Mẹ&Con – Mặc dù còn nhỏ,nhưng nếu không biết cách chăm sóc răng miệng trẻ sẽ rất dễ bị sâu răng. Cứ khoảng 10 trẻ 2 tuổi thì có 1 trẻ bị sâu răng. Tỷ lệ này tăng lên 28% khi trẻ lên 3 tuổi, và 50% khi trẻ bước vào tuổi lên 5.

 “Cái răng cái tóc là góc con người”. Không chỉ dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ, răng miệng còn là vấn đề sức khỏe quan trọng, liên quan chặt chẽ với sức khỏe tổng quát của con người. Cách chăm sóc răng miệng rất quan trọng, và cần phải được tiến hành ngay từ khi trẻ còn nhỏ – thậm chí trước khi chúng mọc những chiếc răng đầu tiên và duy trì cho đến hết cuộc đời.

Khi nào trẻ bắt đầu mọc răng?

Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, bởi thời điểm mọc răng sữa của mỗi đứa trẻ không giống nhau. Có nhiều trẻ mọc răng rất sớm, xong cũng có những trẻ mọc răng rất trễ so với mặt bằng chung khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Tuy nhiên, thông thường chiếc răng sữa đầu tiên ở trẻ sẽ mọc vào tháng thứ 6. Đây là chiếc răng nằm ở vị trí cửa hàm dưới. Cũng trong khoảng thời gian này, quá trình mọc răng sẽ bị đình trệ cho tới khi trẻ bước qua sinh nhật 1 tuổi mới tiếp tục tiếp diễn trơn tru.

Trước khi trẻ mọc răng, cách chăm sóc răng miệng đầu tiên mẹ cần làm là tiến hành lau nướu cho con. Mặc dù trước khi mọc răng, vi khuẩn trong miệng không gây hại cho nướu của trẻ nhưng vì không biết chính xác thời điểm khi nào răng trẻ bắt đầu mọc ra nên tốt nhất, khi trẻ được 5 tháng tuổi mẹ nên thực hiện thao tác này.

Hàng ngày dùng khăn mềm hoặc gạc quấn xung quanh ngón tay, nhúng với nước muối ấm pha loãng, nhẹ nhàng lau nướu và thỉnh thoảng rơ lưỡi để loại bỏ vi khuẩn còn sót lại sau mỗi lần bú. Nếu đã quen với việc được vệ sinh nướu, quá trình tập cho trẻ chải răng sau này cũng dễ dàng hơn.

Khi trẻ bắt đầu nhú những chiếc răng sữa đầu tiên, hãy cách chăm sóc răng miệng cho con bằng cách trang bị cho chúng một chiếc bàn chải đánh răng nhỏ nhắn với những sợi lông mềm mại. Răng sữa của trẻ cũng có rất nhiều vi khuẩn cư, trú tạo thành mảng bám giống như người lớn nếu không được vệ sinh.

Qúa trình mọc răng sữa sẽ kết thúc khi trẻ bước vào tuổi lên 2. Thời điểm này, về cơ bản răng của trẻ đã mọc khá đầy đủ (khoảng 20 chiếc).

Mách mẹ cách chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ sạch sẽ, an toàn 5

Tập cho trẻ thói quen chải răng 2 lần/ ngày là cách tốt nhất để ngăn ngừa sâu răng. (Ảnh minh họa)

Sâu răng – chuyện không hề nhỏ

Đừng nghĩ rằng sâu răng sữa không quan trọng, bởi sớm muộn những chiếc răng này cũng rụng đi, thay bằng răng vĩnh viễn. Tác dụng của răng sữa cũng giống như răng vĩnh viễn, đó là nhai nghiền thức ăn. Nếu trẻ bị rụng răng sữa quá sớm, chúng sẽ bị hạn chế khả năng tiêu hóa thức ăn và ảnh hưởng tới quá trình mọc răng vĩnh viễn. Răng vĩnh viễn sau khi mọc lên có thể bị lệch lạc, chen chúc hoặc nghiêng hàm. Hơn nữa, sâu răng sữa ở trẻ nhỏ cũng đau đớn không kém việc sâu răng trưởng thành ở người lớn. Chính vì vậy, biết cách chăm sóc răng miệng cho con càng sớm răng mọc càng khỏe, đẹp.

