Mẹ&Con – Vàng da là một trong những vấn đề phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, với trẻ sinh non, sức đề kháng kém, cấu tạo cơ thể chưa hoàn thiện thì đây thực sự là điều đáng lo ngại. Nếu không được nhận biết và có cách xử lý thích hợp, di chứng để lại có thể là vàng da nhân não cực kỳ nguy hiểm cho trẻ…

Vàng da ở trẻ sơ sinh

Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện trong tháng đầu tiên khi chào đời, tỷ lệ chiếm đến 25 – 30% trẻ. Tuy nhiên, điều đáng nói là tần suất xuất hiện ở trẻ sinh non của chứng vàng da rất phổ biến và để lại nhiều tổn thương ở hệ thần kinh, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của trẻ về sau.

Ở góc độ khoa học, vàng da sơ sinh là hiện tượng tăng bilirubin gián tiếp, một hóa chất có màu vàng trong hemoglobin. Nguyên nhân của tình trạng này là do khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ không thở bằng phổi, mà thông qua dây rốn và hệ tuần hoàn của mẹ, nên nồng độ bilirubin rất cao.

Sau khi chào đời, trẻ phải tự thở bằng cơ quan hô hấp của chính mình. Quá trình phân hủy của hồng cầu cũng bắt đầu từ thời điểm này. Vì thế, nồng độ bilirubin trong máu trẻ lúc này rất cao sinh ra hiện tượng vàng da. Với những trẻ khỏe mạnh, sinh đủ ngày tháng, sau sinh đều có thể chuyển hóa bilirubin một cách thuận lợi qua phân và nước tiểu, nên trong khoảng thời gian 7 ngày tình trạng vàng da sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, với những trẻ sinh non, các cơ quan còn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên không thể thực hiện tốt chức năng chuyển hóa của mình. Điều này khiến cho các tế bào hồng cầu bị phá vỡ quá nhanh, nhưng hóa chất bilirubin vẫn còn tồn tại. Sự tích tụ này sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến nhiều cơ quan, trong đó nguy hiểm nhất là hệ thần kinh với nguy cơ mắc bệnh vàng da nhân não.

Trẻ sinh non có hàng rào máu não kém kiên cố

  • Hàng rào máu não trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh nên khả năng ngăn bilirubin khá kém. Chúng sẽ dần trưởng thành và có khả năng ngăn chặn bilirubin tốt hơn cùng với sự phát triển của trẻ.
  • Trẻ sinh non thường bị nhẹ cân. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho hàng rào máu não kém vững chắc hơn so với trẻ đủ tháng.
  • Tác động từ những bệnh lý mắc phải trong quá trình chào đời như đẻ ngạt, khó thở nặng, nhiễm trùng sau sinh làm cho hàng rào máu não yếu ớt và không có sức chống chọi lại sự xâm nhập của bilirubin.

Thế nào là vàng da nhân não?

Vàng da nhân não

Vàng da nhân não là tên của bệnh lý bilirubin ngấm qua hàng rào máu não, gồm những lớp tế bào nội mạc xếp sát nhau có chức năng chặn các tác nhân gây hại và vi khuẩn, gây ra tình trạng ngộ độc của các tế bào thần kinh.

Trong điều kiện bình thường, bilirubin không có khả năng xuyên thủng hàng rào máu não vì các lớp nội mạc này có cấu tạo đặc biệt và hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu như nồng độ của bilirubin quá cao, vượt quá khả năng ngăn chặn của hàng rào máu não, chúng sẽ thấm vào não và gây ngộ độc các tế bào thần kinh, dẫn đến bệnh lý nghiêm trọng này.

Những trẻ nào dễ mắc vàng da nhân não?

