Mẹ&Con – Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng biếng ăn. Tuy nhiên, cách giúp trẻ hết biếng ăn của mẹ Việt lại là một nguyên nhân khác dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ trở nên “khó chữa” hơn. Vậy phải làm sao để trẻ hứng thú hơn trong bữa ăn và ăn đủ khẩu phần trong sự thoải mái?
Chứng biếng ăn sẽ khiến cơ thể trẻ còi cọc, suy giảm hệ miễn dịch, chậm phát triển. Trẻ biếng ăn dẫn tới thiếu các khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, vitamin A, C, D… Trẻ em bị suy dinh dưỡng đa phần nguyên nhân chính là do biếng ăn, cơ thể không hấp thụ được những dưỡng chất và chỉ số tăng trưởng thấp dẫn tới việc trẻ thấp bé hơn so với các bạn đồng trang lứa.
Để có cách giúp trẻ hết biếng ăn đòi hỏi mẹ phải có sự hiểu biết về khẩu phần ăn, thực đơn cho trẻ cũng như kiên trì trong việc chăm sóc. Gây sức ép để trẻ ăn là điều không nên bởi nó có thể gây nên tâm lý không tốt ở trẻ, khiến trẻ cảm thấy áp lực mỗi khi tới bữa. Việc đầu tiên bố mẹ cần làm đó là tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, từ đó có cách giúp trẻ hết biếng ăn hiệu quả nhất.
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn như do bệnh lý của bé, do tâm lý hoặc do thực đơn món ăn của bé chưa đủ hấp dẫn. Việc tìm ra nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn là bước đầu rất quan trọng giúp mẹ có cách giúp trẻ hết biếng ăn hiệu quả hơn.
Trẻ biếng ăn do tâm lý
Trẻ biếng ăn do tâm lý là một trong những nguyên nhân chính thường gặp. Nhiều mẹ không quan tâm đến sở thích của con cũng như không tìm hiểu kỹ chế độ dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần ăn của trẻ. Cho nên, khi trẻ từ chối không ăn vì món ăn không hợp khẩu vị hoặc bé chưa cảm thấy đói, mẹ sẽ cho rằng bé kén ăn mà không tìm hiểu cụ thể nguyên nhân.
Mẹ ép trẻ ăn bằng cách dỗ bé ăn, quát mắng trẻ hoặc nhờ sự trợ giúp của một người lạ mặt khiến bé phải ăn hết phần ăn của mình.
Hơn thế nữa, khi trẻ bị gò bó vào một khuôn khổ nào đó hoặc bị đánh lừa, bé sẽ cảm thấy chán ghét và bày tỏ thái độ bằng cách khóc hoặc bỏ trốn khi đến bữa ăn. Vậy nên, việc ép trẻ ăn bằng những cách đánh vào tâm lý trẻ, sẽ khiến trẻ cảm thấy áp lực và tìm mọi cách để trốn tránh.
Thực đơn nhàm chán
Thực đơn nhàm chán, ít thay đổi cũng là một trong những lý do chính dẫn đến việc trẻ biếng ăn. Trẻ sẽ cảm thấy không hứng thú với các món ăn nếu phải ăn một món kéo dài trong nhiều ngày, hoặc món ăn bị lặp lại với những cách chế biến đơn điệu, không kích thích được vị giác của trẻ.
Chế độ ăn mất cân đối
Việc cân bằng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ rất quan trọng. Bởi lẽ, nếu trẻ ăn quá nhiều một loại thực phẩm nào đó trong một thời gian dài sẽ gây nên tình trạng thiếu các vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B, vitamin C, A, D, các yếu tố vi lượng, lysin (một axit amin có tác dụng kích thích khẩu vị tốt), làm giảm sự thèm ăn ở trẻ, dẫn đến thiếu các thành phần quan trọng trong chức năng chuyển hóa và tiêu hóa của cơ thể.
Bên cạnh đó, nhiều mẹ thường tạo thói quen cho trẻ ăn vặt vì nghĩ rằng các món ăn vặt sẽ giúp bù lại lượng dinh dưỡng chưa cung cấp đủ trong bữa ăn chính và giúp trẻ tăng cân nhanh hơn. Thế nhưng, điều đó hoàn toàn ngược lại. Nhiều loại thức ăn vặt có chứa rất nhiều phụ gia sẽ làm giảm hệ miễn dịch của trẻ và tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Hơn thế nữa, khi được ăn những món ăn vặt quá nhiều, bé sẽ cảm thấy những món chính của bé trở nên nhàm chán, dẫn đến tình trạng bỏ ăn ở trẻ.