Giống như người lớn, khi bắt đầu biết chải răng trẻ nhỏ cũng cần chải răng 2 lần/ ngày, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy bằng bàn chải và kem đánh răng chuyên dụng.

Dưới 2 tuổi, nếu trẻ chưa kiểm soát được việc nuốt kem đánh răng phụ huynh vẫn nên tập cho con chải răng bằng nước muối pha loãng. 2 tuổi trở lên, khi trẻ đã biết nhổ nước bọt, lúc này kem đánh răng có chứa nồng độ fluor thấp là sự lựa chọn lý tưởng. Lý do bởi nếu trẻ nuốt phải quá nhiều fluor trong kem đánh răng, răng của trẻ sẽ bị xuất hiện những đốm trắng suốt đời và nguy cơ loãng xương sau này khá cao.

Các thao tác đánh răng của trẻ trong giai đoạn này có thể khiến mẹ cảm thấy rối mắt, nhưng thao tác, thứ tự chải răng thế nào chỉ là chuyện nhỏ. Quan trọng là mẹ phải dạy bé chải răng một cách toàn diện, chải nguyên hàm răng chứ không phải chỉ dừng lại ở những chiếc răng cửa hay răng hàm – nơi dễ dàng vệ sinh nhất. Đó mới là cách chăm sóc răng miệng phù hợp nhất.

Ở những khu vực như mặt trong của răng, chỗ tiếp giáp giữa răng và lợi… phần lớn trẻ khó có đủ kiên nhẫn để thực hành. Lúc này mẹ nên vừa chải răng làm mẫu cho trẻ, vừa cùng trẻ chải răng và giải thích lý do tại sao phải làm như vậy. Mẹ cũng đừng quên giúp trẻ chải nốt những chỗ còn sót lại nếu bé không thể.

Không phải đứa trẻ nào cũng chịu “hợp tác” cùng mẹ chải răng ngay trong lần đầu tiên. Tuy nhiên, mẹ  hãy kiên nhẫn cùng bé thực hành. Thỉnh thoảng pha một số câu chuyện sáng tạo, những câu nói hài hước hoặc một số trò chơi như “Truy tìm những chiếc răng ẩn nấp”, “Voi con phun nước”, “Bé ngoan chải răng thơm”… để giúp bé vui vẻ, tinh thần hợp tác của chúng sẽ cao hơn.

Cách chăm sóc răng miệng cho bé tuy hơi vất cả một chút nhưng để con yêu có hàm răng khỏe mạnh, hãy cố gắng động viên và giúp đỡ bé mẹ nhé!

Những thói quen giúp trẻ có hàm răng đẹp

  1. Uống nước lọc thay nước ngọt có gas

Phần lớn trẻ con đều có “niềm đam mê bất tận” với những lon nước ngọt có ga nhưng mẹ biết đấy, nước ngọt có ga lại là kẻ thù “không đội trời chung” của trẻ trong vấn đề bảo vệ răng miệng. Nước ngọt cũng góp phần gây béo phì cho trẻ, vì vậy hãy tập thói quen cho con uống nước lọc mỗi khi chúng bắt đầu cảm thấy khát.

Nước lọc – đặc biệt là nước lọc chứa fluoride không những tốt cho sức khỏe mà trong  vấn đề bảo vệ răng miệng, thường xuyên uống nước lọc chứa fluoride còn giúp giảm sâu răng lên tới 25%.

Mách mẹ cách chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ sạch sẽ, an toàn 6

Nếu trẻ bị sâu răng nặng, chỉ còn phần chân răng lúc này có thể nhổ vì nếu tiếp tục giữ lại, trẻ sẽ sinh bệnh hôi miệng do thức ăn đọng lại, khó làm sạch. (Ảnh minh họa)

  1. Hạn chế bú bình vào ban đêm

Tại sao bú bình vào ban đêm lại ảnh hưởng tới vấn đề răng miệng của trẻ? Lý do bởi lượng đường mà trẻ tiếp xúc thường xuyên và kéo dài sẽ tạo thành những mảng bám quanh răng. Lâu ngày, mảng bám này tạo thành axit và ăn mòn men răng, ngà răng, gây ra bệnh sâu răng ở trẻ.