Các yếu tố nguy cơ làm tăng bilirubin máu:

  • Tiền sử gia đình bị tăng bilirubin máu
  • Chấn thương do dùng cụ dùng trong khi sinh
  • Đi ngoài phân su chậm

Trẻ có bất đồng nhóm máu ABO, Rh với mẹ

Hiện tượng này xuất hiện ở trẻ có nhóm A hay B, nhưng mẹ lại có nhóm máu O. Tình trạng này còn có tên gọi là tán huyết đồng miễn dịch. Quá trình tán huyết bắt đầu từ khi trẻ còn ở trong bụng mẹ. Vì thế, đồng kháng thể của cơ thể mẹ sẽ thông qua nhau thai mà truyền sang con. Đặc biệt, với mẹ thuộc nhóm O thì đồng kháng thể chiếm ưu thế là 7S-IgG có kích thước nhỏ, dễ xuyên qua màng nhau thai nên nguy cơ trẻ bị vàng da nhân não là rất cao, chiếm đến 12-13%.

Tương tự, nếu mẹ có nhóm máu Rh (-) nhưng con lại có nhóm máu Rh (+) thì tình trạng trẻ bị vàng da nhân não sẽ càng nghiêm trọng hơn, nhất là với trẻ được sinh ra là con thứ.

Hiện nay, các bác sĩ thường khuyến cáo bố mẹ tiến hành xét nghiệm máu để biết rõ nhóm máu của mình. Trong những trường hợp nhất định, người mẹ sẽ được chỉ định tiêm phòng chất kháng D trong vòng 72 giờ sau khi sinh con đầu lòng để dự phòng tình trạng bất đồng nhóm máu cho những lần mang thai sau hay lần sẩy thai, bỏ thai.

Trẻ có những bất thường về hồng cầu hay thiếu men G6PD

Thông thường, thai nhi có lượng hồng cầu rất cao, tương đương 5-6 triệu/mm3. Tuy nhiên, với những trẻ sơ sinh phải chào đời sớm, các cơ quan chưa hoạt động ổn định thường rất dễ có bất thường về số lượng hồng cầu, điển hình là quá ít. Nếu ngay khi chào đời gặp phải tình trạng hồng cầu bị phá vỡ nhanh sẽ không thể chống lại được nồng độ bilirubin vượt ngưỡng nên sẽ dễ vàng da nhân não.

Với trường hợp bệnh thiếu men G6PD, một bệnh di truyền phổ biến do thiếu men G6PD (tên đầy đủ là Glucose-6-phosphate) làm hồng cầu không thể hoạt động bình thường hay bị vỡ rất nhanh khi tiếp xúc với các chất oxy hóa.

Hiện tượng tan huyết này làm tăng lượng bilirubin trong máu gây nên tình trạng thiếu máu, kèm theo vàng da. Khi chuyển nặng trong khoảng 2 tuần đầu sau sinh, trẻ rất dễ bị tổn thương não, thậm chí là bại não.

Trẻ chào đời có cân nặng thấp và mắc các bệnh lý sau sinh

Như chúng ta đã đề cập ở trên, trẻ sinh non sẽ có cân nặng thấp, sức khỏe kém nên rất dễ đối mặt với các vấn đề về sức khỏe như suy hô hấp, ngạt, nhiễm trùng… Điều này khiến cho quá trình đào thải bilirubin trong máu không thể diễn ra một cách suôn sẻ. Chính vì thế, trong máu của trẻ sẽ rất dễ bị tích tụ lại bilirubin gây nên cơn ngộ độc cấp tính cho não.

Vì thế, trẻ sinh non thường rất dễ bị vàng da, thậm chí là vàng da nhân não. Đặc biệt, khi trẻ cùng lúc gặp các vấn đề đã nêu thì nguy cơ bị tổn thương não lại càng cao hơn rất nhiều lần.

Triệu chứng điển hình của bệnh vàng da nhân não

Hầu hết trẻ bị vàng da sau 2 -3 ngày chào đời là do sinh lý. Ngược lại, nếu bị vàng da trong 1-2 ngày sau sinh thì gần như 80-90% do bệnh lý.

