Mẹ&Con – Nhiều bà mẹ dù đã liên tục thay đổi thực đơn cho con với các món ăn giàu chất dinh dưỡng, bé luôn ăn đủ bữa nhưng cân nặng không có sự cải thiện. Lý do có thể là do trong cách nấu cháo cho bé ăn dặm, mẹ đã mắc phải những sai lầm dưới đây.
Không thêm dầu ăn vào món ăn dặm
Không thêm dầu ăn vào món ăn dặm là một trong những sai lầm đầu tiên trong cách nấu cháo cho bé ăn dặm, mẹ cần tránh. Nhiều mẹ nghĩ rằng, thêm dầu ăn vào cháo ăn dặm của bé là không cần thiết, thậm chí còn khiến con bị đau bụng.
Thực tế, dầu ăn trẻ em là nguồn bổ sung chất béo lành mạnh và giúp quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng vào cơ thể bé tốt hơn.
Nêm gia vị vào món ăn dặm
Với các bé dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa vẫn còn non yếu và dễ bị kích ứng. Chính vì thế, mẹ tuyệt đối tránh nêm bất kì loại gia vị nào vào món ăn dặm của bé. Đặc biệt, mẹ không sử dụng muối trong quá trình chế biến món ăn cho bé. Bởi lẽ, vị mặn của muối sẽ gây hại đến sự bài tiết thận của bé. Trong giai đoạn này, chất ngọt từ các loại thực phẩm đã là một loại “gia vị” tốt nhất cho món ăn dặm của con.
Lạm dụng máy xay sinh tố
Rất nhiều bé dù đã mọc răng đầy đủ nhưng vẫn được mẹ cho ăn cháo xay nhuyễn. Đây là một sai lầm trong cách nấu cháo cho bé ăn dặm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ bắt đầu ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi) thì tập ăn bột loãng rồi sệt dần, 7 – 8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng thì tập ăn với cháo nấu còn hạt và các thức ăn mềm (như phở, bún…), 2 tuổi mọc đủ răng hàm thì nên cho con ăn cơm.
Dùng nước hầm xương nấu cháo
Nhiều bà mẹ ngày nào cũng hì hụi hầm xương để lấy nước nấu cháo cho con. Họ hy vọng những chất bổ sẽ tan trong nước và bé sẽ hấp thu đầy đủ nhất các dưỡng chất này. Thực tế, việc hầm xương chỉ có tác dụng tạo vị ngọt và mùi thơm cho món cháo. Những chất đạm vẫn còn trong xác thịt, xương. Do đó, mẹ cần cho con ăn cả xác lẫn nước để đề phòng suy dinh dưỡng vì thiếu chất.
Chỉ nấu một nồi cháo to cho một ngày
Một nồi cháo được nấu cho bé ăn cả một ngày dài sẽ bị hư hao đáng kể nguồn dinh dưỡng. Ở nhiệt độ thường, cháo chỉ để trong vòng 2 tiếng là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Nếu để ở ngăn mát, thịt bảo quản được 3 tiếng nhưng đây cũng chỉ là cách hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây ôi thiu, lúc này chúng tồn tại ở dạng bào tử chờ cơ hội phát triển lại.
Cháo bảo quản lạnh cần được đun sôi lại trước khi ăn để tiêu diệt hết những bào tử đó. Để tránh sai lầm trong cách nấu cháo cho bé ăn dặm này, mẹ có thể nấu một nồi nhỏ cháo trắng và mỗi lần cho trẻ ăn, hãy mang một phần cháo đó nấu cùng với các loại rau và thịt để đảm bảo các chất vitamin trong cháo không bị mất đi. Đồng thời, bé cũng không cảm thấy chán khi ăn một món cháo từ sáng đến tối.