Bé mọc răng thường rất khó chịu, quấy khóc, chán ăn. (Ảnh minh họa)
Mẹ biết đấy, thông thường bé 6 tháng tuổi bắt đầu nhú chiếc răng đầu tiên. Khi được 12 tháng tuổi, trẻ sẽ có khoảng 6 chiếc răng và đến lúc bé được 24 tháng tuổi đầy đủ một hàm răng sữa gồm 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới.
Mấy tháng bé mọc răng? Cột mốc quan trọng này còn tùy thuộc vào yếu tố thể chất. Có bé 4 hoặc 5 tháng tuổi đã mọc răng nhưng một số khác, phải đến lúc bé được 1 tuổi thì mới bắt đầu xuất hiện chiếc răng đầu tiên.
Thời gian bé mọc răng
– 5 đến 8 tháng: 4 răng cửa ở giữa của hàm trên và hàm dưới.
– 7 đến 10 tháng: 4 răng cửa bên.
– 12 đến 16 tháng: 4 răng hàm đầu tiên.
– 14 đến 20 tháng: 4 răng nanh.
– 20 đến 32 tháng: 4 răng hàm thứ hai.
Đến giai đoạn bé mọc răng, mẹ có thể dễ dàng nhận biết một số dấu hiệu như chảy nước dãi, lâu dần nước dãi tiếp xúc với da mặt, miệng gây nổi mẩn. Bé thường xuyên thấy khó chịu, quấy khóc, chán ăn, một số trẻ khác còn xuất hiện triệu chứng ho. Trẻ mọc răng rất thích nhai, cắn bất cứ thứ gì cầm trong tay.
Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng
Mẹ biết chưa?
Để bé yêu mọc răng đúng thời điểm, ngay từ khi chào đời mẹ nên bổ sung đầy đủ canxi cho bé thông qua nguồn sữa mẹ và thường xuyên cho bé tắm nắng.
Chắc hẳn đến đây mẹ đã có đáp án cho câu hỏi “mấy tháng bé mọc răng” rồi phải không nào? Vậy đến giai đoạn bé chào đón những chiếc răng xinh đầu tiên, mẹ cần lưu ý những gì để đảm bảo cho sức khỏe của con phát triển một cách toàn diện.
Thời kỳ con mọc răng, mẹ không khỏi thấp thỏm lo âu khi bé suốt ngày quấy khóc, sốt nhẹ, lười ăn, thậm chí còn sụt cân. Vậy nên, thời điểm này mẹ cần cố gắng chăm sóc, âu yếm, vỗ về bé. Ưu tiên cho bé ăn các loại thực phẩm mềm như sữa, cháo loãng…
Trường hợp bé bị sốt trên 38,5ºC, mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời, một điều mẹ cần đặc biệt lưu ý là giữ gìn vệ sinh răng miệng của bé thật sạch sẽ. Sau khi ăn, nên cho bé uống một ít nước hoặc lấy khăn mềm chà nhẹ phần nướu răng của con. Khi con đã lớn, dạy con cách đánh răng 2 lần mỗi ngày.
Như Mẹ&Con đã nói ở trên, khi mọc răng bé thường có xu hướng nhai hoặc cắn bất cứ vật gì nằm trong tầm tay. Tốt nhất trong thời gian này, mẹ nên cho bé chơi các loại đồ chơi bằng vật liệu mềm. Tránh các loại đồ chơi có sắc cạnh dễ làm tổn thương đến miệng bé. Cách khác, mẹ có thể thay thế đồ chơi bằng việc cho bé cầm miếng nhỏ trái cây như lê, táo, cà rốt…
Hy vọng với những kiến thức bổ ích trên, Mẹ&Con đã giúp các mẹ giải đáp thắc mắc mấy tháng bé mọc răng. Từ đó có cách chăm sóc cho bé yêu phát triển một cách tốt nhất.
Chúc mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan!