Mẹ&Con – Bạn đã có không “ít lần” bó tay vì bé yêu cứ bị các cơn nấc cụt quấy rầy? Bạn đang đau đầu tìm cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh mà vẫn chưa tìm thấy? Đây là lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa dành cho bạn…
Nấc cụt là gì?
Nấc là trong những hiện tượng rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. Đây là biểu hiện của sự co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành và cơ liên sườn. Khi cơ hoành bị co thắt thanh môn đóng lại đột ngột và phát ra âm thanh đặc trưng của tiếng nấc. Thông thường, nấc cụt trẻ sẽ có tần suất từ 4-60 lần/ phút.
Nấc cụt diễn ra trong vòng vài phút cho đến khoảng 24 giờ là bình thường. Tuy nhiên, nếu nấc cụt kéo dài quá 48 giờ hoặc tái phát theo chu kỳ thì thường xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Bạn nên đưa bé đến cơ quan y tế để kịp thời thăm khám và điều trị.
Nguyên nhân khiến bé bị nấc cụt
Như Mẹ&Con đã đề cập ở trên, nấc cụt không nguy hiểm. Khi trẻ đạt từ 12 tháng tuổi trở lên, đường tiêu hóa dần hòa thiện thì số lần bị nấc cụt sẽ giảm đi.
Về nguyên nhân của hiện tượng nấc cụt, loại trừ các bệnh nguy hiểm như tổn thương dây thần kinh, u não… các chuyên gia cho rằng, cơn nấc cụt ở trẻ thường xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Hệ tiêu hóa gặp vấn đề
Điển hình nhất chính là hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Khi axit trong dạ dày của trẻ dâng lên tràn vào thực quản sẽ gây nên hiện tượng nấc ở trẻ nhỏ. Với nguyên nhân này, bạn cần phải đến thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa, tránh để tình trạng trở nên trầm trọng thêm.
Dạ dày căng đầy hơi
Về bản chất thì nấc cụt là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi dạ dày bị căng. Do đó, nếu trẻ cười đùa quá nhiều, bú mẹ hay bú bình không đúng cách khiến cho dạ dày ứ đầy hơi cũng sinh ra hiện tượng nấc cụt.
Nền nhiệt thay đổi đột ngột
Rất nhiều bố mẹ không chú ý nhưng trên thực tế là khi nhiệt độ thay đổi, không khí lạnh đi vào phổi làm cho thân nhiệt trẻ giảm xuống. Đó cũng là lý do khiến trẻ bị nấc cụt.
Cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh
Cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh phải dựa trên nguyên nhân khiến trẻ bị nấc. Tuy nhiên, trong giới hạn một bài viết không đủ để giải quyết triệt để tất cả các nguyên nhân khiến bé bị nấc. Chính vì thế, trong một nội dung bài viết này, Mẹ&Con không đề cập đến những nguyên nhân bệnh lý mà chỉ tập trung xử lý các vấn đề đã nêu, nhằm giúp trẻ thoát khỏi trạng thái khó chịu và khôi phục sự thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày.
Giúp luồng hơi thoát ra ngoài
Với nguyên nhân trẻ bị nấc vì quá no, mẹ có thể bế bé đứng thẳng dậy và đặt cằm của bé tựa lên vai. Sau đó, mẹ vuốt nhẹ liên tục ở lưng để luồng hơi đã đi vào thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể chụm bàn tay lại và vỗ vào lưng như cách cho trẻ ợ hơi thông thường để làm giảm các cơn nấc của bé. Khi bé ợ, tần suất nấc cụt sẽ giảm đi.
Một trong những cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh khác cũng được các chuyên gia khuyên dùng đó là chọc cho bé… cười. Lúc này, mẹ đặt bé lên mặt phẳng nghiêng 30 độ rồi nhẹ nhàng đùa giỡn với bé để cho bé cười. Khi đó, áp lực không khí trong dạ dày sẽ giảm và giúp bé đỡ nấc cụt. Tuy nhiên, khi dùng cách này mẹ cũng cần chú ý xem thái độ của bé như thế nào. Nếu bé không hợp tác, mẹ nên dừng lại ngay nhé!
Cho bé uống nước ấm
Khi bé bị nấc cụt, mẹ có thể cho bé uống một ít nước ấm bằng thìa. Nhờ nước ấm, thực quản và các cơ của bé sẽ giãn ra giúp chúng trở về trạng thái thư giãn nhất. Từ đó, luồng hơi dễ dàng thoát ra ngoài. Bé của bạn vì thế sẽ không còn bị các cơn nấc cụt làm phiền nữa.