Để khắc phục tình trạng này, mỗi khi bú xong mẹ hãy cho con uống nước lọc tráng miệng hoặc nếu bé không có bình sữa, không chịu đi ngủ thì mẹ chỉ nên bỏ nước lọc vào bình thôi.

  1. Hạn chế thức ăn nhiều đường và tinh bột

Ăn càng nhiều thực phẩm giàu đường và tinh bột như bánh kẹo, axit sẽ càng tấn công răng trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc sâu răng xuất hiện nhiều hơn. Chưa kể, ăn nhiều đồ ngọt còn khiến trẻ dễ bị béo phì. Giống như bú bình, sau khi ăn mẹ cũng nên cho bé súc miệng lại với nước sạch để loại bỏ những vi khuẩn hình thành nên mảng bám.

  1. Sử dụng chỉ nha khoa

Chỉ nha khoa dường như vẫn là đồ vật khá xa lạ với người Việt. Trên thế giới, trẻ em được sử dụng chỉ nha khoa từ khi mọc răng sữa. Sử dụng chỉ nha khoa thực sự là một trong những cách chăm sóc răng miệng rất tốt. Khi các răng sữa mọc khá sát nhau, trẻ cần dùng chỉ nha khoa để vệ sinh phần kẽ răng – nơi thường xuyên mắc kẹt phần thức ăn thừa.

  1. Không mớm thức ăn

Mẹ cần biết, vi khuẩn gây sâu răng có thể lây lan qua nước bọt. Khi người lớn mớm thức ăn hoặc cho trẻ ăn chung muỗng, làm sạch các vận dụng ăn của trẻ bằng cách ngậm vào miệng mình… tức đã gián tiếp mang vi khuẩn gây sâu răng làm hại trẻ. Mỗi trẻ em là một cá thể độc lập, chúng cũng cần dụng cụ ăn riêng mẹ nhé.

  1. Trám răng

Ngay khi manh nha phát hiện trên răng, nhất là răng hàm trẻ có dấu hiệu bị sâu hãy đưa con tới phòng khám nha khoa. Việc trám răng (trám bít các hố rãnh hay còn gọi là sealant) về cơ bản, giống như một hàng rào ngăn cách giữa răng trẻ và vi khuẩn gây sâu răng.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật và Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ, trám răng giúp giảm nguy cơ sâu răng cối lớn đến 80%. Bước vào tuổi đến trường, những đứa trẻ được trám răng sẽ có nguy cơ mắc sâu răng hơn trẻ khác 3 lần.

  1. Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Canxi là thành phần dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của xương và răng. Trẻ được cung cấp nhiều canxi sẽ có quá trình mọc răng diễn ra thuận lợi, chắc khỏe. Mẹ có thể tham khảo một số thực phẩm chứa nhiều canxi, phục vụ trong suốt quá trình mọc răng của trẻ như: Sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng gà, các loại rau xanh sẫm, đậu phụ, ngũ cốc…

  1. Khám răng định kì

Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần sẽ giúp các bác sĩ nha khoa theo dõi chính xác tình trạng phát triển của răng, và có hướng điều trị kịp thời nếu trẻ mắc các triệu chứng không bình thường như: Thiếu chỗ mọc răng, thiếu mầm răng, răng dư, những bất thường về xương hàm như cung hàm bị hẹp, thắng lưỡi bám thấp gây cản trở phát âm hay các bệnh về nướu răng, sâu răng… Hãy có cách chăm sóc răng miệng hợp lý ngay từ lúc này, đừng để tới khi trẻ bị sâu răng mới đưa chúng tới gõ cửa tìm bác sĩ.

Làm gì khi trẻ bị sâu răng?

Nếu răng trẻ bị sâu ít, phụ huynh nên đưa con đi trám răng hoặc điều trị tủy tùy tình trạng chứ đừng vội nhổ bỏ. Đặc biệt là đối với các răng số 4 và số 5, bởi thời gian thay những răng này còn khá xa, trung bình khi trẻ được 10 tuổi trở lên. Nếu trẻ bị sâu răng nặng, chỉ còn phần chân răng lúc này có thể nhổ vì nếu tiếp tục giữ lại, trẻ sẽ sinh bệnh hôi miệng do thức ăn đọng lại, khó làm sạch.

 

Bài viết liên quan