Mẹ&Con – Trong những ngày đầu đời, rốn của bé yêu có thể bị viêm nhiễm và tổn thương nếu không được chăm sóc đúng cách. Vì vậy, bài viết này sẽ giúp mẹ biết tường tận về cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh. Đừng bỏ lỡ nhé!
Khi bé còn trong bụng mẹ, rốn đóng vai trò là sợi dây liên kết giữa mẹ và bé, giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua bào thai để thai nhi phát triển. Sau khi bé chào đời, dây rốn không còn duy trì nhiệm vụ của mình nữa, các bác sĩ sẽ dùng thủ thuật kẹp và cắt dây rốn. Từ một dây rốn có độ dài khoảng 20-60 cm, dây rốn của bé sau khi chào đời sẽ chỉ còn khoảng 4-5 cm. Đoạn rốn còn lại sau khi cắt này sẽ tự rụng trong khoảng từ 6-8 ngày, thậm chí 2-3 tuần sau sinh.
Trong thời gian đó, việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh là đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, cuống rốn của trẻ lúc này chỉ là một vết thương hở, một sơ xuất nhỏ, nguy cơ viêm rốn, nhiễm trùng rốn cũng rất cao. Từ ổ viêm nhiễm này, vi trùng có thể xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong cho trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Quy trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Chuẩn bị
- Xà phòng rửa tay cho mẹ
- Que gòn vô trùng
- Nước đun sôi để nguội
- Chai cồn 70 độ
- Gạc vô trùng
Các bước thực hiện
- Trước khi chăm sóc rốn cho con, mẹ cần rửa tay sạch sẽ dưới vòi nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn 70 độ.
- Sau khi bé tắm xong, mẹ lau khô người bé rồi nhẹ nhàng tháo bỏ băng rốn và gạc rốn cũ ra (nếu có). Mỗi lần tháo bang rốn của bé, mẹ đừng quên quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn có bị viêm đỏ, mủ hay xuất hiện dịch vàng, chảy máu, có mùi hôi không.
- Dùng một tăm bông gòn thấm nước sôi để nguội, lau theo trình tự từ chân rốn, thân cuống rốn rồi mới tới bề mặt cuống rốn. Mẹ chú ý chỉ lau qua một vòng duy nhất, không lau qua lau lại. Nếu cần vệ sinh lần nữa, mẹ có thể bỏ que gòn này và dùng thêm các que gòn khác thấm nước rồi làm lại theo thứ tự trên.
- Tiếp tục dùng một tăm bông gòn khác thấm cồn 70 độ và sát trùng vùng da xung quanh rốn của trẻ.
- Sau khi vệ sinh sát trùng xong, dùng một que gòn khác để làm khô rốn.
- Để rốn thoáng, không băng rốn hoặc chỉ cần đắp một miếng gạc mỏng vô trùng lên rồi băng thun cố định sau khi cồn đã khô.
- Quấn tã vào vùng dưới rốn và mặc quần áo sạch cho bé.
Các nguyên tắc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Giữ rốn luôn khô, sạch: Cuống rốn của bé luôn phải được giữ sạch và khô ráo. Các mẹ nên gấp tã bé bên dưới cuống rốn để rốn có thể tiếp xúc với không khí. Thời tiết nóng, mẹ chỉ cần cho bé mặc tã và áo rộng rãi để không khí lưu thông và thúc đẩy quá trình khô rốn. Tránh mặc áo bó sát cơ thể bé cho đến khi cuống rốn đã rụng để tránh tình trạng cọ xát cuống rốn. Ngoài ra, mẹ cũng cần cẩn trọng không để nước tiểu hoặc phân dính vào cuống rốn của bé.
Không tự ý giật núm rốn “trước thời hạn”: Việc rốn tự khô và rụng là quá trình tự nhiên, và không cần sự can thiệp của mẹ. Cố gắng giật, kéo cuống rốn của bé khi rốn chưa đủ “chín” hoặc ngay cả khi nó có vẻ rất lỏng lẻo và sự gắn kết chỉ còn một chút xíu đều có thể khiến bé bị đau, gây chảy máu và nhiễm trùng rốn.
Không làm ướt phần rốn khi tắm: Khi tắm cho bé, mẹ cẩn thận không để nước thấm vào cuống rốn con. Mẹ có thể tắm lần lượt từng bộ phận bé, theo trình tự từ đầu đến chân, tránh cho bé ngâm mình trong thau nước.
