Mẹ&Con – Sinh mổ trước đây là lựa chọn bất đắc dĩ khi mẹ bầu có bất thường trong thai kỳ hoặc khi chuyển dạ không thể sinh nở bình thường được. Nhưng hiện nay, nhiều mẹ chủ động chọn sinh mổ theo yêu cầu do sợ đau đớn khi vượt cạn, sợ tổn thương vùng nhạy cảm, tổn thương đáy chậu và không ít mẹ chọn sinh mổ vì muốn lựa chọn giờ đẹp, ngày tốt.
Mẹ có nằm trong đối tượng cần sinh mổ theo yêu cầu?
Sinh mổ theo yêu cầu, hay còn gọi là mổ chủ động, là phương pháp mổ “bắt con” trước khi chuyển dạ, thường được thực hiện với các trường hợp sau:
- Mẹ bị tiền sản giật, bị bệnh tim hoặc mắc các bệnh lý nặng không thể tiếp tục thai kỳ.
- Tử cung của mẹ có vết sẹo mổ cũ do mổ lấy thai trước đó hay từng phẫu thuật bóc u xơ tử cung, mổ tử cung…
- Người mẹ trên 35 tuổi mà mới sinh con lần đầu.
- Mẹ mang thai đôi, ba có thể gặp khó khăn trong việc sinh thường nên những trường hợp này thường được chỉ định mổ chủ động. Đặc biệt là mẹ mang đa thai có chung túi ối hoặc nằm ở vị trí không thuận lợi cho sinh thường.
- Thai nhi có vấn đề về sức khỏe không thể sinh nở bình thường như suy dinh dưỡng; thai suy trong tử cung hoặc thai quá lớn (lớn hơn 4kg hoặc lớn hơn 3,5 kg nếu là con đầu lòng) không thể sinh đường âm đạo, xương chậu hẹp, cần phải mổ.
- Vị trí thai nhi không thuận tiện cho việc sinh thường: Thông thường, vị trí của thai nhi trong những tuần cuối thai kỳ là đầu quay xuống dưới, mặt úp vào trong bụng mẹ. Nhưng, nếu em bé nằm ngang hoặc vị trí ngôi mông thì bắt buộc phải mổ lấy thai, vì sinh thường có thể dẫn đến rủi ro là suy thai hoặc em bé không nhận đủ oxy.
- Một số nguyên nhân khác thuộc về phần phụ của thai như rau thai tiền đạo trung tâm hay rau tiền đạo chảy máu nhiều lần hoặc xơ hóa nặng. Ngoài ra, hết nước ối (mức ối < 30), thai nhi thiếu oxy trong bụng mẹ hoặc bầu thai dị thường, sớm tách khỏi tử cung, cũng được chỉ định mổ lấy thai.
- Một số lý do khác như thai chết lưu trước khi chuyển dạ thì cũng cần phải tiến hành phẫu thuật lấy thai để đảm bảo an toàn cho mẹ.
Những gì diễn ra khi sinh mổ theo yêu cầu?
Trước khi mổ, mẹ sẽ được khử trùng vùng bụng nơi tiến hành rạch vết mổ nhằm tránh viêm nhiễm có thể gây ra bởi vô số vi khuẩn sống trên bề mặt da. Tiếp theo, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng thực tế của bạn để lựa chọn hình thức giảm đau như gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê toàn thân. Sau đó, bạn sẽ được gắn ống truyền nước biển (thường là trong khoảng 24 giờ) để duy trì cho cơ thể không bị mất nước, một ống thông vào niệu đạo để dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể trong suốt quá trình phẫu thuật.
Khi việc gây tê đã hoàn tất và phần dưới cơ thể bạn tê liệt hoàn toàn thì thao tác mổ lấy thai bắt đầu. Bác sĩ sẽ thực hiện một đường cắt ngang và nhỏ ở da, phía trên xương mu. Tiếp đó, bác sĩ sẽ đưa tay vào trong, nâng đầu em bé ra qua vết rạch, thường là với sự hỗ trợ của kẹp. Các thao tác đưa em bé ra ngoài diễn ra khá nhanh, trong khoảng 5-10 phút đầu tiên. Sau đó, nhau thai được lấy ra và mẹ sẽ được tiêm oxytocin để tử cung co lại và hạn chế mất máu.
Phần lớn thời gian của ca mổ là dành cho giai đoạn khâu vết mổ ở tử cung và các lớp khác nhau của mô bụng, cơ và da (thường cần khoảng 30 phút). Các vết khâu thường được sử dụng chỉ tự tiêu.
Em bé sinh mổ do không thể tống thải hết lượng chất lỏng và chất nhầy dư thừa trong phổi nhờ vào áp lực phải chịu khi di chuyển qua đường sinh nở thông thường, nên sẽ cần hút hết các chất này trước khi để bố mẹ ôm vào lòng.
Quá trình sinh mổ theo yêu cầu hoàn tất, mẹ và bé sẽ gặp nhau ở phòng hồi sức để theo dõi trong khoảng vài giờ.