Trẻ bị vàng da nhân não thường có những biểu hiện sau:

  • Rối loạn ý thức như ngủ li bì hoặc thường xuyên quấy khóc, ngủ không ngon giấc, dễ bị kích thích, khóc thét.
  • Thông thường, trẻ sơ sinh bị vàng da nhân não sẽ có biểu hiện bỏ bú. Tuy nhiên vẫn có trường hợp trẻ bú bình thường nên bạn cần phải theo dõi sát sao.
  • Trẻ sơ sinh thường rất dễ gặp rắc rối về đường hô hấp, nhất là trẻ chào đời bằng cách mổ đẻ. Nhưng với trẻ bị vàng da nhân não, tình trạng này rất trầm trọng và khiến bé quấy khóc.
  • Tình trạng rối loạn trương lực cơ xoắn vặn người hoặc trương lực cơ mềm nhẽo. Trẻ sẽ hay vặn vẹo, uốn người một cách khó khăn.
  • Khi tình hình chuyển biến xấu đi, trẻ bị vàng da nhân não sẽ co giật do não đã bị các chất độc tấn công.

Phương pháp điều trị vàng da nhân não

Vàng da nhân não

Liệu pháp ánh sáng

Đây là một phương pháp khá phổ biến, rẻ tiền và được chỉ định cho những trẻ bị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp trên 13mg%.

Ánh sáng xanh, trắng có bước sóng là 420 – 480mm, phân bố đều 5-6Uw/cm2/nm và đặt cách trẻ khoảng 50cm dưới tình trạng không mặc quần áo và có đeo băng bảo vệ mắt. Thời gian chiếu đèn liên tục khoảng 5-6 giờ và nghỉ chiếu trong 1 giờ. Sau khoảng 3 giờ, trẻ sẽ được thay đổi tư thế.

Với trẻ sinh non, thời gian chiếu đèn nhiều hay ít phụ thuộc vào cân nặng và nồng độ bilirubin trong máu.

Truyền albumin

Phương pháp này được chỉ định dùng kết hợp với thay máu và không được dùng kết hợp với thay máu và không được dùng trước thay máu và không sử dụng với trường hợp được chỉ định chiếu đèn.

Liều dùng điều trị của albumin là 1g/kg và liều dùng dự phòng chỉ là 1,4-1,8ml dung dịch albumin 25%/kg và dùng cho trẻ sinh non có nồng độ protein trong huyết thanh thấp.

Thay máu

Về nguyên tắc, các bác sĩ sẽ chỉ định thay máu khi nồng độ bilirubin toàn phần trong máu có biểu hiện tăng nhanh >1mg/kg/giờ hay trên 20mg% và trẻ có biểu hiện thần kinh có nghi ngờ tổn thương não. Trong quá trình chờ thay máu, bệnh nhi sẽ được phối hợp các biện pháp chiếu đèn, truyền albiumin…

Lúc này, bác sĩ sẽ chọn nhóm máu tương thích với nhóm máu của mẹ và con. Đồng thời, chỉ định này còn tùy thuộc vào cân nặng và số ngày tuổi của trẻ. Lượng máu cần thay tính theo tỷ lệ 150-200ml/kg.

Biện pháp đề phòng vàng da nhân não

  • Kiểm tra nhóm máu của bố và mẹ trước khi quyết định mang thai để thông báo với chuyên gia y tế khi cần thiết.
  • Không ủ trẻ quá kỹ mà cần dùng mắt thường quan sát dưới ánh sáng tự nhiên để phát hiện những bất thường về sắc da.
  • Cho trẻ bú nhiều lần để hỗ trợ quá trình đào thải bilirubin qua phân và nước tiểu.
  • Đến ngay cơ sơ y tế khi phát hiện trẻ bị vàng da và không tự ý điều trị tại nhà.

Bài viết liên quan