Không băng rốn quá chặt, quá kín: Trái với suy nghĩ của nhiều người, việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh bằng cách băng chặt, băng kín không giúp bảo vệ rốn cho bé mà lại tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm cao hơn. Vì vậy, sau khi vệ sinh rốn cho bé xong, mẹ có thể băng rốn bé lại bằng gạc mỏng vô trùng để tránh rốn bị cọ sát với áo khi bé cử động, nhưng phải đảm bảo rốn được thoáng khí càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ giúp cuống rốn mau lành và mau khô rụng hơn. Với các bé trên 2 ngày tuổi và rốn đã khô thì có thể không cần phải băng rốn.
Không bôi thuốc lạ lên cuống rốn bé: Cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh tốt nhất chính là để cuống rốn khô tự nhiên. Mẹ tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bột, lá hoặc bất kỳ chất nào nếu như chưa được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hay những người có chuyên môn.
Rốn như thế nào được xem là bình thường?
Cuống rốn rụng muộn: Như chúng ta đã nói ở trên, cuống rốn thường rụng sau 6-8 ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp 2-3 tuần mà cuống rốn vẫn chưa rụng khiến nhiều bà mẹ cảm thấy lo lắng. Thực tế, thời gian rụng rốn ở mỗi bé là khác nhau, vì vậy các mẹ không nên quá lo lắng. Cuống rốn rụng muộn có thể là do chân rốn lớn. Do đó, không vì sốt ruột mà mẹ cố giật đứt dây rốn vừa làm bé đau vừa gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi: Chỉ khi nào rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi kèm theo các triệu chứng khác như chảy dịch vàng, vùng da xung quanh rốn sưng, đỏ, trẻ bị sốt, quấy khóc không rõ nguyên nhân… thì bé mới có nguy cơ gặp phải nhiễm trùng rốn. Còn nếu không, bé chỉ đơn thuần là chảy ít dịch và có mùi hôi thì mẹ không cần lo lắng, việc cần làm lúc này là mẹ tiếp tục chăm sóc rốn của bé theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, mẹ nhớ cho bé bú mẹ đầy đủ để gia tăng kháng thể chống lại các viêm nhiễm.
Chảy một chút máu sau khi rốn rụng: Một số bé có thể chảy máu một chút ở lỗ rốn sau khi rốn rụng đi. Điều này là bình thường khi các mạch máu bị tách rời.
Rốn trẻ sơ sinh bị ướt sau khi rụng: Sau khi rốn bé rụng đi, vài ngày sau đó chúng thường vẫn chưa khô hẳn. Ngoại trừ trường hợp rốn có rỉ nước vàng, mùi hôi hoặc có lẫn máu thì khi rốn chỉ ẩm ướt đơn thuần cũng không có gì đáng ngại. Việc của mẹ là chỉ cần giữ cho khu vực này sạch sẽ và khô ráo.
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo
Nếu rốn của trẻ sơ sinh có những dấu hiệu dưới đây thì mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay:
- Rốn rỉ dịch/ nước vàng;
- Rốn có mủ và mùi hôi;
- Chảy máu rốn nhiều, khó cầm máu;
- Vùng da quanh rốn sưng nề, tấy đỏ;
- Rốn có u hạt, rỉ nước kéo dài;
- Sau 3 tuần rốn vẫn chưa rụng, bé sốt, quấy khóc.
Xử trí khi bé bị nhiễm trùng rốn
Trong quá trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, nếu thấy rốn của bé có những triệu chứng bất thường vừa nêu nghĩa là bé đang có dấu hiệu viêm nhiễm. Trong trường hợp này, mẹ có thể sử dụng bông tăm thấm cồn 35 độ để lau sạch lỗ rốn, sau đó dùng cồn 3% để lau sạch phần mủ và dịch tiết ra.
Nếu mặt ngoài rốn đã đóng vảy nhưng vẫn tiết dịch mủ, mẹ có thể dùng bông thấm Nitrofurazone 0,1% đắp rốn cho bé 3-4 lần/ ngày. Với những trường hợp nặng, chảy mủ kéo dài, bé quấy khóc liên tục, sốt cao, mệt mỏi… mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện thăm khám.