Mẹ&Con – Mẹ chuẩn bị mang thai sau sinh non trước đó? Tất tần tật những thông tin về sinh non và cách phòng chống sinh non “tập 2” cho mẹ có trong bài viết này, rất hữu ích cho mẹ đấy. Đừng bỏ lỡ nhé!
Sinh non có lặp lại ở lần mang thai sau?
Nếu mẹ từng có tiền căn sinh non thì những lần mang thai tới hoàn toàn có thể xảy ra điều tương tự. Một loạt nghiên cứu cho thấy rằng, nguy cơ sinh sớm ở lần sau sẽ là khoảng 15 – 30 % đối với những mẹ từng sinh non một lần. Nguy cơ này tăng lên khi mẹ đã từng sinh sớm so với dự tính hai, ba lần lên đến khoảng 60%. Trường hợp mẹ từng sinh non một lần, nhưng lần tiếp theo vẫn sinh đủ tháng thì nguy cơ sinh non ở lần này sẽ giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, tỷ lệ sinh non ở “tập 2” hay “tập 3”… cũng có mối liên quan với đặc điểm sinh non của những lần mang thai trước đó, như:
- Nếu lần mang thai trước, mẹ sinh non do có chỉ định chấm dứt thai kỳ thì lần mang thai này, tỷ lệ sinh non là khoảng 23%.
- Nếu lần mang thai trước đó, mẹ sinh non tự nhiên thì lần mang thai này, tỷ lệ sinh non là khoảng 30%.
Ngoài ra, với các mẹ mang song thai hoặc đa thai đã từng có tiền sử sinh non thì lần mang thai này, khả năng sinh non cũng sẽ cao hơn so với các mẹ cũng mang song thai nhưng chưa từng sinh non gấp nhiều lần.
Những mẹ đã từng hút thai, nạo phá thai thì nguy cơ sinh non cũng sẽ gia tăng theo số lần phá thai. Sảy thai tự nhiên, đặc biệt ở những bà mẹ hay tái phát nhiều lần hoặc sảy thai tự nhiên trong 3 tháng giữa thai kỳ cũng là yếu tố làm tăng tỷ lệ sinh non.
Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo ngại, bởi có thể mẹ cũng nằm trong phần lớn các trường hợp không tái phát tình trạng sinh non ở lần mang thai kế tiếp. Điều quan trọng là mẹ cần chăm sóc sức khỏe thật tốt trước và trong thai kỳ, cả hai vợ chồng cần đi kiểm tra sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản để chắc chắn có đủ khả năng hoặc cần cải thiện những gì trước khi có ý định mang thai sau sinh non. Bên cạnh đó, việc thăm khám thai định kỳ với một bác sĩ chuyên khoa sản riêng và luôn chú ý theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sinh sớm cũng giúp mẹ loại bỏ cơn ác mộng “bé đòi ra sớm” đấy!
Chuẩn bị mang thai sau sinh non bao lâu?
Sau sinh non, mẹ bầu gặp vô số bất ổn trên cả phương diện sức khỏe và tâm lý. Đặc biệt, cơ quan sinh sản vừa trải qua giai đoạn làm việc “vất vả” nên rất cần thời gian nghỉ ngơi, phục hồi để sẵn sàng cho lần thụ thai kế tiếp.
Tốt nhất, chuẩn bị mang thai sau sinh non, mẹ cần đợi ít nhất một năm hoặc lý tưởng là 18 tháng sau sinh con. Đây là khoảng thời gian đủ để cơ thể phục hồi, giúp giảm tỷ lệ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân trong lần mang thai tiếp theo. Đồng thời, anh/ chị của bé cũng đủ lớn để mẹ có thể chăm sóc tốt nhất cho thai kỳ tới.
Mang thai liên tục, đặc biệt khi việc thụ thai xảy ra trong vòng 6 tháng sau sinh, cơ thể mẹ sẽ không có đủ thời gian nghỉ ngơi và phục hồi. Điều này có thể khiến tình trạng sinh non tái diễn lần nữa. Bởi lẽ, mẹ đã “tiêu tốn” phần lớn dinh dưỡng và sức lực của mình cho giai đoạn mang thai, sinh nở và chăm sóc em bé non tháng trước đó. Vì vậy, lời khuyên dành cho mẹ là tránh mang thai ngay sau khi sinh, cần chờ thêm một thời gian để cơ thể hồi phục.
Mang thai trong khoảng 12 tháng sau khi sinh, không chỉ làm tăng khả năng sinh non mà còn dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác như:
- Nhau thai bong non
- Nhau thai tiền đạo
- Bé có nguy cơ tự kỷ cao
- Bé nhẹ cân
Dinh dưỡng chuẩn bị mang thai sau sinh non
Dù không trực tiếp phòng ngừa sinh non nhưng ăn uống đầy đủ và lành mạnh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định thai kỳ, phòng ngừa các rủi ro. Vậy thế nào được xem là ăn uống đầy đủ và lành mạnh?
