Khi trẻ bị trúng gió, cha mẹ phải làm thế nào? Hoảng hốt lúc này không giúp ích được gì cho con, ngược lại còn khiến chúng có nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm hơn.
Bệnh trúng gió xảy ra đột ngột, để đối phó với căn bệnh này trước tiên bạn phải biết thời điểm trẻ dễ mắc trúng gió, biểu hiện khi trẻ trúng gió sau đó mới là cách chữa trị.
1. Thời điểm trẻ dễ bị trúng gió
Có 3 thời điểm mà trẻ dễ bị trúng gió nhất:
– Mùa đông: Mùa đông rất lạnh, những ngày nhiệt độ xuống thấp đột ngột cũng khiến trẻ dễ bị trúng gió khi tiếp xúc với nhiệt độ môi trường.
– Mưa nhiều: Mưa nhiều, dài ngày thường kèm theo gió lạnh. Chính những cái lạnh này sẽ khiến bé bị cảm và trúng gió.
– Giao mùa: Thời điểm này thời tiết thay đổi đột ngột, từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng khiến cơ thể trẻ chưa kịp thích nghi nhiệt độ mới nên dễ bị trúng gió.
2. Biểu hiện khi trẻ bị trúng gió
– Biểu hiện ban đầu dễ nhất ở đứa trẻ bị trúng gió đó là ớn lạnh toàn thân, từ phía sau gáy tới sống lưng, chân, tay… Nhưng chỉ có những trẻ lớn, biết nhận diện mới diễn tả được cảm giác này bằng từ ngữ. Còn đối với những trẻ nhỏ hơn, chưa biết diễn tả cảm giác bằng từ ngữ thì phụ huynh sẽ thấy con rùng mình, chân tay co cứng, da dẻ tím tái.
– Trẻ mệt lả người, nhức đầu, choáng váng, không muốn làm gì, chỉ muốn nằm một chỗ.
– Nhiều trẻ bị rét run, chảy nước mũi. Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa.
– Trường hợp nặng nhất, trẻ bị hôn mê và co cứng toàn thân. Trong trường hợp này nếu không kịp thời xử lý thì khả năng tử vong là rất cao.
3. Cách trị trúng gió ở trẻ nhỏ
Theo Tây y:
Thông thường, các bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc cảm, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.
Theo Đông y:
Cách trị trúng gió ở trẻ trong Đông y đa dạng hơn Tây y. Tiêu biểu có thể kể tới một vài phương pháp sau:
Xoa bóp: Xoa bóp 2 lòng bàn chân, bàn tay và bụng để cơ thể ấm dần lên.
Uống trà gừng: Tương tự như xoa bóp, uống trà gừng cũng làm ấm cơ thể.
Cạo gió: Cạo gió bằng đồng xu, miệng chén hoặc thìa, muỗng giúp giải cảm nhanh chóng. Khu vực cạo gió thường ở vùng cổ, gáy, lưng, tay và chân.
Ăn cháo nóng với tía tô: Cháo nóng giúp ấm cơ thể, tía tô có tác dụng giải cảm.
Ngửi tinh dầu: Ngửi mùi tinh dầu như tinh dầu bạc hà giúp lưu thông khí huyết, thư giãn tinh thần, giảm choáng váng, nhức đầu.
Mát xa: Mát xa hai bên thái dương, sau tai và ấn huyệt nhân trung cũng giúp hết nhức đầu, choáng váng.
Tư thế nằm: Trẻ nằm nghiêng sang một bên sẽ tránh nuốt phải chất nôn. Kê chân cao hơn đầu để máu lưu thông lên não nhanh.
Trong trường hợp đặc biệt, khi trẻ có những biểu hiện như hôn mê, co cứng toàn thân… cha mẹ tuyệt đối không được chữa trị tại nhà. Hãy đưa con tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
4. Làm thế nào để hạn chế trẻ bị trúng gió?
Như đã nói ở trên, trúng gió là căn bệnh đột ngột nên chúng ta sẽ khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cha mẹ có thể hạn chế trẻ bị trúng gió nếu tuân thủ những điều dưới đây:
– Khi thời tiết thay đổi, cần giữ ấm cho trẻ.
– Không tắm ở nơi có gió lùa, tắm xong phải lau khô người mới mặc quần áo.
– Không để trẻ nằm trong phòng quá lâu, với nhiệt độ điều hòa thấp.