Có nên uống sữa bầu khi bị tiểu đường thai kỳ?
Mẹ cần được thăm khám để biết được mức độ tiểu đường, có thể uống sữa bầu được không.
Thông thường, sữa cho mẹ bầu bị tiểu đường là các loại sữa không làm tăng đường huyết quá mức. Cụ thể là sữa không đường và nhất là hàm lượng carbohydrat trong sữa phải thấp.
Cách thủ công nhất khi chọn mua sữa bầu là mẹ có thể đọc hàm lượng carbohydrat và lượng chất béo ghi trên nhãn sữa. Nếu hàm lượng này thấp (chẳng hạn dung tích 100ml có 3,1 gram carbohydrat) thì mẹ có thể sử dụng.
Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có cho con bú được không?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho em bé trong 6 tháng đầu đời. Cho con bú ngay cả khi mẹ mắc tiểu đường thai kỳ tạo một cấp khởi đầu tốt nhất cho bé. Đồng thời, đây cũng là cách giúp bạn nhanh chóng quay lại với trọng lượng trước khi mang thai và giảm dần chỉ số đường huyết.
Ngoại trừ một số trường hợp, mẹ dùng thuốc tiểu đường như thuốc tolbutamide có thể tiết sang sữa ảnh hưởng đến em bé; hoặc tình trạng bệnh của mẹ trầm trọng hơn thì cần tham vấn bác sỹ để có lời khuyên tốt nhất, hoặc có thể thay đổi loại thuốc điều trị.
Khi bị tiểu đường thai kỳ có nên ăn bắp?
Các bà mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần hạn chế ăn những loại thực phẩm có chứa nhiều tinh bột và carbohydrate. Đây là thành phần làm tăng lượng đường trong máu.
Bắp được xem là thực phẩm chứa hàm lượng tinh bột rất cao. Vì vậy, mang thai bị tiểu đường, mẹ cần hạn chế sử dụng bắp trong thực đơn của mình.
Ngoài bắp, mẹ cũng cần ăn chừng mực những thực phẩm ngọt, béo, giàu tinh bột khác như các loại khoai (khoai tây, khoai lang, khoai từ, khoai mỡ) và trái cây (mít, xoài, sầu riêng, nho, nhãn, chuối…).
Bệnh tiểu đường thai kỳ có được uống nước dừa không?
Mẹ bầu bị tiểu đường thỉnh thoảng vẫn có thể uống nước dừa nếu đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, mẹ cần tránh thưởng thức nó thường xuyên hàng ngày. Lý do là vì nước dừa ngọt có thể làm tăng đường huyết.
Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ xem nước dừa có phù hợp với thể trạng của bạn hay không.
Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?
Nếu lượng đường trong máu được kiểm soát tốt trong suốt thai kỳ, thai nhi vẫn phát triển bình thường thì không ảnh hưởng đến phương pháp sinh. Sinh mổ hay sinh thường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố sản khoa khác.
Sau sinh, mẹ mắc tiểu đường thai kỳ cần làm gì?
Sau sinh, để giảm các nguy cơ và biến chứng tiểu đường thai kỳ, mẹ cần:
- Cho bé bú sớm để tránh hạ đường huyết cho bé, đồng thời giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường cho bé về sau.
- Cho con bú cũng rất tốt cho sức khỏe của mẹ, giúp mẹ giảm bớt cân nặng sau sinh và giảm lượng đường trong máu.
- Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, ít nhất trong vài tuần đầu. Kiểm tra đều đặn đến khi chắc chắn rằng mức đường huyết đã trở về bình thường.
- Dành ra một chút thời gian mỗi ngày để thư giãn và chăm sóc bản thân bằng cách đi dạo, tắm nước ấm, đọc sách, xem phim hay tán gẫu với bạn bè.
- Ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng và duy trì vận động cơ thể.
Mẹ bị tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi?
Nếu tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát tốt, nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như:
- Gia tăng nguy cơ dị tật thần kinh hoặc tim;
- Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ). Đặc biệt, khi thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn…
- Thai nhi có nguy cơ chết lưu do đường huyết tăng cao đột ngột.
- Đứa bé có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ thường dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da và gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành.
Tiểu đường thai kỳ sau sinh bao lâu thì hết?
Thông thường, sau sinh từ một đến vài tháng, lượng đường trong máu sẽ trở lại bình thường, tiểu đường thai kỳ biến mất. Tuy nhiên, nếu bạn không thực hiện lối sống lành mạnh, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể tiến triển thành tiểu đường tuýp 2. Vì vậy, duy trì vận động và chế độ dinh dưỡng lành mạnh sau sinh là rất cần thiết. Đồng thời, với các mẹ từng mắc tiểu đường thai kỳ để giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, mẹ cần sàng lọc tiểu đường tuýp 2 ở những mốc thời gian sau:
- Trong vòng 6 tuần hoặc 6 tháng sau sinh;
- Trước khi mang thai những lần tiếp theo;
- 3 năm một lần hoặc thường xuyên đối với những trường hợp có yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bảng chỉ số đường huyết của các thực phẩm thông thường trong bữa ăn:
Nhóm thực phẩm | Tên thực phẩm | Chỉ số đường huyết |
Bánh | Bánh mì trắng | 100 |
Bánh mì toàn phần | 99 | |
Bánh mì tươi | 31.1 | |
Bánh quy | 50-65 | |
Lương thực | Cơm gạo trắng | 83 |
Cơm gạo tấm | 53 | |
Bún | 35 | |
Ngũ cốc nguyên cám | 51 | |
Yến mạch | 85 | |
Cơm gạo lứt | 58 | |
Xôi | 81 | |
Bắp | 55 | |
Khoai lang | 54 | |
Khoai tây | 78 | |
Khoai mì | 50 | |
Khoai từ | 51 | |
Trái cây | Bưởi | 22 |
Chuối | 53 | |
Táo | 53 | |
Đu đủ | 60 | |
Dứa | 66 | |
Dưa hấu | 72 | |
Cam | 66 | |
Xoài | 55 | |
Nho | 43 | |
Mận | 24 | |
Anh đào (Cherry) | 32 | |
Rau củ | Rau muống, rau cải, cà chua, cà tím | 10 |
Cà rốt | 49 | |
Bí đỏ | 64 | |
Đậu | Đậu phộng | 19 |
Đậu nành | 18 | |
Đậu xanh | 30 | |
Sữa | Sữa gầy | 32 |
Sữa chua | 52 | |
Kem | 52 | |
Đường | Đường kính trắng | 86 |
Trên đây là bảng thống kê chỉ số đường huyết những loại thực phẩm thông thường có mặt trong bữa ăn hàng ngày. Tùy vào tình trạng bệnh và khuyến cao của bác sĩ mà mẹ có khẩu phần ăn hợp lý: vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng, vừa không làm tăng đường huyết một cách đột ngột.