Trẻ biếng ăn do bệnh lý
Một số trẻ biếng ăn do mắc bệnh như nhiễm giun, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các bệnh lý về tiêu hóa. Những căn bệnh này khiến cơ thể trẻ mệt mỏi, gây nên cảm giác chán ăn. Khi trẻ gặp những vấn đề này, phụ huynh nên gặp bác sĩ để có cách giúp trẻ hết biếng ăn triệt để. Ngoài ra, mẹ cũng cần cho trẻ ăn những món mà trẻ yêu thích, có mùi vị thơm ngon để kích thích trẻ ăn nhiều hơn, thức ăn nên chế biến ở dạng lỏng và mềm để giúp trẻ dễ tiêu hóa và tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, mẹ nên xổ giun cho bé theo định kỳ để tránh các loại ký sinh trùng gây bệnh ngoài ý muốn.
Tâm lý của mẹ Việt khi trẻ biếng ăn
Khi thấy trẻ biếng ăn, các bà mẹ thường tìm đủ mọi cách để khuyến khích con ăn, thay vì tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.
Ép trẻ ăn
Đây là tâm lý chung của mẹ Việt, đặc biệt thấy trẻ nhẹ cân hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Mẹ cố ép trẻ ăn bằng cách dỗ dành, quát mắng, la hét hoặc nhờ một người khác nói to tiếng để khiến trẻ sợ hãi và phải ăn phần ăn của mình.
Việc ép trẻ ăn không những không phải là cách giúp trẻ hết biếng ăn mà còn dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và tâm lý của trẻ. Khi trẻ vừa khóc vừa ăn có thể dẫn tới sặc cháo, thức ăn, cơm rất nguy hiểm cho sức khỏe và thậm chí là tính mạng của trẻ.
Cho trẻ xem truyền hình, sử dụng các thiết bị điện tử
Để trẻ ăn hết khẩu phần nhanh chóng, mẹ Việt thường cho trẻ xem truyền hình hoặc xem trực tuyến bằng điện thoại hay các thiết bị điện tử. Việc này lâu ngày sẽ là một mối nguy hiểm khôn lường đến thói quen cũng như tâm lý của trẻ.
Cho trẻ xem tivi hoặc sử dụng các thiết bị điện tử khác sẽ làm phân tán sự chú ý của trẻ trong khi ăn, khiến trẻ hấp thu thức ăn một cách thụ động, không những không tốt cho hệ tiêu hóa mà còn khiến trẻ hình thành những thói quen xấu khi ăn. Lúc này, trẻ sẽ không cảm nhận được mùi vị, màu sắc của món ăn dẫn đến việc trẻ sẽ bị hạn chế trong việc phân tích và nhận biết về mọi thứ xung quanh mình.
Mặt khác, khi bố mẹ vô tình tạo thói quen cho trẻ vừa ăn vừa xem truyền hình hoặc sử dụng thiết bị điện tử, hành vi xã hội của trẻ sẽ trở nên tệ hơn: cáu gắt, ương bướng hơn, trẻ sẽ đòi hỏi và ra điều kiện chỉ ăn khi bố mẹ đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
Dắt trẻ đi dạo
Đây là cách giúp trẻ hết biếng ăn mà hầu hết các bậc cha mẹ ở Việt Nam thường áp dụng. Thói quen này được hình thành từ khi các bé bắt đầu ăn dặm, và việc dắt trẻ đi dạo để trẻ ăn hết phần ăn của mình bắt buộc phải diễn ra mỗi ngày khi trẻ bắt đầu quen với cách ăn này.
Ngoài ra, việc dắt trẻ đi dạo khi ăn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh thực phẩm: bụi bặm, vi khuẩn gây bệnh.
Cách giúp trẻ hết biếng ăn theo kiểu mẹ Nhật
Thay vì ép trẻ ăn, mẹ Nhật có những cách tinh tế và khoa học hơn khắc phục chứng biếng ăn và giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với bữa ăn của mình. Việc đầu tiên mẹ Nhật làm khi trẻ biếng ăn đó là sẽ tìm hiểu nguyên nhân trẻ biếng ăn và tìm ra giải pháp phù hợp với trẻ.
