Mẹ&Con – Chăm sóc trẻ sinh non khó khăn hơn rất nhiều so với trẻ sinh thường. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non cần những gì và nên tránh những gì? Tham khảo bài viết dưới này của Mẹ&Con để có thêm kiến thức chăm sóc bé yêu, mẹ nhé!

Chăm sóc trẻ sinh non: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non 4

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non

Sữa mẹ luôn là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trong việc chăm sóc trẻ sinh non. Song trong nhiều trường hợp ngoại lệ: Mẹ không đủ sữa cho trẻ bú, mẹ bị mất sữa… thì sữa công thức loại dành riêng cho trẻ sinh non rất cần thiết.

Lượng sữa công thức cung cấp cho trẻ lúc này chỉ nên bằng 1/3 nhu cầu hàng ngày của chúng, và giảm dần tới khi mẹ đủ sữa hoàn toàn. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ hãy tuân thủ theo nguyên tắc sau: Từ ít đến nhiều, từ mềm đến cứng, từ loãng đến đặc và làm quen với đa dạng thức ăn. Song song với đó, theo dõi sự tiêu hóa của trẻ xem có xảy ra trục trặc gì không.

Thực phẩm mà trẻ sinh non cần được bổ sung nhất khi bước vào quá trình ăn dặm, đó là các loại ngũ cốc, rau xanh, trái cây và thịt trộn với vài giọt dầu ăn. Bột yến mạch và bột lúa mạch đứng đầu trong danh sách các loại ngũ cốc chăm sóc trẻ sinh non, bởi chúng chứa nhiều hàm lượng chất sắt hơn cả.

Ban đầu khi mới bước vào quá trình ăn dặm, chỉ nên cho bé ăn khoảng 50ml dung dịch thức ăn dặm, sau đó tăng lên 80 ml, 100ml để hệ tiêu hóa của trẻ phối hợp trong việc thích ứng. Chăm sóc trẻ sinh non kĩ càng là điều tốt, nhưng bật mí rằng ở tuổi này, trẻ thông minh tới mức có thể tự hiểu được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể mình. Chúng biết khi nào mình đói, khi nào mình no nên phụ huynh đừng cố tình ép trẻ ăn khi con có những biểu hiện như mím chặt môi, ngoảnh mặt quay đi… Điều này không những không giúp trẻ hấp thụ thêm mà còn khiến trẻ dễ mắc chứng biếng ăn.

Chăm sóc trẻ sinh non: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non 5

Bên cạnh đó, trẻ cũng có sự lựa chọn và chính kiến riêng của mình. Nếu là loại thức ăn mình thích, trẻ sẽ chăm chỉ “măm măm” nhiều hơn. Còn nếu không thích mùi vị hoặc kết cấu của một loại thức ăn nào đó, việc trẻ không hợp tác, khó chịu, “phun mưa” là điều khó tránh khỏi. Những biểu hiện này của trẻ sẽ giúp mẹ linh hoạt hơn trong việc chọn lựa cũng như chế biến thức ăn dặm, chăm sóc trẻ sinh non.

Trong quá trình cho con ăn dặm, tuyệt đối chú ý tới các phản ứng của trẻ để đề phòng dị ứng thức ăn. Với mỗi món ăn mới, nên cách nhau ít nhất 2 tuần để trẻ kịp làm quen và ghi nhớ món ăn cũ, cũng như xác định được trẻ có bị dị ứng với những loại thực phẩm đó hay không. Nếu thấy trẻ có biểu hiện dị ứng hay rối loạn tiêu hóa, cần đưa ngay tới bệnh viện để thăm khám. Tuyệt đối không chủ quan, sửa đổi thực đơn vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, khó điều trị hơn.

Gợi ý một số thực đơn ăn dặm cho trẻ sinh non

1. Thực đơn ăn dặm với yến mạch
• Yến mạch trộn sữa
Chuẩn bị
– Bột yến mạch: 50g (1 muỗng canh); Sữa bột: 2 muỗng
Tiến hành:
– Khuấy đều yến mạch với 300ml nước sôi. Yến mạch nở hết, tiếp tục đổ sữa vào và khuấy đều. Cuối cùng, chỉ cần để nguội và cho trẻ thưởng thức.

• Yến mạch trái cây trộn sữa
Chuẩn bị: Yến mạch: 1 muỗng canh; Kiwi: 2 trái; Sữa bột: 2 muỗng
Tiến hành:
– Kiwi mài lấy phần cơm, yến mạch trộn với nước sôi, khuấy đều cho nở bung ra. Đợi đến khi yến mạch hơi nguội, bỏ kiwi và sữa bột vào khuấy đều cho bé yêu “măm măm”.

