Mẹ&Con – Bệnh sâu răng thường sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng gì trong thời gian đầu. Khi cảm thấy đau nhức thì chiếc răng ấy đã bắt đầu bị hỏng từ cách đó vài tháng đến hơn 1 năm.
Chế độ ăn quá nhiều đường và thói quen lười đánh răng hoặc đánh răng sai cách sẽ khiến răng sâu bị hư hại nhanh hơn.
“Nguyên nhân gây bệnh sâu răng là do vi khuẩn trong răng tạo ra a xít khi chúng ta ăn carbohydrates hoặc đường. Bạn ăn càng nhiều đường, vi khuẩn sẽ càng phát triển mạnh và tạo ra nhiều a xít phá hủy men răng hơn”, giáo sư nha khoa Carl McManama tại Đại học Boston (Mỹ) cho biết.
Nếu lỗ sâu răng không điều trị, răng có thể gặp những vấn đề sau đây:
Răng vỡ
Răng gãy vỡ thường là do sâu răng gây ra. Một chiếc răng khỏe mạnh thì hiếm khi nào bị như vậy. Nếu răng bị sâu nhiều hoặc vết trám bị mòn thì rất dễ bị vỡ, giáo sư McManama nói.
Nhai ở chiếc răng bị sâu cũng khiến chúng dễ bị vỡ. Nếu chưa có thời gian đi trám lại lỗ sâu thì hãy làm chậm quá trình hư hại răng bằng cách ăn thực phẩm ít đường, tránh bánh kẹo, đồ ngọt và đánh răng 2 lần/ngày.
Tổn thương dây thần kinh
Mạch máu và dây thần kinh nằm ở phần chân răng. Sâu răng khi lan đến tủy, tức dây thần kinh, sẽ gây đau dữ dội. Lúc đó, cơn đau sẽ kéo dài liên tục cả ngày, giáo sư McManama nói.
Khi sâu răng đến mức độ này, người bệnh không chịu được nữa và phải đi khám. Nha sĩ thường sẽ lấy tủy hoặc nhổ luôn cái răng đó.
Răng chết
Khi sâu răng lan đến tủy có thể gây nhiễm trùng dây thần kinh ở chân răng, dẫn đến sưng đau và cắt đứt nguồn cung cấp máu đến dây thần kinh. Kết quả là khiến dây thần kinh ở chân răng bị chết. Lúc ấy, cơn đau nhức sẽ biến mất. Chiếc răng đó tiếp tục bị hỏng và rụng, giáo sư McManama tiết lộ.
Nhiễm trùng
Ngay cả khi dây thần kinh chết thì mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Những mô chết đó có thể gây nhiễm trùng và mưng mủ chân răng. Nhiễm trùng sẽ lan ra, gây viêm nhiễm hàm và các tuyến trong miệng. Cơn sốt bắt đầu ập đến.
Dù hiếm nhưng một số trường hợp bệnh sâu răng không được điều trị sẽ làm xuất hiện áp xe, tức bọc mủ, trong não. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng.
Cách tốt để bảo vệ sức khỏe răng miệng là mọi người cần đến khám nha sĩ định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, và hạn chế ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều đường, các chuyên gia khuyến cáo.
Theo Thanh Niên