Trẻ không muốn ăn
Trẻ không hứng thú với thức ăn có nhiều nguyên do: không cảm thấy đói hoặc buồn ngủ. Cách giúp trẻ hết biếng ăn khi trẻ không muốn ăn của mẹ Nhật là thay đổi thời gian ăn cho bé, không lệch với khoảng thời gian ăn hàng ngày quá nhiều để bé được nghỉ ngơi, mẹ Nhật có thể dắt trẻ đi dạo để bé cảm thấy nhanh đói hoặc cho bé ngủ một giấc ngắn để giúp bé tỉnh táo, thoải mái hơn.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến bé cảm thấy ngán ngẩm trong mỗi bữa ăn đó là do thức ăn của bé không hấp dẫn và bắt mắt. Vậy nên, mẹ Nhật thường rất chăm chút vào khẩu phần ăn của bé. Ngoài đầy đủ dinh dưỡng trong một phần ăn thì mẹ Nhật sẽ đầu tư thời gian cho việc trang trí để dĩa thức ăn của trẻ trở nên hấp dẫn hơn, kích thích vị giác của trẻ.
Bên cạnh đó, mẹ Việt hãy thử kích thích sự tò mò về thức ăn của trẻ bằng cách thử ăn một miếng nhỏ trong phần ăn của trẻ và khen “Ngon quá!”. Bé sẽ cảm thấy thích thú, tò mò và hào hứng hơn với thức ăn của mình. Hơn thế nữa, việc tạo cảm giác thoải mái bằng cách trò chuyện cùng trẻ trong mỗi bữa ăn sẽ giúp bé cảm thấy không bị áp lực và sẵn sàng tự giác hơn trong khi ăn.
Trẻ không chịu nuốt thức ăn
Nguyên nhân khiến trẻ ngậm thức ăn và không chịu nhai đa phần là do hương vị của món ăn không đủ hấp dẫn. Mẹ nên thử nghiệm các món có mùi vị khác nhau, đa dạng cách chế biến để tìm được món bé thích và không thích. Hơn nữa, việc này còn giúp bé hào hứng khám phá, muốn thử mùi vị của những món ăn mới lạ.
Việc bé không chịu nuốt thức ăn có thể còn do thức ăn quá cứng, khiến bé cảm thấy lười nhai. Vì vậy, mẹ cần chế biến món ăn của bé mềm, lỏng và tăng độ thô của món ăn lên dần dần để con làm quen với món ăn cứng.
Trẻ không chịu ngồi ăn
Không riêng mẹ Việt, mẹ Nhật cũng gặp khó khăn trong việc bé quấy khóc, không chịu ngồi yên một chỗ trong bữa ăn.
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi không tốt của bé, nhưng phần lớn là do trẻ muốn được tự tay cầm thìa xúc đồ ăn hoặc dùng tay không để ăn. Khi đó, mẹ hãy thoải mái để bé tự xúc ăn và chỉ cần để mắt đến bé, đảm bảo con không nghịch đồ ăn của mình.
Để tập cho trẻ ngồi yên một chỗ trong bữa ăn thì mẹ Việt nên nắm được tâm lý của trẻ. Thông thường, trẻ sẽ chịu ngồi yên để tập trung ăn trong khoảng 20 – 30 phút. Cho nên, mẹ cần chắc chắn rằng bữa ăn của trẻ chỉ nên diễn ra trong khoảng thời gian này, trước khi trẻ cảm thấy chán nản và không chịu hợp tác.
Khi mẹ thực hiện việc này trong một khoảng thời gian ngắn, trẻ sẽ nhanh chóng quen và tự giác hơn trong bữa ăn của mình mà không cần sự trợ giúp của mẹ.
Ăn dặm là khoảng thời gian vô cùng quan trọng khi bé chập chững bước từng bước khám phá những điều mới lạ về thức ăn. Nếu trẻ có một số biểu hiện của chứng biếng ăn, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để có cách giúp trẻ hết biếng ăn phù hợp, tránh tình trạng biếng ăn kéo dài có thể gây ra bệnh còi xương, suy dinh dưỡng…
Cuối cùng, mẹ cần thật thoải mái để mỗi bữa ăn của con ngập tràn trong niềm vui và sự hào hứng.