• Cháo yến mạch bí đỏ
Chuẩn bị
– Yến mạch: 30g; Bí đỏ: 100g; Phô mai tươi: 1 muỗng; Gia vị: Dầu ăn, đường
Tiến hành:
– Bí đỏ rửa sạch, thái lát mỏng, nấu chín rồi bỏ vào máy xay, xay nhuyễn. Trộn yến mạch với nước sôi để yến mạch nở ra. Trộn lẫn hỗn hợp bí đỏ và yến mạch, thêm một chút đường và vài giọt dầu ăn để trẻ vừa miệng hơn. Nấu 3 – 5 phút là được.

2. Thực đơn ăn dặm với rau củ quả

• Súp khoai tây sữa
Chuẩn bị:
– Khoai tây: ½ củ; Sữa bột: 2 muỗng canh
Tiến hành:
– Khoai tây luộc chín, sữa bột pha với nước. Đun cả hai trên lửa liu riu khoảng 10 phút, để nguội, nghiền thành súp.

• Cháo bắp ngô

Chuẩn bị:
– Hạt ngô: 2 muỗng canh; Cháo trắng: 1 muỗng canh; Dầu ăn
Tiến hành:
– Nấu cháo cùng với hạt ngô, sau đó xay nhuyễn và lọc bỏ bã để tránh trường hợp trẻ hóc, nghẹn. Thêm vài giọt dầu ăn sẽ giúp trẻ hấp thu được nhiều dinh dưỡng hơn.

• Cháo rau chân vịt

Chuẩn bị:
– Rau chân vịt: 2 muỗng canh; Cháo trắng: 1 muỗng canh; Dầu ăn
Tiến hành:
– Rau chân vịt rửa sạch, chỉ lấy phần lá. Luộc rau chín thì xay nhuyễn, trộn với cháo trắng. Cuối cùng, thêm dầu ăn vào và đợi cháo nguội.

3. Thực đơn ăn dặm với các loại thịt

• Cháo thịt bò bí đỏ, nấm

Chuẩn bị:
– Thịt bò xay nhuyễn: 20g (1/2 muỗng); Bí đỏ, nấm thái hạt lựu: 2 muỗng canh; Cháo trắng: 2 muỗng. Dầu ăn, gia vị.
Tiến hành:
– Thả bí đỏ và nấm vào nấu tới khi chín mềm thì cho cháo vào nấu cùng. Đợi nguội, bỏ vào máy xay nhuyễn rồi đổ lại vào nồi. Thêm thịt bò vào khuấy nhanh tay. Tất nhiên, không thể thiếu gia vị và một chút dầu ăn để có món cháo ngon lành, bổ dưỡng. Đây là món ăn rất tốt trong việc chăm sóc trẻ sinh non đấy.

• Cháo thịt heo bí xanh

Chuẩn bị:
– Thịt heo nạc băm nhuyễn: 1 muỗng canh; Cháo (hoặc bột gạo): 2 muỗng; Bí xanh băm nhuyễn: 1 muỗng canh
Tiến hành:
– Hòa thịt heo với nước lạnh cho tan đều, sau đó đổ bí xanh vào đun sôi. Khi bí xanh chín thì tắt bếp, nhanh tay trộn cháo (hoặc bột) vào. Đừng quên bỏ thêm một chút gia vị và dầu ăn nữa, mẹ nhé!

• Cháo thịt gà nấu rau chùm ngây

Chuẩn bị:
– Cháo trắng: 2 muỗng canh; Thịt gà: 20g; Rau chùm ngây: 2 muỗng canh; Phomai con bò cười: 1 miếng; Dầu ăn, gia vị.
Tiến hành:
– Thịt gà chọn miếng lườn nhiều thịt, rửa sạch, băm nhỏ, xào chín với hành khô và dầu oliu. Rau chùm ngây trần qua với nước sôi để khỏi hăng, xay nhuyễn sau đó nhớ rây lại. Phô mai đánh tan.
• Trước tiên nấu cháo với thịt gà, khi cháo sôi lăn tăn thì cho rau chùm ngây vào ngoáy đều. Tiếp đến thêm dầu ăn, gia vị và khi tắt bếp cho phô mai đánh tan vào. Món cháo thịt gà nấu rau chùm ngây đã sẵn sàng cho bé yêu thưởng thức.

Mẹ thấy đấy, việc chăm sóc trẻ sinh non tuy không dễ nhưng nếu nắm bắt được những kiến thức cơ  bản này thì tất cả dường như trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, phải không?

Bài viết liên quan