Nhiều người bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh ngay khi bé mới chào đời được 1 – 2 tháng, cá biệt có trường hợp bé mới chào đời được 4 – 5 ngày. Hành động này có thực sự an toàn hay còn tiềm ẩn rủi ro khác?
Nếu có ý định bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh, mẹ nhất định không được bỏ qua bài viết dưới đây.
Trẻ nhỏ sẽ duyên dáng hơn nếu đính trên tai đôi bông lúc lắc. (Ảnh minh họa)
1. Thời điểm thích hợp cho việc bấm lỗ tai
Thực hiện bất cứ công việc gì, lựa chọn thời điểm thích hợp cũng mang tới khả năng thành công cao hơn và bấm lỗ tai cho bé cũng vậy. Theo các chuyên gia, thời điểm thích hợp nhất để bấm lỗ tai cho bé là khi chúng bước sang tháng thứ 6.
Dù trước đó cơ thể bé hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng thực chất hệ miễn dịch vẫn còn khá non yếu. Bấm lỗ tai sớm hơn đồng nghĩa với việc khả năng nhiễm trùng của trẻ sẽ cao hơn.
2. Làm thế nào để giảm bớt cơn đau?
Chỉ một cú chích nhẹ, bé đã có được chiếc lỗ tai ưng ý nhưng điều này cũng khiến chúng phải chịu những đau đớn nhất định. Dùng kem mỡ có chứa thành phần lidocaine, thoa lên hai mặt dái tai 30 phút trước khi tiến hành bấm lỗ tai sẽ giúp bé giảm bớt đau đớn.
Nếu không có kem mỡ, mẹ cũng có thể dùng khăn lạnh chườm lên trái tai 15 phút trước khi bấm lỗ tai.
3. Để ý kĩ chỉ xỏ tai và lựa chọn bông tai
Thông thường sau khi bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh, các nhân viên y tế sẽ luồn qua tai một sợi chỉ. Trẻ con chưa nhận thức được, khi về nhà nếu thấy sợi chỉ quá dài gây vướng víu cho sinh hoạt hàng ngày của bé hãy cắt ngắn bớt, tránh trường hợp bé quơ tay, giật chỉ gây chảy máu lỗ tai vừa bấm.
Chất liệu bông tai cũng là điều tối quan trọng. Mẹ hãy chọn những đôi bông tai được làm từ thép không ghỉ hoặc bạc, bạch kim, titan hay vàng 14K. Những chất liệu này không chứa niken hay kim loại có hại, có khả năng gây dị ứng cho bé yêu.
4. Vệ sinh sau khi bấm lỗ tai
Điều đầu tiên được nhắc tới trong khâu vệ sinh, đó là quá trình thực hiện bấm lỗ tai cho bé. Phụ huynh nên để ý xem tay người bấm lỗ tai có sạch không? Có đeo bao tay không? Các dụng cụ y tế đã được sát trùng chưa để tránh bệnh truyền nhiễm.
Sau khi bấm lỗ tai cho bé xong, dùng bông gòn thấm vào nước muối sinh lý rửa qua lỗ tai cho con một lần rồi lau khô.
Khâu vệ sinh khi bấm lỗ tai cho con đặc biệt quan trọng. (Ảnh minh họa)
5. Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng sau khi bấm lỗ tai
Tuy ít gặp, nhưng vẫn có những trẻ bị nhiễm trùng sau khi bấm lỗ tai. Biểu hiện ban đầu thường sau 2 – 3 ngày lỗ bấm sẽ sưng tấy, làm mủ. Trường hợp này mẹ có thể dùng thuốc tím sát trùng lỗ bấm để an tâm. Nếu thấy vết thương nguy hiểm hơn, chảy nhiều mủ khiến bé đau, ngứa rát và có nguy cơ phải uống kháng sinh để giảm đau, hãy con tới khám bác sĩ để chắc chắn bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Khoảng 2 – 3 tháng sau khi tai bé phục hồi, mẹ mới nên cho con đeo hoa tai “làm điệu” trở lại.
6. Cho bé tránh điều gì sau khi bấm lỗ tai?
Nếu tóc bé quá dài, mẹ nên cắt ngắn hoặc cột gọn gàng để những sợi tóc không “đi lạc” vào lỗ tai. Trong thời gian này, cũng hạn chế không cho con nghịch nước bẩn hoặc tự xúc các loại đồ ăn như mì ý, nui, nước sốt cà chua… vì chúng có thể văng vào và làm nhiễm trùng lỗ tai vừa bấm. Thời gian kiêng cữ khoảng 2 tuần kể từ sau khi bấm lỗ tai.
Bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh thường ít nguy hiểm, song để đảm bảo an toàn cho bé yêu hãy tuân thủ các quy tắc trên, cha mẹ nhé!