ăn trưa. Trong trường hợp một số trẻ sợ béo, không ăn được món này, bạn không cần ép mà nên chọn món khác.
Trứng gà, trứng cút:
Đừng sợ ăn trứng trong mùa thi sẽ bị điểm 0. Thực tế, các loại trứng như trứng gà, trứng cút… đều có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Bạn có thể luộc cho con một ít trứng cút, cho trẻ chấm muối tiêu ăn như món “ăn vặt” rất lành mạnh vào giữa các buổi học. Ngoài ra, có thể chọn bánh giò, bánh bao (có trứng cút) như một món ăn khuya cho con khi trẻ thức học bài. Tuy nhiên, lại phải nhắc lần nữa là đừng lạm dụng bất kỳ món nào trong thực đơn này để ép trẻ ăn quá đà, sẽ có tác dụng ngược. Mỗi ngày chỉ nên cho trẻ ăn 2-3 quả trứng cút. Đừng để trẻ nhâm nhi thả ga đến cả chục quả trứng cút hay ngày nào cũng có trứng luộc, trứng chiên sẽ ảnh hưởng đến gan.
Mật ong:
Mật ong chứa rất nhiều các vitamin, acid amin, nguyên tố vi lượng cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Giữa những buổi học của con (vào buổi sáng và xế trưa), có thể pha cho trẻ 1 ly nước mật ong nhỏ với 1-2 muỗng cà phê mật ong. Món uống này vừa mát dịu, vừa có thể giúp trẻ tăng cường trí nhớ tốt hơn. Cho trẻ uống mật ong trước giờ đi ngủ cũng giúp cho giấc ngủ của trẻ êm hơn, bớt căng thẳng và stress.
Đường:
Đường được xem là “xăng” của não bộ, giúp não bộ “chạy tốt”. Tất nhiên bạn không cần phải cho con ăn thật nhiều… đường cát. Thay vào đó, hãy cho trẻ một dĩa trái cây, một ly sinh tố, một ít bánh ngọt, bánh flan… như món tráng miệng sau bữa ăn hoặc món ăn nhẹ giữa các buổi học. Những món này đều sẽ cung cấp cho trẻ một lượng đường cần thiết, đảm bảo nâng cao hoạt động của não bộ.
Dầu ô liu:
Chất béo rất cần thiết cho não bộ. Nếu thiếu acid béo, trẻ sẽ rất mau quên, học trước quên sau. Song bạn không cần phải ép con ăn cả miếng mỡ to đùng. Thay vào đó, nên mang về một chai dầu ô liu và rót thêm vào mỗi chén canh của trẻ ăn trong bữa ăn hàng ngày khoảng nửa muỗng cà phê dầu. Bằng cách đó, bạn sẽ giúp trẻ cải thiện trí nhớ tốt hơn một cách không ngờ.
Dừa tươi:
Đây là một món ăn có khả năng đánh thức hoạt động của não bộ, giúp thoát khỏi cảm giác trì trệ, khiến phản xạ trở nên nhanh nhẹn và trí nhớ hoạt động tốt hơn. Dừa tươi cũng giúp hệ thống tuần hoàn máu hoạt động hoàn hảo. Mỗi ngày, bạn có thể cho trẻ uống 1 trái dừa. Có thể thêm vào đó một chút muối và đường, sẽ giúp món giải khát này trở nên hấp dẫn và phát huy tác dụng tốt hơn.
Thịt bò:
Thịt bò có chứa nhiều lecitin, rất cần cho cơ thể nói chung và hoạt động của não bộ nói riêng. Nên cho trẻ ăn khoảng 3-4 bữa thịt bò/tuần. Có thể chế biến thành nhiều món: phở bò, bò nhúng dấm, bò bít-tết… để trẻ ăn sáng, ăn trưa. Nếu những ngày trẻ phải thức khuya, bạn cũng có thể bồi bổ cho con thêm một chén bò tái vào buổi tối. Ngoài thịt bò, thịt heo cũng có công dụng gần bằng. Bạn có thể xen kẽ thêm một số món chế biến từ thịt heo cho trẻ.
Vitamin B:
Đây là nhóm vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng tập trung, nhớ lâu, phản xạ nhanh nhẹn. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho trẻ uống bổ sung vitamin B9 (acid folic) trong mùa thi. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin B qua con đường dinh dưỡng tự nhiên như cho trẻ ăn nhiều rau xà lách xoong, lòng đỏ trứng gà, các loại hạt ngũ cốc. Một số bữa ăn sáng của trẻ, nên cho trẻ thêm một ly bột ngũ cốc sẽ có tác dụng cải thiện trí nhớ đáng kể.
Sữa tươi:
Sữa có chứa rất nhiều khoáng chất cần thiết cho hoạt động của não bộ. Thiếu hụt các khoáng chất này, trẻ không thể tập trung học hành hiệu quả được. Bạn nên tập cho trẻ thói quen uống 1 ly sữa vào bữa sáng trong suốt mùa thi. Trong trường hợp trẻ bị dị ứng với sữa, uống vào dễ bị đầy hơi, tiêu chảy, bạn có thể thay thế sữa tươi bằng 1-2 hộp sữa chua hoặc tăng cường khoáng chất thông qua các món ăn hải sản như tôm, cua, sò, ốc…
Nước:
Đây là “món” có vẻ quá đơn giản, quá rẻ tiền nên ít được chú ý. Song kỳ thực nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa cơ thể, tăng cường trí nhớ. Nếu thiếu nước, tế bào não sẽ rất dễ bị tổn thương, dẫn đến giảm sút khả năng tập trung. Khi con học bài thi, phụ huynh nên để sẵn trên bàn cho trẻ một bình nước lọc, nhắc nhở con uống một chút nước suốt quá trình ngồi học. Vào giờ nghỉ giữa buổi, bạn nên cho trẻ uống thêm một ly nước sâm, nước sắn dây, nước chanh… đều được.
TRÁNH XA NHỮNG MÓN NÀY…
Rất nhiều trẻ dù mới học cấp 1, cấp 2 nhưng đã bắt đầu tìm đến trà, cà phê, viên sủi vitamin C để tỉnh táo thức học bài thi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là những thứ không thể lạm dụng. Chất cafein trong trà, cà phê sẽ làm gia tăng khả năng tập trung; vitamin C khiến mất đi cảm giác buồn ngủ, tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, viên sủi vitamin C chỉ được uống tối đa 1 viên/ngày và không nên dùng “món” này như… thuốc chống buồn ngủ! Với trà, cà phê cũng thế. Trẻ chỉ tỉnh táo tạm thời, còn sau đó sẽ mệt mỏi hơn rất nhiều. Nên nhớ rằng chỉ khi đảm bảo giấc ngủ đủ 8 tiếng/ngày thì não bộ mới có thể hoạt động tốt được. Nếu không, giờ giấc ăn ngủ của trẻ sẽ xáo trộn và chỉ sau vài ngày có vẻ như tỉnh táo, trẻ dễ dàng gục ngã trước khi bước vào mùa thi chính thức.
Theo sự tư vấn Bác sĩ Nguyễn Thị Hà (Trung tâm Dinh dưỡng Quốc Gia)