Mẹ&Con – Tuần thứ 8 trong 40 tuần thai kỳ là giai đoạn cuối của phôi thai. Qua tuần này, bé yêu bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới với tên gọi là bào thai.
Tuần 8 của thai kỳ
Ngày thai thứ 50 – 56 (ngày 64 – 70 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)
Chúc mừng mẹ! Như vậy là mẹ đã đi qua gần 2 tháng trong tổng số 40 tuần thai kỳ rồi đấy!
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
Mặc dù bên ngoài, cơ thể bạn không có nhiều thay đổi nhưng bên trong cơ thể có rất nhiều điểm khác biệt. Trước khi có thai, tử cung của mẹ có kích thước bằng bàn tay nhưng bây giờ, tử cung có kích thước ngang với một quả bưởi.
Tuần thứ 8 trong thai kỳ ngực mẹ tiếp tục phát triển to hơn, vùng da xung quanh quầng vú bắt đầu trở nên mềm và sáng (tạo thành quầng vú thứ hai). Điều này là hoàn toàn bình thường, vì cơ thể mẹ đang biến đổi dần để thích nghi với việc chuẩn bị cho con bú.
Dịch chất nhờn bắt đầu nhiều ở âm đạo. Nhu cầu chuyển hóa chất của cơ thể tăng lên. Thời gian này, mẹ có thể bị táo bón nếu không được cung cấp đủ chất xơ và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Mẹ có thể nôn nhiều vào buổi sáng (với một số người, triệu chứng này có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong ngày). Nôn ói nhiều thậm chí khiến mẹ mệt mỏi và dễ ngất xỉu. Da mặt mẹ bắt đầu nổi mụn như quay lại tuổi dậy thì và trở nên khô, ngứa.
Một sự thay đổi khác xảy ra trong cơ thể mà mẹ có thể không nhìn thấy bằng mắt thường, đó là lượng máu đã tăng 40 đến 50%.
Chuyện gì đang diễn ra với em bé trong bụng?
Gần như tất cả mọi cơ quan hoàn chỉnh của con người lúc này đã xuất hiện trong phôi thai. Ngón tay và ngón chân vẫn có màng, nhưng đang phát triển dài hơn.
Các bộ phận trên khuôn mặt ngày càng hoàn thiện hơn. Sống mũi và mí mắt khắc họa rõ nét. Đuôi phôi cũng đang dần biến mất, cơ thể của bé bắt đầu duỗi thẳng ra…
Giới tính của bé yêu đã được xác định, thế nhưng bộ phận sinh dục bên ngoài vẫn đang trong quá trình hình thành nên có thể không nhìn rõ. Tuần thứ 8 trong 40 tuần thai kỳ là giai đoạn cuối của phôi thai. Qua tuần này, bé yêu bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới với tên gọi bào thai.
Kích thước của em bé
Phôi thai dài hơn 2.54cm (1 inch), có kích thước khoảng một hạt đậu.
Những việc mẹ nên làm lúc này?
Mẹ có thể đi khám tiền sản lần đầu tiên (hoặc cũng có thể chờ một vài tuần nữa, bởi lần khám tiền sản đầu tiên có thể dao động từ 8 đến 12 tuần, kể từ kì kinh nguyệt cuối cùng).
Nếu suốt thời gian trước, mẹ chưa gặp bác sĩ thì lần thăm khám đầu tiên này có vẻ sẽ diễn ra hơi lâu. Các bác sĩ sẽ hỏi cặn kẽ bệnh sử của bạn, bao gồm: Ngày chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng, lịch sử nạo phá thai hoặc sẩy thai, lịch sử nhập viện, tiền sử bệnh gia đình, các loại thuốc đang dùng…
Trong lần thăm khám này, mẹ cũng có thể phải làm những xét nghiệm y tế, kiểm tra cổ tử cung và siêu âm.
Lời khuyên giúp cho việc mang thai tốt hơn
Khi mang thai, da của chị em đa phần bị nhờn và nổi mụn trứng cá nhưng mẹ yên tâm, điều này sẽ biến mất ngay sau khi em bé chào đời. Nếu có ý định dùng bất cứ loại thuốc trị mụn nào, dù là bôi ngoài da cũng nhất thiết nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Hai tháng đầu là thời điểm dễ bị sảy thai nhất. Trong quá trình mang thai, sự thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân khiến tâm trạng của người phụ nữ thường xuyên không ổn định. Nếu cảm thấy không khỏe, mẹ nên nghỉ ngơi. Tránh các hoạt động mạnh như cúi người nhiều, đứng lâu làm việc hay ngồi tàu xe dằn xóc…
Trong suốt thai kỳ, chú ý làm vệ sinh cơ thể. Nên dùng nước ấm để rửa bên ngoài âm đạo, tránh dùng đồ lót quá chật. Không nên tắm lâu quá 15 phút. Về hóa mỹ phẩm, nhớ kĩ chỉ dùng các sản phẩm nhẹ nhàng, dành riêng cho phụ nữ có thai….
Lời khuyên cho các ông bố
Tuần thứ 8 trong 40 tuần thai kỳ là một trong những giai đoạn nhạy cảm cả về thể chất cũng như tâm lý của người vợ khi mang thai. Vì vậy, bạn hãy chăm sóc tốt cho cô ấy. Hãy làm thay vợ những việc trong gia đình.
Nếu nhà có vật nuôi, bạn cần phải chăm sóc chúng trong những ngày vợ mình mang thai. Khi mang thai, phụ nữ có nguy cơ cao bị bệnh toxoplasmosis (nhiễm ký sinh trùng) nếu thay cát cho mèo đi vệ sinh.