Để đảm bảo an toàn cho bé khi xử lý nấc bằng nước ấm, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau: Khi dùng nước ấm cho bé uống là mẹ phải kiểm tra độ nóng của nước và thận trọng khi cho bé uống. Mẹ nên chọn giữa 2 lần nấc để tránh làm bé bị sặc. Đồng thời, nếu bé bị sặc sau cữ bú, mẹ nên áp dụng cách giúp luồng hơi thoát ra ngoài khi dùng nước ấm để bé không nạp quá nhiều chất lỏng, dễ bị nôn trớ.
4 cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh
Cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh thứ 1: Mẹ ngồi thẳng, áp bé vào ngực mẹ, để đầu tựa vào vai mẹ. Một tay mẹ giữ ở mông, tay còn lại khép thành hình vòm và vỗ nhẹ vào lưng bé.
Cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh thứ 2: Đặt bé ngồi lên đùi mẹ, dùng một tay đỡ cằm và cổ tay đặt ở ngực bé, tay còn lại vỗ hoặc xoa nhẹ nhàng vào lưng. Lúc này, mẹ nên nghiêng bé về phía trước để đẩy luồng hơi ra ngoài dễ dàng hơn.
Cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh thứ 3: Cho bé nằm sấp trên đùi mẹ và đảm bảo là đầu cao hơn thân người để bé không bị trào ngược. Vỗ nhẹ nhàng cho bé tống hơi ra ngoài.
Cách chữa nấc cụt cho trẻ sơ sinh thứ 4: Dùng hai ngón tay bịt hai bên lỗ tai của trẻ trong khoảng 30 giây rồi thả ra. Lặp lại từ 10 -15 lần. Cách làm này giúp tập trung hơi thoát ra ở miệng, giúp bé nhanh chóng giải tỏa cơn nấc.
Đề phòng bé bị nấc cụt
Để giúp bé tránh được những cơn nấc cụt “đáng ghét”, mẹ có thể thực hiện theo một số lời khuyên sau đây:
- Tập trung khi cho bé bú, tránh để bé cười đùa quá nhiều.
- Khi cho bé bú phải thực hiện đúng tư thế và các hướng dẫn để bé không nuốt hơi
- Sau khi bé bú no, mẹ cần dành một khoảng thời gian từ 10 – 20 phút bế bé thẳng đứng để giúp bé nhanh ợ hơi
- Nếu bé thường xuyên bị nấc, mẹ nên chia nhỏ cữ bú, giúp hệ tiêu hóa không bị quá tải
- Giữ cho nhiệt độ môi trường xung quanh bé không thay đổi đột ngột bằng cách điều chỉnh điều hòa và thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của bé
Ngăn ngừa nấc cụt ở trẻ sơ sinh
Có một số cách để giúp ngăn ngừa các cơn nấc cụt ở trẻ. Tuy nhiên, rất khó để ngăn ngừa nấc cụt hoàn toàn vì nguyên nhân bị nấc không phải luôn luôn rõ ràng. Mẹ nên thử các phương pháp này để giúp ngăn ngừa nấc cụt ở trẻ:
- Đảm bảo bé yêu bình tĩnh khi cho bé ăn. Có nghĩa là không đợi cho đến khi bé đói đến mức buồn và khóc trước khi bắt đầu ăn. Khi bé khóc nhiều sẽ nuốt hơi nhiều gây nấc.
- Hãy thử cho bé bú số lượng ít hơn nhưng bú nhiều bữa hơn.
- Nếu mẹ cho trẻ bú bình, nên cho bé ợ hơi sau bú mỗi hau hoặc ba phút trong suốt quá trình bú, nên dùng bình sữa có van chống sặc và chống đầy hơi.
- Nếu mẹ cho con bú sữa mẹ, nên cho bé ợ hơi sau mỗi lần chuyển sang vú kia và cho bé ngậm quầng vú chứ không phải ngậm đầu ti.
- Giữ bé ở tư thế thẳng đứng trong khoảng từ 20 – 30 phút sau mỗi cữ bú.
- Sau khi cho bú, tránh hoạt động nặng với bé, chẳng hạn cho bé nảy lên hay xuống hoặc các trò chơi đòi hỏi bé vận động nhiều.