Ăn uống đầy đủ
Ăn uống đầy đủ chính là ăn đủ bữa, cân bằng các chất dinh dưỡng, nhất là 7 dưỡng chất quan trọng cần tăng cường trước khi mang thai dưới đây:
Axit folic (vitamin B9): tồn tại nhiều trong các loại ngũ cốc (gạo, ngô, yến mạch…) cùng các chế phẩm từ ngũ cốc (bánh mỳ, mỳ sợi, mỳ ống…). Ngoài ra, axit folic cũng được tìm thấy trong trứng, cà chua, các loại đậu, thực phẩm có màu xanh lá (súp lơ xanh, măng tây, cải bó xôi, mướp, bắp cải, rau mầm…) và một số loại quả (bơ, cam, quýt, dưa vàng…).
Canxi: Sữa là nguồn giàu có nhất của canxi. Ngoài ra, canxi còn tồn tại trong các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá, cam, hạnh nhân, hạt mè…
Sắt: có mặt trong hầu hết các loại thịt đỏ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, cá mòi, trái cây khô, rau lá xanh… Ngoài thực phẩm, mẹ có thể uống thêm viên bổ sung sắt.
Vitamin A: có nhiều trong các thực phẩm màu đỏ hoặc cam như cà rốt, gấc, bí đỏ, khoai lang, sữa, gan động vật và các loại rau xanh.
Vitamin D: Ánh nắng mặt trời là nguồn vitamin D tuyệt vời. Ngoài ra, loại vitamin này còn có trong sữa, các loại nấm và cá béo.
Protein: Thịt nạc, trứng, hải sản, các loại đậu… là những thực phẩm dồi dào protein.
DHA: là axit béo thuộc nhóm omega-3, có mặt trong dầu cá béo, các loại đậu và sữa.
Ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh là việc không bỏ bữa, các bữa ăn chính có thể chia làm 5 – 6 bữa nhỏ trong ngày. Mẹ không kiêng khem quá mức trong vấn đề ăn uống, nhưng cũng tránh “thả ga” ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe như đồ đóng hộp, chế biến sẵn, nhiều đường, muối hoặc dầu mỡ…
Ngoài ra, ăn uống lành mạnh khi chuẩn bị mang thai sau sinh non cũng thể hiện qua việc lựa chọn thực phẩm sạch, không hóa chất, khẩu phần ăn uống hàng ngày có nhiều rau xanh, củ quả tươi. Đặc biệt, muốn thai kỳ tiếp theo không bị đe dọa bởi sinh sớm, mẹ cũng tuyệt đối tránh xa khói thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
Mách mẹ 2 biện pháp tránh thai tự nhiên, an toàn sau sinh non
Để tránh “vỡ kế hoạch”, mang thai quá sớm sau sinh non, mẹ có thể sử dụng hai biện pháp ngừa thai tự nhiên như sau:
Cho con bú vô kinh
Cho con bú vô kinh là một biện pháp ngừa thai tự nhiên, tiện lợi, dễ thực hiện, hiệu quả lên đến 98%. Việc cho con bú có thể làm tăng nồng độ prolactin trong cơ thể mẹ. Đây là chất có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng, làm kinh nguyệt bị trì hoãn, từ đó giúp tránh thai hiệu quả.
Tuy nhiên, để phương pháp này phát huy tác dụng tối đa, mẹ cần hội đủ 3 điều kiện:
- Cho bé bú mẹ hoàn toàn, không để bé dùng thêm sữa ngoài hoặc bất kỳ thực phẩm nào khác. Khoảng cách giữa các cữ bú không quá 4 giờ vào ban ngày và 6 giờ vào ban đêm. Thực ra, đối với trẻ sơ sinh thì chỉ cần mẹ cho bú đúng theo nhu cầu của bé là có thể đáp ứng đúng điều này.
- Kinh nguyệt của mẹ chưa trở lại từ sau khi sinh. Khi kinh nguyệt trở lại đồng nghĩa với việc cơ thể người mẹ đã có khả năng thụ thai bất cứ lúc nào.
- Chỉ áp dụng trong vòng 6 tháng sau sinh. Sau khoảng thời gian này, phương pháp cho con bú vô kinh không còn tác dụng.
Dùng bao cao su
Bao cao su nam
Sử dụng bao cao su nam là biện pháp tránh thai sau sinh phổ biến, hiệu quả và an toàn nhất. Bên cạnh ưu điểm ngừa thai ngoài ý muốn dù cho con bú hay không, bao cao su nam còn có thể ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sử dụng bao cao su tránh thai sau sinh, mẹ cũng không lo nguồn sữa cho bé bú bị ảnh hưởng.
Bao cao su nữ
Không phổ biến như bao cao su nam, bao cao su nữ ít được sử dụng hơn. Nhưng… hiệu quả tránh thai của loại bao cao su này lại tương đương như bao cao su dành cho các cánh mày râu.
Bao cao su nữ được đặt vào âm đạo có một cái vòng trong khớp với cổ tử cung và vòng ngoài phủ lên môi của âm hộ. Điều này giúp bao không tuột vào trong âm đạo, đồng thời che phủ âm hộ và trùm kín dương vật đến tận gốc khi giao hợp nên có khả năng bảo vệ rất cao.
Chuẩn bị mang thai sau sinh non, ngoài việc chú ý đến sức khỏe, các bà mẹ cũng cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng và tinh thần thật tốt. Các nghiên cứu cho thấy, mẹ thường xuyên stress có nguy cơ sinh non cao hơn những mẹ luôn có tâm trạng thoải mái, vui vẻ.